Trong cơn lốc của thời cuộc, chạy đua với thời gian, giới doanh nhân Sài Gòn đã trải qua một năm vô cùng vất vả để cùng chung sức vực dậy nền kinh tế, nỗ lực hoàn thành các kế hoạch của doanh nghiệp mình. Nhận định chung là rất phấn khởi khi nền kinh tế Việt Nam 2022 phục hồi ngoạn mục, tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến cao trên 8%, lạm phát được kiềm chế theo đúng mục tiêu, các chỉ tiêu kinh tế quan trọng đều có mức tăng trưởng...
Bức tranh chung là như thế, nhưng sao nhiều doanh nhân vẫn trăn trở, các bạn tôi còn nặng trĩu nỗi lo, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - chiếm đến trên 98% tổng số các doanh nghiệp. Còn đó những khó khăn mà mỗi doanh nhân hằng ngày phải vật lộn, đó là làm sao có được nhiều đơn hàng, ký được nhiều hợp đồng, gia tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên, giữ được người tài, tăng năng lực cạnh tranh, có khả năng ứng phó với thách thức phía trước đang chờ đón.
Doanh nhân ước gì có được một khoảng lặng, một chút thời gian cho riêng mình, cho gia đình mình... để nạp năng lượng rồi sau đó lao vào cuộc “chiến đấu” như một người “chiến sĩ xung kích” trên “mặt trận” kinh tế kỹ thuật.
Một khoảng lặng trong không gian ngày Tết, tại sao không? Những doanh nhân bạn của tôi dạo này có không ít người bắt đầu sợ ngày Tết. Cũng đúng thôi, doanh nhân đến Tết là phải lo nhiều hơn, lo hoàn thành kế hoạch năm, lo có đủ tiền thưởng Tết cho nhân viên, lo hiếu hỷ với khách hàng và cả với “bề trên” nữa, làm sao cho phải đạo để rồi còn làm ăn chứ... Nỗi lo đầy ắp khiến doanh nhân nhiều khi quên cả chính mình và nhiều lúc tự thấy tủi thân ghê, nhưng đã vận vào nghiệp doanh nhân thì phải có bản lĩnh.
Tôi cũng vậy thôi, chỉ mong có được khoảng lặng để mình được làm những gì mình thích. Tết Quý Mão đang đến gần, tôi ước gì có được khoảng lặng để được đắm mình trong không gian âm nhạc và nghệ thuật, được thưởng thức ly cà phê phin hay tách trà mạn hảo hạng, được cùng bạn bè người thân ngắm những bức tranh hội họa mình dày công sưu tầm.
Thôi, hãy tạm gác những lo toan, các bạn hãy cùng tôi vui đón Xuân nhé, cùng xem năm nay Quý Mão tôi có những gì liên quan đến mèo nào? Không kể tụi nhỏ nhà tôi rất yêu động vật, chúng nuôi đến 8 con mèo trong nhà mà nhiều khi tôi cũng phát cáu vì chúng, 8 con 8 tính cách, đố ai quản lý được mèo!
Là một người yêu thích hội họa và sưu tầm tranh, tôi may mắn có được vài bức tranh đẹp có hình ảnh chú mèo trong đó. Mỗi bức mỗi cảnh, chú mèo nào trong tranh cũng đa dạng hình hài và ẩn chứa những câu chuyện thú vị đằng sau, đôi khi gợi nhớ cho ta về một kỷ niệm xưa.
Mèo trong tranh của họa sĩ Nguyễn Thế Duy
Nguyễn Thế Duy: Tĩnh vật mùa Thu - sơn dầu 56x71cm, sáng tác 1999 |
Hơn 10 năm trước, lang thang trên phố Tràng Tiền, Hà Nội tôi ghé qua một phòng tranh và bị hút hồn bởi một bức tranh vẽ cảnh hồ Hoàn Kiếm hồi đầu thế kỷ XX của họa sĩ Nguyễn Thế Duy. Bức tranh lạ lắm, góc nhìn từ trên xuống “viễn cận tẩu mã”, là cách nhìn của họa sĩ phương Đông mang phong cách siêu thực. Bức tranh vẽ rất tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ nhưng lại rất ước lệ khái quát nửa hư nửa thực. Hồi đó tôi còn bỡ ngỡ với hội họa lắm và cũng không dám mua tranh nữa vì giá tranh cũng khá cao. Rồi cứ thế, cứ mỗi lần ra Hà Nội lại ghé vào phòng tranh xem tranh có còn không, tôi ước ao mình được sở hữu bức tranh này, sau nhiều lần nhòm ngó, tôi quyết định mua bức tranh với suy nghĩ có được bức này là quý lắm rồi, không cần mua thêm tranh nào nữa... Và rồi chẳng hiểu làm sao cả tôi và vợ tôi đều muốn có thêm vài tác phẩm nữa của họa sĩ người Hà Nội tài hoa này.
Cơ may làm sao chúng tôi được phòng tranh và họa sĩ ưu ái cho xem thêm nhiều tác phẩm khác ông vẽ về Hà Nội cổ. Các bức tranh đẹp sinh động về đám rước trong phố cổ mà giờ đây chỉ có trong ký ức của người xưa, hay các cảnh phố “hàng” một thời còn vương vấn hồn cách Hà Nội xưa. Trong các bức tranh đó có một bức Tĩnh vật mùa Thu họa sĩ đã đưa một chú mèo mướp vàng ngồi vắt vẻo trên thành cửa sổ ngắm hoa cúc vạn thọ vàng đựng trong bình cổ rạn men xanh, chạm rồng nổi được vẽ hết sức tinh tế. Tôi cứ nghĩ mãi sao tác giả lại đặt tên tranh là Tĩnh vật mùa Thu nhỉ, bức tranh này hoàn toàn có thể là một góc cảnh ngày Tết. Phải chăng tác giả đang vẽ bức tranh quá yên tĩnh, cảnh trong tranh không một bóng người, chỉ có nhà mái ngói nhấp nhô đúng kiểu phố cổ Hà Nội, phố “Phái”.
Mà sao các cửa sổ tầng trên đều mở sáng đèn, còn cửa sổ tầng dưới thì đóng im ỉm? Phải chăng đây là buổi sớm mai, nơi căn phòng tầng trên chủ nhân đã tỉnh giấc nhưng chưa bước chân xuống dưới nhà? Còn chủ nhân của con mèo thì sao? Không thấy có nhưng vẫn có đấy, điếu thuốc lá đang cháy dở khói còn vương bay như nhắc ta về sự hiện diện của chủ nhân căn phòng, chủ nhân đã dậy sớm hay thức thâu đêm không ngủ làm bạn cùng chú mèo mướp đáng yêu? Chủ nhân có thể là một chàng trai đã tương tư cô hàng xóm đối diện, ngồi chờ nàng xuất hiện bên khung cửa sổ chăng?...
Càng ngắm tranh càng thấy bao ưu tư nhưng cũng rất gần gũi với người Hà Nội. Nguyễn Thế Duy là một họa sĩ Hà Nội đích thực và có cách vẽ rất riêng về Hà Nội, ông phải là người rất yêu và thấu hiểu mảnh đất nghìn năm văn hiến này mới có được những tác phẩm để đời như vậy. Đúng như nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật Trần Thức nhận xét: “Thế Duy đã đặt chân vào thế giới hữu hình đầy rung cảm nội tâm về một Hà Nội 36 phố phường mà ông yêu dấu. Tác giả đã bộc lộ được vẻ đẹp với một phong cách nghệ thuật mực thước và chân thành. Vì thế, có thể nói tác phẩm của Thế Duy là hiện thân của những đứa con tinh thần của nghệ thuật”.
Mèo trong tranh của họa sĩ Trần Ngọc Anh
Trần Thị Ngọc Anh: Chủ nhân của đêm - sơn mài 80x160cm, sáng tác 2014-2021 |
Mang mạng Mộc, tôi thích màu xanh cây cỏ. Đã lâu lắm rồi tôi bị mê hoặc bởi màu xanh lục, xanh lam trong bức tranh Cộng sinh của nữ họa sĩ Trần Ngọc Anh in trong cuốn sách Hội họa sơn mài Việt Nam của Quang Việt, tôi ước ao được sở hữu các màu xanh ấy... Và may mắn làm sao, trong những lần lang thang ở Hà Nội tôi đã tìm mua được các bức sơn mài khổ nhỏ của chị Ngọc Anh, chị vẽ hoa nhưng lộ rõ kỹ thuật vững chắc của sơn mài, sơn ta. Từ niềm yêu mến màu xanh hút hồn đó, tôi đã được gặp và thăm phòng tranh của gia đình chị, rồi liên tục mỗi lần chị triển lãm tôi lại bị thuyết phục bởi các tác phẩm mới về hoa, về thiên nhiên của chị, để rồi bộ sưu tập cứ tăng dần lên. Sơn mài trong tranh của chị Ngọc Anh là sơn mài truyền thống. Ngắm tranh của chị, ta không chỉ rung cảm về bố cục, độ sâu thăm thẳm của chất sơn ta mà còn tìm thấy sức sống đang chuyển động của những chú chuồn chuồn con hay những con chim, con ếch không thể thiếu trong bức tranh thiên nhiên hoang dã.
Bức tranh Chủ nhân của đêm là những chú mèo hoang trong đêm trăng sáng xanh mờ mờ huyền ảo, ta có cảm giác đêm thanh vắng yên tĩnh lắm nhưng chưa chắc đâu, thế giới về đêm của lũ mèo kia đầy mưu mô thôn tính, có cả sự tranh giành vì sinh tồn và cũng có cả sự xâu xé vì tình yêu.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội giữa lòng phố cổ, trong những đêm khuya nằm im nghe lũ mèo chạy nhảy huỳnh huỵch trên mái nhà, rồi kêu gào gầm gừ thì mới biết đêm của mèo phức tạp làm sao, chúng mới thực sự là chủ nhân của bóng đêm làm mất giấc ngủ của người lớn, làm ghê sợ nơi con trẻ... Ấy vậy mà bức tranh mới cuốn hút làm sao, tôi yêu thích vẻ đẹp không tưởng của bức tranh bởi hội họa lập thể trừu tượng xen lẫn chút phong cách Picasso, nhưng trên hết vẫn là kỹ thuật sơn mài tuyệt vời, là độ sâu của sơn ta qua nhiều lớp phủ ẩn hiện cùng gam màu sẫm để làm nổi lên sắc óng ánh của vàng ròng những chú mèo hoang.
Hội họa cho ta nhiều cảm xúc, có những bức tranh đem đến cho ta những cảm xúc khác nhau mỗi lần ta xem lại và bạn có thể khám phá bất tận về một bức tranh theo cách riêng của mình. Trong số các bức tranh vẽ về mèo mà tôi có được, tôi bị choáng ngợp bởi tác phẩm sơn mài Chủ nhân của đêm. Đây là một bức sơn mài khá lớn (80x160cm) gồm hai tấm vóc ghép lại của chị Ngọc Anh.
Trong một lần tâm sự, chị kể về con mèo yêu của chị, vì hoàn cảnh khó khăn mà chị phải nhờ người thân nuôi hộ và rồi nó đi mất, không rõ là có bị ai bắt ăn thịt hay không, khiến lòng chị luôn áy náy. Lòng thương nhớ khôn nguôi về chú mèo cứ dằn vặt chị, rồi những đêm không thể ngủ được giữa lòng phố cổ Hà Nội, chị nghe tiếng mèo gọi nhau. Nhiều đêm như thế, chị như đã hiểu chủ nhân của bóng đêm đích thị là những chú mèo, chị nghe thấy chúng nó quần tụ và thổ lộ: “Đêm nay ta là chủ nhân của bầu trời này, vũ trụ này, là chủ nhân của bóng đêm trăng sáng mờ này, không một ai, không một ai ngoài ta, những con mèo hoang”.
Và thế là tác phẩm dần hiện lên, chị đã sống với nó hơn 6 năm, chị không có ý định rời xa bức tranh này. Ấy vậy mà không hiểu sao chị lại dành cho chúng tôi, chị ưu ái cho chúng tôi lắm bởi những đồng cảm giữa họa sĩ và nhà sưu tập. Chị nói: “Chỉ có chúng ta mới hiểu nhau, hiểu những câu chuyện thầm kín của bức tranh này...”. Ôi, thật là cảm động, chúng tôi rất biết ơn chị và thực sự cuộc đời này đẹp lắm khi chúng ta gặp nhau bằng sự đồng điệu của tâm hồn nghệ thuật, của cái đẹp vĩnh cửu chân thiện mỹ.
Ngắm tranh mà suy nghĩ, đời doanh nhân cũng có lúc vất vả thật, phải cạnh tranh sinh tồn, cũng có khi như lũ mèo hoang chăng? Con mèo là con vật đáng yêu, hiền lành lắm cơ mà, vậy sao khi màn đêm rũ xuống chúng mới làm chủ bóng đêm, mới bộc lộ tính cách? Thôi đừng các bạn nhé, chúng ta hãy nỗ lực và hết mình chứ đừng như lũ mèo hoang mà phải làm ầm lên kêu gào trong đêm như thế... Xem tranh cốt yếu để thư giãn thôi, mong bạn tìm được vẻ đẹp của bóng đêm với mèo hoang nhé, đêm nay là một đêm trăng cơ mà...
Mèo trong tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Hòa
[Nguyễn Thị Hòa: Em bé và con mèo đen - sơn mài 80x65cm, sáng tác 2017 |
Cách đây hơn 5 năm, một nhóm 8 họa sĩ Hà Nội với tên gọi “Sơn mài Bắc” đã Nam tiến và có cuộc triển lãm đầu tiên tại Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM. Hai năm sau lần triển lãm đầu tiên, họ tổ chức triển lãm lần 2 cũng tại bảo tàng này.
Tôi thực sự bị cuốn hút bởi các tuyệt phẩm của nhóm - các tác phẩm sơn mài mang hồn cách Việt với chủ đề và phong cách đa dạng. Trong số những tác phẩm tôi may mắn sở hữu có đến 4 tác phẩm rất đẹp của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hòa thuộc nhóm này. Chị Hòa vẽ những chú mèo rất dễ thương như một điểm nhấn dịu dàng mà hôm nay nhân dịp đón Xuân Quý Mão, tôi muốn đem ra chiêm ngưỡng và bình phẩm.
Bức Em bé và con mèo đen trên nền tông màu xám xanh như màu của đá tự nhiên, đối lập với màu nâu đỏ của chiếc ghế em ngồi càng làm cho bức tranh thêm sang trọng. Hình ảnh em bé hài hòa, cách phối màu quá tài tình: chiếc áo đầm của cô bé thuộc tông trầm, điểm tô những chi tiết đắt giá vô cùng. Chiếc đầm của bé không sặc sỡ mà tinh tế với các đường viền màu đỏ cẩn trứng như được dát lên những viên đá quý hồng ngọc sang trọng, chiếc áo còn được điểm xuyến thêm những bông hoa đồng tiền trắng tinh khôi xinh xắn trước ngực. Điều thu hút hơn cả là khuôn mặt cô bé bình thản với đôi mắt mở to trong sáng, bé ôm chú mèo đen như một người bạn không thể rời xa và chú mèo cũng thật ngoan ngoãn trong vòng tay bé, cũng bình thản mở to mắt ngước nhìn.
Có một cảm giác thật bình yên và hạnh phúc khi tôi ngắm Em bé và con mèo đen. Bức tranh này làm cho tôi liên tưởng đến những kiệt tác của các danh họa lẫy lừng một thời như bức Em Thúy của Trần Văn Cẩn, hay bức Cô gái với những trái đào của họa sĩ Nga Valentin Xerop.
Con mèo đen trong các bức tranh của chị Hòa đều là những con mèo có một lịch sử lạ lẫm và gắn với chủ nhân của nó. Trong bức Thu Hương, họa sĩ Nguyễn Thị Hòa vẽ người nhà của tôi, bên cạnh là con mèo đen Fuji. Đây là con mèo Mỹ chính hiệu, con trai tôi trong những ngày là sinh viên ở thành phố Atlanta bên Mỹ có một lần đang đi xe cùng người bạn thì chú mèo đen cô đơn vô gia cư này nhảy lên ngồi trong lòng cậu ta và thế là từ đó chúng trở thành bạn thân, để rồi ngày kết thúc đại học trở về Việt Nam thì Fuji cũng đi theo về. Con Fuji cá tính, tự lập, giờ đây đã đi vào trong tranh của chị Hòa rồi.
Bức tranh này là vô giá với gia đình tôi bởi những khoảnh khắc ghi lại vẻ đẹp một thời của người phụ nữ. Bức tranh có bố cục hài hòa, màu sắc và các họa tiết được họa sĩ trau chuốt cẩn thận, tỉ mỉ nhằm toát lên vẻ đẹp sang trọng quý phái nhưng vẫn rất gần gũi bởi nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Ngày Xuân đã về, ngắm tranh, ngắm chú mèo Fuji như vẫn còn đâu đó vấn vương cố quốc nên Fuji trong tranh chỉ nằm yên, nằm một mình thôi, không cần ôm ấp như những chú mèo khác trong tranh chị Hòa vẽ.
Tôi vô cùng biết ơn chị Hòa, chị luôn luôn ưu ái chọn người nhà tôi làm đề tài sáng tác. Những bức tranh sơn mài truyền thống của chị với kỹ thuật điêu luyện và tài biến hóa sắc màu luôn mang đến sự đằm thắm, sang trọng, dịu êm, đầy nữ tính, những tác phẩm tuyệt vời. Hơn thế nữa, chị đã đem đến cho gia đình chúng tôi một tình bạn thân thiết.
Mèo trong tranh của họa sĩ Trà My
Phạm Trà My: Dần và Mão - sơn mài 80x120cm, sáng tác 2021 |
Nữ họa sĩ Trà My tuổi Dần nhưng lại say mê vẽ mèo. Cô là một họa sĩ trẻ sáng tác không biết mệt mỏi. Trong xưởng vẽ tại một con hẻm ven sông Hồng, chỉ có một mình em “đánh vật” với những tấm vóc to đùng, nặng chình chịch. Trà My chọn sơn mài truyền thống và đam mê khai thác kỹ thuật lâu đời này trên nhiều chất liệu để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật cuốn hút người xem. Tôi rất thích xem những quả bóng bay bằng sơn mài ngộ nghĩnh với những khuôn mặt người đầy sắc thái do Trà My sáng tạo nên, nhưng mê hoặc hơn cả là hàng loạt bức tranh vẽ mèo, vẽ sen và thiên nhiên kỳ ảo mà trong đó nhất thiết phải có đàn bướm bay, có đôi mắt to tròn của cô ẩn hiện đâu đó trong tranh.
Tranh của Trà My lạ lắm, rất cuốn hút, càng ngắm càng thấy nhiều câu chuyện sau mỗi khuôn hình, như khi ta lạc bước vào khu rừng cổ tích đầy hoa thơm cỏ lạ và muôn thú... song hơn hết vẫn là chất sơn ta lung linh sâu thẳm ẩn hiện nhiều lớp, làm người xem có ước muốn được sờ tay xoa lên mặt tranh để cảm nhận chất sơn ta mát rượi bóng mượt này.
Những bức tranh mèo của Trà My không thể lẫn với ai khác. Mèo của Trà My không nhẹ nhàng hiền dịu mà bộc lộ bản chất của mãnh thú, là những “chú hổ” mặt mèo với đầy đủ sức mạnh của móng vuốt. Tranh của Trà My vẽ mèo hay hổ cũng được, dù tên tranh là Mèo xanh, Mèo đỏ... như cách đánh dấu về màu sắc, còn hình tượng, bố cục tranh thì quá lạ. Ta sẽ thấy tất cả những gì lộng lẫy sắc màu cuồn cuộn vào nhau trong từng đường nét và tông nền cũng chỉ là để thể hiện nét sơn mài truyền thống rất Việt Nam.
Đã có lần tôi nghe một họa sĩ gạo cội yêu thích sơn mài tự hào nhận xét: “Chúng ta thật là may mắn, chỉ có ở Việt Nam, chỉ có ở vùng trung du Bắc Bộ, vùng đất Phú Thọ mới có loại cây sơn cho ra chất sơn hảo hạng bậc nhất thế giới và rồi cũng chỉ ở Việt Nam có tháng trời nồm để cho các họa sĩ ủ sơn. Thiên nhiên là trời phật ban tặng ta đó, cố mà gìn giữ, phát huy nghề sơn mài truyền thống”.
Trà My thật khéo khoe kỹ thuật sơn mài của mình sau mỗi bức tranh. Khi ngắm những chú mèo của cô, ta như thấy có sự vận động uyển chuyển, có cả thiên nhiên vũ trụ trong tranh và nếu tinh ý sẽ phát hiện ra những đôi mắt mèo sao mà giống đôi mắt yêu thích của Trà My đến thế. Bức tranh nào của Trà My cũng luôn có dấu ấn riêng bí mật của cô...
Mùa Xuân sắp đến rồi, chú mèo Quý Mão đang chào đón chúng ta. Hình bóng mèo không chỉ có trong các tác phẩm hội họa mà còn có ở điêu khắc, ở dòng tranh dân gian. Mèo còn xuất hiện trong âm nhạc, trong những vở balê kinh điển và nhiều hơn cả là trong văn thơ, ca dao tục ngữ. Là doanh nhân chúng ta học được gì ở mèo? Thật là thú vị khi mỗi người sẽ tự chiêm nghiệm và rút ra bài học cho riêng mình, còn tôi thì thích nhất đức tính của mèo là thân thiện và gần gũi, như nhắc nhở ta - doanh nhân hãy luôn biết kiềm chế, vì công việc căng thẳng thường xuyên khiến doanh nhân dễ nổi cáu và nóng vội. Nhìn những chú mèo thân thiện và gần gũi, doanh nhân hãy học cách tĩnh tại để thân thiện và gần gũi với mọi người xung quanh, nhất là với nhân viên, đối tác và khách hàng của mình. Từ sự tĩnh tại, thân thiện và gần gũi, rồi ta sẽ tìm ra cơ hội để phát triển.
Mùa Xuân đến rồi, chút thư giãn bên người thân, bạn bè bằng cách ngắm tranh đẹp có chú mèo nhân dịp năm Quý Mão thì thật là sung sướng. Tôi cũng mong các bạn doanh nhân của tôi có nhiều cơ hội đến với nghệ thuật - một thế giới mênh mông cuốn hút, giúp ta tĩnh tại hơn, cân bằng hơn và chắc chắn sẽ cho ta thêm năng lượng để ngày mai tiếp tục sự nghiệp của mình, tiếp tục đời doanh nhân vất vả mà cũng có lúc hiển vinh.
(*) Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT