Thương hiệu Việt chinh phục thế giới

Anh Minh - LYN| 18/01/2023 03:00

2022 là một năm đầy khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) không những vượt khó thành công mà còn vươn ra nước ngoài, tạo dấu ấn Việt Nam trong mắt cộng đồng thế giới.

1. Gạo made in Vietnam ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế

"Tôi bất ngờ khi lần đầu tiên thấy gạo made in Vietnam trên kệ siêu thị E.Leclerc (Pháp)", Thu Hằng - người Việt sống tại Pháp bộc bạch. E.Leclerc có 600 đại siêu thị và 100 siêu thị cỡ vừa trên khắp nước Pháp. Theo Hằng, chạm vào từng hạt gạo, bà không chỉ cảm nhận được hương vị quê nhà trong lòng nước Pháp mà còn được sở hữu một món hàng hóa giá thấp hơn 10% so với hàng xuất xứ từ các quốc gia khác.

Sản phẩm Cơm Vietnam Rice được bày bán tại siêu thị Carrefour

Sản phẩm Cơm Vietnam Rice được bày bán tại siêu thị Carrefour

Không phải ngẫu nhiên mà người Việt tại Pháp dễ dàng mua được gạo Việt trong hệ thống siêu thị nổi tiếng của Pháp, mà đây là nỗ lực của doanh nghiệp Việt. Thành tích này được ghi nhận khi tháng 9/2022, sản phẩm gạo Việt Nam mang thương hiệu "Cơm Vietnam Rice" của Tập đoàn Lộc Trời lần đầu được xuất khẩu vào hệ thống siêu thị bán lẻ E.Leclerc hàng đầu của Pháp thông qua TT Foods. Trước đó, 500 tấn "Cơm Vietnam Rice" cũng đã lên kệ Carrefour.

Tiếp nối thành công trên, cũng trong tháng 9, lần đầu tiên món cơm chiên sử dụng nguyên liệu gạo ST25 đã trở thành bữa trưa đặc biệt tại Văn phòng Nội các Nhật Bản và được xuất khẩu sang Anh.

Trong tháng 10, thương hiệu "Gạo ông Cua" với 3 dòng sản phẩm ST24, ST25 và "Gạo ông Cua Việt Nam" được Úc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và được bán trực tiếp trên kệ siêu thị của nước này.

Hơn 20 năm qua, gạo Việt chỉ xuất khẩu dưới dạng đóng bao trơn vô danh hoặc dưới thương hiệu của nhà nhập khẩu nước ngoài. Đây là lần đầu tiên gạo xuất khẩu được mang thương hiệu "made in Vietnam", đóng gói trong bao bì riêng của doanh nghiệp Việt và đăng ký mẫu mã quốc tế, được thị trường Úc và Pháp đón nhận nồng nhiệt.

Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn, đại diện doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí - đơn vị sở hữu ba nhãn hiệu của kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, kết quả này là sự cố gắng của doanh nghiệp trong 3 năm qua. Để đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật, Úc, Mỹ, Anh, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe cùng yêu cầu rất cao của nước này.  "Hiện một số nước cũng đang đặt vấn đề mua gạo ST25. Tôi đang cân nhắc trước khi ký hợp tác", ông Cua cho biết.

Về phía Lộc Trời, doanh nghiệp cho rằng lần đầu tiên gạo Việt lên kệ siêu thị Pháp mang ý nghĩa quan trọng đối với cả Pháp và Việt Nam. Đây là hợp đồng thương mại lớn đầu tiên được thực hiện trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA).

Để thực hiện được việc này, Lộc Trời phải xây dựng các quy trình với tiêu chuẩn cao cấp theo chuẩn châu Âu. Trong đó, mọi hoạt động về canh tác, giống gạo phải đáp ứng về yếu tố môi trường, bền vững và được gieo trồng quy mô lớn.

Theo Lộc Trời, công ty này sẽ mở rộng và gia tăng sản lượng vào các thị trường mà tập đoàn đang có lợi thế như châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc trong năm tới.

Riêng với gạo có thương hiệu, sau thị trường Pháp, năm 2023 công ty sẽ đưa sản phẩm vào Đức, Mỹ, Úc. "Pháp mới chỉ là điểm đến đầu tiên của chúng tôi tại châu Âu. Tiếp theo là Đức, Ý và toàn khu vực. Ngoài chất lượng hàng đầu về mùi vị, chúng tôi còn đảm bảo đủ sản lượng để xuất khẩu ổn định đi các thị trường", đại diện Lộc Trời nói.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm nay xuất khẩu gạo đạt kim ngạch 3,49 tỷ USD, tăng 9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, Mỹ là thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất (71%). 

Bộ Nông nghiệp Mỹ - USDA cho biết, gạo Việt chất lượng ngày càng cao nên sản lượng nhập khẩu sang nước này tăng đột biến trong hai năm nay. Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), gạo Việt ngày càng có tên tuổi và khẳng định thương hiệu riêng trên thị trường thế giới. Trong rất nhiều năm qua, chưa năm nào giá gạo thơm ST24, ST25 của doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, châu Âu lại có giá cao đột biến như vậy, tức trên 1.000 USD một tấn. Đây không chỉ là thành công của doanh nghiệp và cả ngành gạo Việt xuất khẩu.

-5567-1673427812.jpg

Với Tập đoàn Lộc Trời, xuất khẩu gạo sang EU năm nay là năm xuất khẩu gạo tăng hơn 200%, doanh thu tăng hơn 150% so với năm trước. 

Hiện Lộc Trời có 210.000 hecta lúa ở tỉnh Kiên Giang, An Giang... Và hơn 30% lượng lúa gạo thơm hạt dài thu hoạch được dành xuất khẩu, phục vụ thị trường châu Âu. Bên cạnh đó, Lộc Trời cũng đã mở rộng sản xuất các nguồn giống gạo hạt tròn cho thị trường Nhật Bản và hạt trung cho thị trường Mỹ, Anh.

Các doanh nghiệp cho biết, 2023 sẽ là năm ngành gạo đón nhiều "sóng" tốt khi Philippines, Trung Quốc gia tăng thu mua gạo Việt.

Báo cáo của VnDriect dự báo, gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi trong 3 năm tới khi Ấn Độ vừa siết xuất khẩu mặt hàng này để tăng nguồn cung và ổn định giá cả, trong bối cảnh diện tích canh tác của nước này giảm 5,6% vì hạn hán. Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế khi toàn cầu sắp đối mặt với biến đổi khí hậu, nguồn cung lương thực khan hiếm.

Chuẩn bị cho gạo Việt gầy dựng thêm nhiều tiếng vang, Thủ tướng đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án sản xuất bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo dự thảo ban đầu, khoảng một triệu hecta lúa chất lượng cao sẽ được trồng tập trung tại các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang và một phần Kiên Giang, Cần Thơ...

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Sản lượng xuất hằng năm khoảng 6-6,5 triệu tấn, bằng 30% của Ấn Độ, chiếm 7,8% giao dịch thương mại toàn cầu và là nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với 24,5% thị phần. Hiện gạo Việt cũng xuất sang 28 nước và vùng lãnh thổ, trải khắp các châu lục, nhiều nhất là châu Á và châu Âu.

2. Viettel: Xuất khẩu công nghệ 5G Make by Viettel 

Sau hành trình gần 10 năm theo đuổi khát vọng trở thành hạt nhân xây dựng Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng Công nghệ cao, năm 2022, Tập đoàn Viettel đã có nhiều thành tựu ra mắt, được nhiều tập đoàn quốc tế đánh giá cao với sự ngưỡng mộ và đồng ý ký kết hợp tác.

Với chi phí đầu tư lên tới 4.000 tỷ đồng/năm cho riêng các hoạt động nghiên cứu, Viettel đang từng bước đưa Việt Nam hiện diện trên bản đồ của các quốc gia có khả năng tự chủ công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.

Năm 2022, tại Vietnam Defence 2022, Tập đoàn Viettel đã tạo được sự chú ý của các tập đoàn công nghệ quốc tế với 60 sản phẩm phục vụ quân sự và 59 sản phẩm dân sự phục vụ "kinh tế - quốc phòng trong kỷ nguyên số” - những sản phẩm do chính người Việt Nam phát triển như hệ thống X-quang không máy chụp, quản lý nhà thông minh, quản lý đô thị với sự góp sức của trí tuệ nhân tạo...

Ông Elesio Martins Ferreira - Tùy viên quốc phòng Đại sứ quán Brazil ở Indonesia đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi trải nghiệm các sản phẩm chuyển đổi số made in Vietnam của Viettel. Thừa nhận tính hữu dụng của các sản phẩm như y tế số, giáo dục số... do chính người Việt tạo ra, ông Ferreira cho biết các sản phẩm của Viettel đang mở ra cơ hội hợp tác giữa Brazil với Viettel nói riêng và Việt Nam nói chung là rất lớn.

Ông Christopher Miller - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời ông Donald Trump đã bày tỏ sự ngưỡng mộ khi tham quan khu vực đài chỉ huy thuộc C5ISR. Khi được hỏi đâu là sản phẩm, hoặc công nghệ đáng nhớ, ông Miller nói: "Điều khiến tôi hứng thú nhất là thiết bị bay không người lái, trí tuệ nhân tạo của các bạn và đặc biệt là hệ thống chỉ huy của Viettel (Command, Control - nằm trong hệ thống C5ISR). Viettel đã kết hợp rất nhiều thứ phức tạp trở thành một kết cấu rất dễ hiểu. Tất cả được hiển thị ra một màn hình giúp người chỉ huy có thể ra quyết định chính xác hơn, nhanh chóng hơn".

Với sự đón nhận của các phái đoàn trong và ngoài nước cùng khách tham quan, Viettel đã chứng minh được năng lực của tập đoàn trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghệ cao. Sự kết hợp hoàn hảo khi ứng dụng những thành tựu của công nghệ phục vụ quốc phòng cho mục đích dân sự tạo ra những sản phẩm có tính dẫn dắt thị trường, cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm quốc tế.

-7979-1673427812.jpg

Đặc biệt, trong năm 2022, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) và United Telecoms Limited Group (UTL Group) của Ấn Độ đã hợp tác triển khai thử nghiệm mạng 5G tại Ấn Độ và ký hợp đồng xuất khẩu thiết bị công nghệ cao (IP Router) sử dụng cho nhà mạng Gwave thuộc UTL Group.

Với dân số 1,4 tỷ, Ấn Độ là thị trường có sức hấp dẫn lớn với các tập đoàn công nghệ hàng đầu. Việc Viettel thỏa thuận với một nhà mạng ở quốc gia 1,4 tỷ dân không chỉ khẳng định giải pháp hạ tầng mạng viễn thông di động thế hệ 5 (5G) của Viettel đã sẵn sàng thương mại và kinh doanh diện rộng, mà còn chứng tỏ khả năng khi chinh phục được những thị trường có trình độ công nghệ cao và yêu cầu khắt khe.

Ông Nguyễn Vũ Hà - CEO Viettel High Tech chia sẻ: "Mục tiêu của chúng tôi trong thời gian tới là đẩy mạnh hợp tác trong hoạt động nghiên cứu phát triển, sản xuất thiết bị, hệ thống thuộc tất cả các lớp mạng 4G, 5G đáp ứng tiêu chuẩn make in India". Với những thành tựu đã đạt được, Tập đoàn Viettel đã thành công trong việc chứng minh năng lực công nghệ Việt đang từng bước tiệm cận, thậm chí ngang hàng với thế giới. Đây là tiền đề quan trọng để Viettel có thể đạt được các mục tiêu tham vọng hơn như lọt top 80 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới về doanh thu cũng như xuất khẩu được sản phẩm quốc phòng vào năm 2025.

3. VinFast: 999 chiếc xe VF 8 City Edition đầu tiên sang Mỹ

Giữa tháng 11/2022, những công nhân làm việc tại cảng Đình Vũ (Hải Phòng) không khỏi ngạc nhiên khi lần này, con tàu khổng lồ mang tên Silver Queen đã quen thuộc đang cập cảng nhưng không phải bàn giao những chiếc ô tô nhập khẩu vào thị trường Việt Nam như họ đã từng thấy, mà giờ đây nó đến Việt Nam chuyên chở 999 chiếc VinFast VF8 đến California (Mỹ) để bán tại thị trường khó tính nhất thế giới này.

999 chiếc VF8 này chỉ là những đơn hàng đầu tiên trên tổng số 65.000 đơn hàng VinFast nhận được trên toàn cầu. Đây là niềm tự hào và bản lĩnh của doanh nghiệp Việt Nam khi lần đầu xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao do Việt Nam làm chủ và sản xuất. Lần đầu tiên, doanh nghiệp Việt Nam được ghi danh trên bản đồ ngành công nghiệp ô tô thế giới.

Mặc dù phải chịu rất nhiều nghi ngờ của ngay cả người tiêu dùng trong nước. Ngay cả khi xây dựng nhà máy tại huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) để chuẩn bị đặt nền móng cho chiếc xe hơi ra đời, những ánh mắt hoài nghi và câu hỏi cũng đặt ra, rằng: Một gã "lờ tờ mờ" về ngành công nghiệp ô tô mà lại sản xuất ô tô. Làm sao sánh bằng các thương hiệu ô tô thế giới vốn có tuổi đời cả chục, cả trăm năm? Rồi khi chiếc xe hơi VinFast ra đời, lại thêm nỗi nghi ngờ: Ai sẽ mua? Dịch vụ hậu mãi sẽ thế nào hay lại "cho con bỏ chợ"? Thậm chí, đến khi 999 chiếc xe hơi VinFast xuất khẩu sang Mỹ, vẫn không ít hoài nghi "chỉ là cách làm thương hiệu, tồn tại bền vững mới là nên chuyện"...

Cũng có không ít người cho rằng, cách làm của VinFast là lấy bộ khung, rồi lắp động cơ vào, tải lên phần mềm và gắn pin, lắp lốp xe và bơm căng. Thế là ra chiếc xe. Thế nhưng, thực tế hành trình này đã có kế hoạch chuẩn bị, đó là việc xây dựng cả một hệ sinh thái để chiếc xe VinFast ra đời và hành trình này được bà Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch VinFast cho biết, để đạt được mục tiêu về doanh số nói trên, VinFast đã chi rất nhiều tiền vào công tác nghiên cứu và phát triển (R&D). Theo bản cáo bạch của VinFast, trong gần 3 năm qua (giai đoạn 2020-9T2022), VinFast đã chi tổng cộng 1,14 tỷ USD cho hoạt động R&D, tỷ lệ chi phí R&D trên doanh thu cao, cho thấy hoạt động đầu tư nghiên cứu phát triển được dồn lực mạnh mẽ.

-7268-1673427812.jpg

Mạng lưới R&D ở nước ngoài được VinFast thiết lập thông qua nhóm công ty đặt tại Mỹ để đẩy mạnh phát triển công nghệ pin và trạm sạc để sử dụng cho các dòng xe điện. Bà Thủy cũng thừa nhận: "Ngay cả trong nước, VinFast cũng phải nỗ lực rất nhiều mới thuyết phục được người dùng". 

Thế nhưng, dù còn nhiều lo lắng và hoài nghi về sức bền của một thương hiệu xe ô tô mới. Nhưng với việc một thương hiệu ô tô Việt Nam đã tự tin bước vào cuộc đua với các thương hiệu ô tô toàn cầu là một bản lĩnh của người đứng đầu tập đoàn, là bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam, bản lĩnh của người Việt Nam, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn thế giới còn nhiều khó khăn và cuộc đua ô tô điện tại Đông Nam Á đang diễn ra nóng hơn bao giờ hết.

Theo thông tin từ VinFast, ngay trong tháng 12/2022, Tesla chính thức bước vào thị trường Thái Lan với hai mẫu xe trình làng tại Bangkok. Trước Tesla, BYD và Great Wall Motor (Trường Thành) đã hiện diện tại "công xưởng ô tô” châu Á một thời.

BMW cũng đã bắt đầu xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô hybrid (vừa chạy xăng vừa chạy điện) tại Thái Lan từ năm 2017. Trong khi đó, Mercedes-Benz mới đây đã thông báo sẽ sản xuất mẫu xe điện EQS tại Thái Lan vào cuối năm nay. Tầm nhìn của Thái Lan là cạnh tranh với Indonesia trở thành trung tâm sản xuất xe điện vào năm 2035. Vì thế, chính phủ nước này đang gấp rút hỗ trợ phát triển hệ sinh thái dành cho xe xanh. 

Tháng 3/2022, Hyundai Motor đã khai trương nhà máy sản xuất tại đây. Sau khi mở cửa, nhà máy này là nơi sản xuất hàng loạt cho mẫu xe điện Ioniq 5. Liên doanh giữa GM Motors, SAIC và Wuling Motors (SAIC - GM - Wuling Automobile) cũng dự kiến bắt đầu được sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này vào cuối năm nay. Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu đầy tham vọng của Indonesia là có 2,2 triệu xe ô tô điện vào năm 2030.

Chủ tịch Vingroup cho biết, nhà máy của VinFast ở Mỹ có công suất 150.000 xe/năm. Sau Mỹ, VinFast cho biết đang tiếp tục tìm kiếm địa điểm xây dựng nhà máy tại châu Âu nhằm cung ứng sản phẩm trực tiếp cho thị trường quốc tế.

Với sự chủ động, chiến lược toàn diện và không ngừng tạo ra những chuẩn mực mới trong mọi mặt, VinFast đã đại diện cho thương hiệu Việt Nam, doanh nhân Việt Nam tạo ấn tượng trong mắt cộng đồng thế giới ngay lúc nhiều tập đoàn toàn cầu đang còn khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương hiệu Việt chinh phục thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO