Chiều 19/11, trên diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp trả lời chất vấn của một số đại biểu. Sau đây là một số nội dung chất vấn của đại biểu và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, liên quan đến các vấn đề kinh tế biển đảo, nợ xấu và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Phát triển kinh tế biển: Một bộ khó đảm đương hết
* Đại biểu Đỗ Văn Đương - TP.HCM:Trong những năm gần đây, chúng ta đã có những bước đầu tư đáng kể gì để phát triển kinh tế biển đảo? Tôi cũng nhận thức rằng để dang tay giữ Biển Đông ngàn dặm, thời gian tới cần bớt đầu tư công trong bờ để dành nguồn lực tăng cường đầu tư cho phát triển kinh tế biển.
Theo đó, cũng nên thành lập Bộ Kinh tế biển trên cơ sở tách một phần chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có một Bộ chuyên tâm tham mưu cho Chính phủ quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế biển đảo. Xin hỏi ý kiến của Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đối với đất nước ta, biển quan trọng như thế nào thì tất cả chúng ta đều biết. Đảng ta cũng đã có một Nghị quyết chuyên về chiến lược biển đồng bộ. Chính phủ cũng đã có chương trình hành động, có kế hoạch, cũng đã triển khai thực hiện, đã đầu tư phát triển, vừa phát triển kinh tế vừa bảo đảm chủ quyền quốc gia trên biển. Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả, đạt được nhiều thành tích.
Tuy nhiên so với yêu cầu, so với mong muốn thì chưa được, cần phải nỗ lực hơn, cần phải làm tốt hơn nữa, trong đó có đầu tư để phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền. Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục làm việc này.
Căn cứ vào khả năng ngân sách quốc gia, căn cứ vào điều kiện nợ công như Đại biểu vừa nêu thì cũng đã có cả một kế hoạch đầu tư để phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng an ninh, đảm bảo chủ quyền quốc gia trên biển.
Còn về việc đồng chí nêu là bớt đầu tư trên bộ để đầu tư trên biển thì cái này cũng khó rạch ròi. Có khi đầu tư trên bộ nhưng lại cho biển chứ không phải đầu tư trên biển là cho biển. Việc này chúng ta cũng phải thực hiện một cách có chiến lược, có quy hoạch, có kế hoạch, để tinh thần chung là khai thác tốt nhất, hiệu quả cao nhất kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển
Còn về ý kiến nêu ra cần thành lập Bộ Biển, tôi ghi nhận ý kiến này.
Hiện nay quản lý của Chính phủ là thế này: Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý Nhà nước về tài nguyên biển, còn từng lĩnh vực giao cho từng bộ, như khai thác thuỷ sản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước đây là Bộ Thuỷ sản. Và bây giờ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng vẫn còn có Tổng cục Thuỷ sản để chuyên về quản lý Nhà nước, giúp Chính phủ quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này. Hay là vận tải biển là Bộ Giao thông vận tải… không thể giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường được.
Khai thác dầu khí trên biển phải là Bộ Công Thương. Hay là du lịch trên đảo, trên biển là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chứ không thể giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cho nên, các lĩnh vực kinh tế biển khó có thể chia cắt rạch ròi hay tổng hợp lại giao cho một bộ.
Nhiệm kỳ này còn hơn năm nữa thôi nhưng tôi cũng đang chỉ đạo tổng kết đánh giá chức năng nhiệm vụ làm sao các lực lượng đều có phân công: Bộ chủ trì quản lý và Bộ phối hợp để đảm bảo các lĩnh vực đều có quản lý. Quản lý cũng khó rạch ròi, cái này có liên quan đến cái kia nên chúng ta cần có sự phối hợp, có cơ quan chủ trì.
Phấn đấu đưa nợ xấu tín dụng về 3% vào 2015
* Đại biểu Thân Đức Nam – Đà Nẵng:Tôi muốn đề nghị Thủ tướng làm rõ hơn vấn đề nợ xấu của ngân hàng. Nợ xấu đã vượt khả năng tự giải quyết của ngân hàng thương mại, đe dọa mất thanh khoản, dễ đổ vỡ hệ thống, làm tắc nghẽn sự hấp thụ vốn của nền kinh tế, làm nền kinh tế trì trệ thì nợ xấu trở thành vấn đề của kinh tế vĩ mô. Ở các nước, Chính phủ phải can thiệp, xử lý chứ không thể chỉ có trách nhiệm của ngân hàng thương mại. Đề nghị Thủ tướng cho biết rõ Chính phủ có chủ trương gì để giải quyết vấn đề này?
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Về nợ xấu, chúng ta không có ngân sách và cũng không sử dụng ngân sách để làm việc này. Không có thì có khó khăn hơn, nhưng chúng ta vẫn giải quyết được theo cách của chúng ta mà tôi đã trình bày (trong Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XIII - PV). Đến năm 2015, Chính phủ nêu rõ là phấn đấu nợ xấu trong hệ thống tín dụng ở nước ta ở mức khoảng 3%, là mức thông thường trong kinh tế thị trường. Tôi nghĩ có lẽ như thế là phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn của nước ta.
Quan hệ với Trung Quốc: Vừa hợp tác, vừa đấu tranh
* Đại biểu Thích Thanh Quyết - Quảng Ninh:Từ khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, sự kiên quyết đồng tâm của toàn Đảng, toàn dân là một tín hiệu rất tốt trong vượng khí của nước nhà, song cử tri muốn nghe từ “kim khẩu” của Thủ tướng. Xin Thủ tướng cho biết, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề về Biển Đông và Trung Quốc, bằng cách ngắn gọn nhất, dễ nghe, dễ hiểu nhất, xúc tích và đầy đủ nhất?
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đối với Trung Quốc hay đối với tất cả các nước trên thế giới, chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại kiên trì, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Hiến pháp mới Quốc hội vừa thông qua năm 2013, toàn bộ đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta được nêu trong Điều 12. Đó là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác phát triển, đa phương hóa, chủ động, tích cực, hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, thực hiện các cam kết, các công ước quốc tế mà chúng ta là thành viên và gìn giữ lợi ích quốc gia, dân tộc, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, đóng góp tích cực cho hòa bình, hữu nghị, tiến bộ trên thế giới.
Trên cơ sở chung đó, đối với chúng ta, Trung Quốc là láng giềng, dù nắng mưa, bão lũ, chúng ta vẫn là láng giềng, mãi mãi là láng giềng, gìn giữ hòa bình, hợp tác cùng phát triển để thực hiện một cách thực chất phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, đem lại lợi ích cho cả hai nước.
Chúng ta mong muốn hai bên đều chân thành hợp tác, chúng ta mong muốn hòa bình, hữu nghị, hợp tác, hai bên cùng có lợi, cùng thịnh vượng, giải quyết thỏa đáng mọi bất đồng.
Về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôi xin khái quát 6 chữ, đó là: “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh, theo tôi nghĩ không chỉ với Trung Quốc mà với tất cả các nước. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hòa bình, ổn định, có hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi, cùng phát triển, cùng thịnh vượng, bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của đất nước, bảo vệ lợi ích chính đáng của chúng ta trên cơ sở đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đã ghi trong Hiến pháp.
Trích báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XIII Về xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng Theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 9/2012 tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng lên đến 17%. Nợ xấu làm cho nhiều doanh nghiệp không vay được vốn, sản xuất kinh doanh khó khăn đình trệ, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống và tăng trưởng kinh tế. Nợ xấu còn làm cho tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng không lành mạnh, thanh khoản khó khăn, một số ngân hàng thương mại đứng trước nguy cơ đổ vỡ, đe dọa an toàn hệ thống và ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và phê duyệt các Đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Triển khai thực hiện Đề án, Ngân hàng Nhà nước cùng các Bộ ngành liên quan và địa phương đã tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định về an toàn hoạt động, tình hình tài chính, nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; đồng thời hoàn thiện các quy định về phân loại nợ, cơ cấu lại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Nhờ sự nỗ lực chung, trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, đến tháng 10 năm 2014 đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9 năm 2012 (465 nghìn tỷ đồng), chủ yếu bằng các giải pháp: Thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ và tài sản bảo đảm, trong đó có bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Công ty này đã mua gần 95 nghìn tỷ đồng nợ xấu và đang từng bước xử lý theo quy định; trong đó đã bán, thu hồi được gần 4 nghìn tỷ đồng nợ xấu và có lãi. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 3,8% và có xu hướng giảm (tháng 6 là 4,17%; tháng 7 là 4,11%; tháng 8 là 3,9%), ước tính đến cuối năm 2014 còn khoảng 2,5 - 2,7%. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 5,4%, ước đến cuối năm 2014 còn khoảng 3,7 - 4,2% so với mức 17% vào tháng 9 năm 2012. Ngân hàng Nhà nước đánh giá tỷ lệ nợ xấu cao hơn là do thực hiện giám sát và đánh giá lại chặt chẽ hơn việc phân loại nợ của các tổ chức tín dụng. Năng lực quản trị, tình hình tài chính, thanh khoản của các tổ chức tín dụng được cải thiện, đáp ứng cơ bản vốn cho yêu cầu sản xuất kinh doanh và bảo đảm an toàn hệ thống. Đã cơ bản hoàn thành tái cơ cấu 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Giảm 5 ngân hàng qua sáp nhập, hợp nhất. Theo kinh nghiệm quốc tế, để xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả, các nước thường phải chi một khoản lớn từ Nhà nước, đồng thời phải có khung khổ pháp lý hoàn chỉnh về xử lý nợ xấu và có thị trường tài chính phát triển. Việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn và cần phải có thời gian, do khung khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, không có nguồn ngân sách nhà nước và cũng chưa có kinh nghiệm xử lý. Kết quả xử lý nợ xấu đạt được trong thời gian qua là sự nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu chưa được như mong muốn. Khung khổ pháp lý, tiềm lực tài chính, chức năng của VAMC; thị trường mua bán nợ; thanh tra giám sát… còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Năng lực quản trị, tiềm lực tài chính, hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức tín dụng chưa cao; vẫn còn một số tổ chức tín dụng yếu kém, tình trạng sở hữu chưa minh bạch. Nhiệm vụ còn rất khó khăn. Chính phủ sẽ chỉ đạo đẩy mạnh việc xử lý hiệu quả nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: (1) Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, nhất là các quy định về mua, bán nợ và tài sản bảo đảm, trách nhiệm của người đi vay và quyền của chủ nợ. (2) Hoàn thiện chức năng, tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực để phát huy vai trò của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trong xử lý nợ xấu, trong đó có việc mua bán nợ công khai minh bạch theo cơ chế thị trường. (3) Phát triển mạnh thị trường mua bán nợ; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước mua bán nợ xấu và tài sản bảo đảm, nhất là các đối tác chiến lược tham gia vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. (4) Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định của pháp luật về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng. Nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật về tín dụng ngân hàng. Thực hiện các biện pháp về kinh tế và dân sự trong xử lý nợ xấu. (5) Tăng cường phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước, các Bộ ngành, địa phương trong xử lý nợ xấu, nhất là hỗ trợ các tổ chức tín dụng và VAMC trong hoàn thiện hồ sơ pháp lý, thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm. (6) Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động, công khai minh bạch về sở hữu và tình hình tài chính, nợ xấu và kết quả xử lý. Thực hiện các biện pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng, trích lập dự phòng rủi ro và thúc đẩy mua bán, sáp nhập tổ chức tín dụng theo quy định. Hoàn thiện thể chế luật pháp để xử lý nhanh, hiệu quả nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Đồng thời với các giải pháp nêu trên, phải bảo đảm môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và trách nhiệm xử lý nợ xấu của doanh nghiệp. Phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản. Đẩy mạnh tái cơ cấu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi cho xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3%. Bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. |