Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội từ đầu năm đến nay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá Việt Nam đã giữ vững kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và điều chỉnh hài hòa tỷ giá, lãi suất ở mức hợp lý.
Cụ thể, bình quân 10 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 2,89% so cùng kỳ năm trước. Đến ngày 25/10, tín dụng tăng 11,48% so với cuối năm 2021, điều hành tỷ giá phù hợp diễn biến thị trường, bảo đảm nhu cầu ngoại tệ trong nước và tránh áp lực dịch chuyển dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa đạt 98,4% dự toán, tạo dư địa trong điều hành tài khóa.
Đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, ông Dũng cho biết, vốn FDI đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so cùng kỳ năm trước. Sự tăng trường này đã giảm áp lực lên cán cân thanh toán quốc tế của nước ta trong ngắn hạn, đồng thời gia tăng năng lực sản xuất mới của nền kinh tế trong tương lai.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, mặc dù nhiều chỉ số kinh tế ghi nhận sự tăng trưởng ở mức cao nhưng vẫn chưa bù đắp được mức giảm sút của năm trước do tác động của dịch Covid-19. Ngoài ra, hiện nay, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản vẫn có nhiều rủi ro.
Mặt khác, nhiều loại dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn và có diễn biến phức tạp mà tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế và tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Những yếu tố bất ổn này đã tạo ra thách thức đối với sự phát triển ổn định của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn cuối năm. Do đó, ông Dũng khuyến nghị: "Yêu cầu đặt ra là cần có các giải pháp điều hành linh hoạt, chủ động hơn theo hướng thích ứng với tình hình, bối cảnh mới, không nằm ngoài xu hướng chính sách chung của các nước, nhưng cần có sự điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình trong nước".