Thúc đẩy chuyển đổi số bằng công nghệ điện toán đám mây Việt Nam

Khánh Linh| 22/05/2020 05:21

Sáng nay 22/5/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phát động Chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng công nghệ điện toán đám mây Việt Nam.

Thúc đẩy chuyển đổi số bằng công nghệ điện toán đám mây Việt Nam

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và bốn doanh nghiệp ĐTĐM nòng cốt thực hiện nghi thức nhấn nút khởi động Chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng công nghệ điện toán đám mây Việt Nam

Theo đó, mỗi tuần Bộ TT&TT sẽ tổ chức ra mắt các hạ tầng, nền tảng và ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực. Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng TT&TT nhấn mạnh, “Việt Nam phải làm chủ các hạ tầng và nền tảng chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực và đây chính là cơ hội cho Make in Vietnam”. 

Theo ông Hùng, thị trường Việt Nam là một thị trường đủ lớn với 100 triệu dân, đứng thứ 12 về dân số trên thế giới. Việt Nam có khát vọng vươn lên thông qua chuyển đổi số. Các nền tảng như học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa, hội nghị truyền hình, dịch vụ kế toán từ xa, nền tảng làm báo điện tử, nền tảng về an toàn an ninh mạng, hạ tầng về ĐTĐM… không thể để toàn bộ dữ liệu của nền kinh tế số Việt Nam bị đưa ra và lưu trữ ở nước ngoài bởi các công ty nước ngoài.

“Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong lúc đại dịch này phải đẩy nhanh và làm chủ các hạ tầng, nền tảng số. Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp công cuộc chuyển đổi này”, người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định.

Nền tảng điện toán đám mây (ĐTĐM) được phát triển bởi các doanh nghiệp Việt Nam dựa trên mã nguồn mở của bốn công ty. Các doanh nghiệp này đều đã đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật của Bộ TT&TT về ĐTĐM. Việt Nam là một trong số những nước sớm ban hành tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật cho hạ tầng ĐTĐM. ĐTĐM sẽ là thành phần quan trọng nhất của hạ tầng số. Hạ tầng số phải được đầu tư trước, thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế số. 

thu-c-da-y-chuye-n-do-i-so-vn-2549-15901

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa cho 4 doanh nghiệp ĐTĐM nòng cốt (Cty TNHH Viettel CHT; Cty CP Dịch vụ Dữ liệu công nghệ thông tin Vi Na (VNG Cloud); Cty CP Hạ tầng Viễn thông CMC; Cty CP VCCorp) và 7 doanh nghiệp ĐTĐM khác: Cty TNHH Phần mềm Nhân Hòa, Cty CP Viễn thông quốc tế FPT, Công ty CP GMO-Z.com, Tập  đoàn VNPT, Cty CP NetNam, Cty CP Viễn thông Hà Nội, Cty TNHH Phần mềm iNET

Thị trường ĐTĐM trong nước hiện nay đạt khoảng 200 triệu USD với mức tăng trưởng hàng năm trên 30%. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% thị phần, 80% vẫn dùng đám mây đặt tại nước ngoài, còn rất khiêm tốn. Việt Nam có khoảng 27 trung tâm dữ liệu do 11 doanh nghiệp trong nước đầu tư với trên 270.000 máy chủ được kết nối đến cả nước. Dịch vụ ĐTĐM đã sẵn sàng đạt chuẩn, các doanh nghiệp có thể thuê với giá cả rất cạnh tranh.

Cũng tại buổi lễ, 4 doanh nghiệp điện toán đám mây nòng cốt và 7 doanh nghiệp điện toán đám mây Việt Nam đã cam kết tham gia chiến dịch, giảm giá 20% cho tất cả khách hàng đăng ký mới dịch vụ điện toán đám mây Việt Nam trong thời gian hai tháng (từ ngày 22/5-22/7/2020) để kích cầu thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động lên môi trường mạng. Đồng thời các doanh nghiệp này cũng cam kết liên tục đầu tư, nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ điện toán đám mây của Việt Nam, đảm bảo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế; phát triển các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây Việt Nam, sẵn sàng cung cấp rộng rãi trên thị trường. 

Đại diện cho các doanh nghiệp cam kết, bà Nguyễn Hiền Phương - Phó tổng giám đốc Hanoi Telecom chia sẻ: “Hanoi Telecom đang chuẩn bị đầy đủ các tiêu chuẩn để sẵn sàng là những doanh nghiệp điện toán đám mây nòng cốt tham gia chiến dịch do Bộ TT&TT phát động". Cũng theo bà Phương, các doanh nghiệp nòng cốt tham gia lễ phát động hôm nay đều làm chủ về hạ tầng và công nghệ điện toán đám mây, nhờ đó làm chủ về giá thành dịch vụ, không bị phụ thuộc nhà cung cấp nước ngoài. Khi hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, sự sẵn sàng của đội ngũ đông đảo kỹ sư Việt Nam, việc đào tạo cho khách hàng sử dụng ứng dụng tại chỗ... cũng là yếu tố vượt trội của doanh nghiệp đám mây trong nước so với nhà cung cấp nước ngoài. Đặc biệt, điện toán đám mây sẽ lan tỏa rộng khắp, không chỉ ở các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mà kể cả các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ”.

Ông Hoàng Văn Ngọc - Giám đốc Viettel IDC cũng cho biết: “Viettel IDC cũng đã vượt qua vòng kiểm định đạt 100% các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật về Cloud do Bộ công bố và đã nghiên cứu và phát triển được một hệ sinh thái dịch vụ đa dạng nhất Việt Nam với hơn 25 dịch vụ thuộc nhiều mảng, phục vụ hàng chục nghìn khách hàng thuộc nhiều quy mô và lĩnh vực. Trong thời gian tới, Viettel IDC sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng và công nghệ với việc xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn tại Hà Nội,TP.HCM, ứng dụng thêm các công nghệ xanh vào TTDL (Green Data Center), đồng thời phát triển mới nhiều dòng sản phẩm Cloud giúp tổ chức, doanh nghiệp trong nước bắt kịp với xu thế công nghệ tiên tiến toàn cầu, sẵn sàng một nền tảng hạ tầng CNTT vững chắc cho mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.

VNG Cloud cũng cam kết đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn trên, đồng thời cũng là một trong các doanh nghiệp điện toán đám mây nòng cốt tham gia chiến dịch do Bộ TT&TT phát động. Theo ông Vũ Minh Trí - Tổng giám đốc VNG Cloud, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam: “Các doanh nghiệp phải sẵn sàng hoạt động trên nền tảng số, nếu đại dịch trở lại. Làm sao để mỗi nhân viên của một công ty có thể làm việc, kết nối được với nhau. Làm sao để tương tác trực tuyến với nhà cung cấp, đối tác? Đó là những xu thế sẽ thay đổi rất nhiều cách thức hoạt động của các doanh nghiệp Việt hậu Covid-19”.

Tại lễ phát động, nhiều câu chuyện thành công về chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây cũng được chia sẻ như VNG Cloud đã xây dựng cho Đài VTVGo 1 hệ thống máy chủ ảo trên Cloud, dễ dàng mở rộng theo lượng user truy cập. Tính năng Auto Scalling giúp Đài luôn đảm bảo hạ tầng, và chi phí sử dụng hợp lý (trả đúng theo lượng user truy cập), đồng thời cung cấp cho Đài dịch vụ vCDN truyền tải nội dung, từ đó user có thể truy cập và không còn bị các tình trạng gián đoạn như trước. Đặc biệt, tiết kiệm hơn so với dùng giải pháp nước ngoài là Akamai ít nhất hơn 50%.

Hay Viettel triển khai toàn bộ dịch vụ chuyển phát, thương mại điện tử (voso.vn), vận chuyển (mygo.vn), sử dụng blockchain trên hạ tầng điện toán đám mây do Viettel IDC tư vấn, xây dựng và cung cấp dịch vụ. Hạ tầng này đáp ứng dịch vụ cho hàng triệu khách hàng. Hay như mô hình điện toán đám mây ngân hàng Việt Á Bank chọn được phát triển trên nền tảng công nghệ của FPT HI GIO Cloud, tích hợp được mọi khoảng cách và thời gian, không sợ rủi ro gián đoạn cục bộ về đường truyền mà các hệ thống ngân hàng có phân bố rộng khắp hay gặp phải, giảm thiểu chi phí quản lý hạ tầng,tiết kiệm được các chi phí con người. Đặc biệt, toàn bộ hệ thống dữ liệu của Việt Á Bank được lưu trữ tại trung tâm dữ liệu (Data Center) của FPT Telecom với những quy chuẩn về an toàn và bảo mật thông tin khắt khe nhất hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thúc đẩy chuyển đổi số bằng công nghệ điện toán đám mây Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO