Theo Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam ngày càng có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, trở thành mũi nhọn tại một số ngành, lĩnh vực quan trọng; khu vực kinh tế nhà nước được củng cố, hiệu quả hơn với một chiến lược rõ ràng hơn. Đặc biệt, ngày càng có nhiều DN Việt Nam chuyển hướng đầu tư vào công nghệ sáng tạo, nâng cao giá trị; nhiều DN, doanh nhân Việt Nam vượt khó đi lên.
“Bên cạnh thành công, các DN Việt Nam còn nhiều khó khăn, trở ngại trên con đường phát triển. Chính phủ thấm thía khi mỗi năm có hàng vạn DN giải thể, ngưng hoạt động, phá sản. Đã có nhiều DN, thương hiệu lớn của Việt Nam bị thị trường đào thải. Đây cũng là lý do vì sao Chính phủ liên tục tổ chức nhiều hội nghị lớn, nhỏ về phát triển DN kể từ đầu nhiệm kỳ. Chúng ta cần tiếp tục hành động và hành động gấp để tháo gỡ khó khăn, rào cản cho DN phát triển tốt hơn”, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các bộ, ngành tiếp tục có những chính sách cởi mở hơn, thực sự cởi trói, ủng hộ để DN bứt phá, làm được nhiều hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, cởi trói cho DN tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực, các ngành mà trước đây chỉ có Nhà nước đảm trách, ngoại trừ những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng và điều hành vĩ mô thì Nhà nước phải tiếp tục nắm.
“Chúng ta phải thực sự thay đổi tư duy, không phải những gì mà Nhà nước không muốn làm thì chuyển cho tư nhân, mà những gì tư nhân làm được và làm tốt thì nên để tư nhân tham gia, kể cả DN tham gia cung cấp dịch vụ công. Những quan điểm mới này, tôi đề nghị các địa phương, các ngành nên quán triệt để triển khai. Không phải cái khó đẩy cho tư nhân mà cái gì tư nhân làm được nên ủng hộ", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng yêu cầu, cần tiếp tục thực hiện nhất quán và triệt để trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung vào những khâu còn yếu kém như xử lý việc mất khả năng thanh toán, độ dễ dàng khi nộp thuế, thủ tục mở DN, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, tính thực thi pháp luật, nhất là tiếp cận đất đai... Phải tiếp tục giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Phải rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường, những vấn đề này thường làm cho DN chờ đợi, mất nhiều thời gian...
Bên cạnh đó, cần rà soát và thiết lập cơ chế ưu đãi tài chính tốt hơn, khuyến khích DN áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững như ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, sản xuất thông minh, bảo vệ môi trường, khuyến khích các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và cả DN nội địa liên kết với nhau trong việc hình thành chuỗi giá trị. Cải cách triệt để thủ tục hành chính, thuế, giấy phép là một yêu cầu đặt ra, trong đó có việc áp dụng công nghệ, quy trình tinh giản thủ tục, xóa bỏ các trở ngại liên quan đến quy hoạch, nhất là tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, thủ tục xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp ở địa phương.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, cần chấm dứt ngay tình trạng các nhân viên công quyền sử dụng quyền lực mềm để hù dọa DN mỗi khi DN có sai sót hay chỉ là bất đồng. Cơ quan quản lý nhà nước phải loại đi những cán bộ nhũng nhiễu phiền hà, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh do tham nhũng tiêu cực hoặc do trình độ yếu kém để kéo dài thời gian, làm mất thời gian, cơ hội đầu tư của DN.
Thủ tướng yêu cầu chính quyền các địa phương tuyệt đối không được có tư duy phân biệt đối xử, “tham lớn, bỏ nhỏ”, chống phân biệt đối xử giữa kinh tế trong nước và nước ngoài, kinh tế nhà nước với tư nhân, DN với hộ kinh doanh cá thể, DN lớn và DN nhỏ...
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đưa ra đề xuất về chính sách liên quan đến hộ kinh doanh cá thể, hiện nay khu vực kinh tế tư nhân có 5,2 triệu hộ kinh doanh cá thể. Ông Nguyễn Văn Thân kiến nghị, Nhà nước cần tiếp tục cải cách chính sách một cách quyết liệt hơn sao cho vừa cởi trói cho DN để cạnh tranh và tạo việc làm, vừa mang đến cho mọi người mức độ tự do và trách nhiệm cá nhân cao hơn. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, trước mắt hoàn thiện khung pháp lý đối với hộ kinh doanh, trên nguyên tắc thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp, không ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển thành DN.
Mặt khác, đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong đó có việc miễn thuế thu nhập DN trong hai năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh và giảm thuế thu nhập DN xuống còn 15-17% đối với DN nhỏ và vừa. Với mức hỗ trợ này, nhóm DN nhỏ sẽ có thêm nguồn lực mở rộng sản xuất, phát triển, các DN mới gia nhập thị trường tăng lên. Từ đó, mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 là khả thi, nhất là việc chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể thành DN nhỏ và vừa.
Trước đó, ngày 19/12/2019 tại Diễn đàn Doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đồng tổ chức đã ghi nhận nhiều đề xuất của các doanh nghiệp, chuyên gia trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, để phát triển doanh nghiệp tư nhân, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, hiện nay ở Việt Nam, kinh tế tư nhân đang chiếm 40% GDP, còn tại các nước phát triển tỷ lệ này chiếm đến 85%, trở thành nền tảng đảm bảo ổn định kinh tế quốc gia. Do đó, cần phải đảm bảo cạnh tranh công bằng cho kinh tế tư nhân phát triển và đề xuất Đảng, Nhà nước nên xem khu vực kinh tế tư nhân là một trong những trụ cột của nền kinh tế, để gánh vác và góp sức mạnh mẽ hơn nữa.
Thực tế là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã có đủ kinh nghiệm, thế mạnh, nguồn lực dồi dào, có thể vận hành linh hoạt để phát triển các dự án lớn, việc triển khai này có thể mang lại lợi ích cho đất nước, giúp Chính phủ hạn chế nợ công, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thu hút FDI và tận dụng nguồn vốn tư nhân. Chủ tịch Tập đoàn BRG cũng kiến nghị Nhà nước cho phép doanh nghiệp tư nhân được tham gia vào các lĩnh vực mà hiện nay Nhà nước vẫn độc quyền như: đường sắt, truyền tải điện và hạ tầng hàng không... Những lĩnh vực này dù doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu có tham gia song sự hiện hữu vẫn chưa phổ biến.
Chính phủ cần ban hành đường lối, chính sách thích hợp để các thành phần kinh tế phát triển công bằng. Doanh nghiệp nhà nước, FDI vẫn cần có ưu đãi nhưng không nên nhận được quá nhiều so với kinh tế tư nhân. Thậm chí, với những trường hợp nhất định, Chính phủ có thể tăng cường biện pháp bảo hộ cho doanh nghiệp tư nhân trong những lĩnh vực trọng điểm, tạo nên ngành kinh tế mũi nhọn cạnh tranh với quốc tế. Bà Nga cũng cho rằng, Chính phủ nên có các ưu đãi cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có nhiều đóng góp cho nền kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm. Chính phủ cẩn đẩy mạnh đơn giản hóa tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, điều này cũng nhằm tránh các tiêu cực, nhũng nhiễu.
Còn ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công Thương) cho rằng, hiện môi trường kinh doanh vẫn luôn bị hạn chế bởi thể chế và còn những điểm nghẽn cho sự phát triển của kinh tế tư nhân. Chính thể chế tạo ra khuôn khổ và giới hạn cho việc cải cách môi trường kinh doanh. Cho nên, vấn đề mấu chốt là phải cải cách thể chế. Ông nhấn mạnh rằng, tổ chức là đường dẫn để cơ chế chính sách từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp, nên cơ chế quản trị quốc gia trong đó có bộ máy tổ chức cực kỳ quan trọng.