Thời trang xa xỉ tăng trưởng bất chấp đại dịch

Thanh Yên| 11/09/2021 09:00

Theo báo cáo doanh thu 6 tháng đầu năm, các hãng thời trang lớn trên thế giới đều bùng nổ doanh số. LVMH tăng 56% so với mức trước đại dịch, đạt mức 34,1 tỷ USD. Kering tăng 54,1% tương đương 9,5 tỷ USD. Hermès cũng tăng 29% lên 4 tỷ USD.

Thời trang xa xỉ tăng trưởng bất chấp đại dịch

Không gian bên trong Gucci Garden

Con số tăng trưởng đáng ngưỡng mộ

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu của LVMH - tập đoàn sở hữu các thương hiệu Louis Vuitton, Dior, Tiffany & Co… đạt 34,1 tỷ USD tăng 56% so với cùng kỳ năm 2020, lợi nhuận ước đạt 9 tỷ USD, tăng gấp 4 lần. Trong đó, tăng trưởng doanh số được thúc đẩy chủ yếu bởi thời trang và đồ da, tăng 120% so với quý II năm trước. Doanh số bán hàng của đồng hồ và đồ trang sức tăng 9%.

Từ quý I năm nay, doanh thu của LVMH tại Mỹ và khu vực Châu Á bắt đầu khởi sắc, tăng lần lượt 31% và 34%. Trong đó, thị trường chính tại Trung Quốc cũng có những bước chuyển tích cực. Riêng tại Châu Âu, kể từ quý II khi tình hình dịch Covid-19 tạm lắng, doanh thu mới có tín hiệu vực dậy và đang dần tăng lên.

Link bài viết

Tuy phần trăm tăng trưởng chưa bằng LVMH nhưng hiệu suất của Kering trong quý II và 6 tháng đầu năm vượt ngoài sự kỳ vọng. Chủ sở hữu của các thương hiệu như Gucci, Saint Laurent Paris, Balenciaga… cho biết so với cùng kỳ năm trước, doanh thu hiện tại tăng 54,1%, đạt 9,5 tỷ USD, trong đó Gucci giữ vai trò quyết định. Thương hiệu này có đạt doanh thu khoảng 5,3 tỷ USD, tăng 45,8%, không kém là bao so với trước đại dịch.

Tín hiệu đáng mừng là Kering chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của tất cả thương hiệu khắp các châu lục, từ châu  u, Bắc Mỹ đến châu Á - Thái Bình Dương. “Tất cả các ‘ngôi nhà’ của chúng tôi đều phục hồi mạnh mẽ và có đóng góp lớn vào tổng doanh thu, vượt xa so với mức năm 2019 và tăng tốc đáng kể trong quý II”, François-Henri Pinault - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Kering chia sẻ.

Theo Vogue Business, Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường lớn của LVMH và Kering. Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc vẫn đang bị bóng tối của biến thể Delta bao trùm, cho nên biểu đồ tăng trưởng hàng xa xỉ đang dần hướng về châu  u và Mỹ, với hình thức mua trực tuyến.

Doanh số bán hàng của Hermès ở Mỹ tăng gấp 5 lần. Đây là khu vực có mức tăng trưởng mạnh nhất của thương hiệu này. Báo cáo cũng cho thấy doanh thu Hermès tăng gấp đôi so với trước đại dịch. Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu Hermès tăng 29% lên mức 4 tỷ USD. Riêng quý II năm nay, tăng 127% theo tỷ giá hối đoái cố định, vượt xa ước tính của các nhà phân tích, cao hơn 33% so với cùng kỳ.

Một số thương hiệu khác cũng có kết quả tăng trưởng khả quan không kém. Doanh thu nửa đầu năm của Prada tăng 60%, đạt 1,78 tỷ USD, đồ da chiếm tỷ lệ cao nhất với 55%. Burberry cho biết doanh số các ngành túi xách, áo khoác và giày dép trong quý II/2021 đạt 662 triệu USD, tăng 86% so với cùng kỳ năm trước. Nhà mốt khẳng định với kết quả hiện tại họ đã có “một khởi đầu tuyệt vời cho kế hoạch tài chính năm 2021”.

Chiến lược chuyển đổi và thích ứng

Arnaud Cadart - Chuyên gia của Công ty quản lý tài sản Flornoy nhận định nguyên nhân hàng xa xỉ tăng trưởng bất chấp đại dịch đã và đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế: “Tầng lớp thượng lưu, những người giàu và cực giàu dường như không bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Vì vậy, thay vì dùng tiền để ra ngoài ăn uống, du lịch họ sẽ mua hàng xa xỉ”.

Đặc biệt, trong thời gian qua thị trường chứng khoán Mỹ đã bùng nổ khiến nhiều người Mỹ giàu có hơn, động lực mua hàng cao cấp cũng được thúc đẩy. “Có một thế hệ trẻ ở Mỹ, chủ yếu là những người Mỹ gốc Phi, những người nói tiếng Tây Ban Nha và Châu Á đang cảm thấy rất thoải mái với việc mua sắm xa xỉ phẩm” - chuyên gia phân tích hàng xa xỉ Erwan Rambourg chia sẻ. 

Nếu các “ông lớn” thời trang nắm được tâm lý đó, kịp thời chuyển đổi hình thức kinh doanh thì hoàn toàn có thể thu về lợi nhuận khổng lồ.

Bieu-do-the-hien-su-tang-truon-2730-9828

Biểu đồ thể hiện sự tăng trưởng của LMVH và Kering trong 6 tháng đầu năm 2019, 2020, 2021. Nguồn: Vogue Business

Axel Dumas - Giám đốc điều hàng của Hermès cho biết thị trường tại Mỹ của thương hiệu phát triển mạnh một phần là do họ hiểu được xu hướng chung, nhanh chóng đẩy mạnh tiếp thị kỹ thuật số và triển khai hoạt động thương mại điện tử.

Louis Vuitton cũng vào cuộc bằng dịch vụ giao hàng cao cấp White Glove, không chỉ vận chuyển nhanh mà còn cho phép khách hàng lựa chọn người giao hàng phù hợp với món đồ họ vừa mua.

Gucci nếu như trước đó đã có kế hoạch bán hàng trực tuyến và giao hàng trong vòng 90 phút tại 10 thành phố lớn, kinh đô thời trang nhưng chẳng mấy ai để ý thì trong thời điểm dịch bệnh, chiến lược này đã phát huy hiệu quả.

Link bài viết

Theo số liệu của Style-repiblik, cuối năm 2019, thương mại điện tử chỉ chiếm khoảng 10% doanh thu của ngành hàng xa xỉ, nhưng con số này sẽ tăng lên 25% vào năm 2025.

Không chỉ tập trung bán hàng trực tuyến, một số thương hiệu cũng tận dụng khoảng thời gian này để cải tạo không gian mua sắm trực tiếp, khai trương các cửa tiệm mới. Hermès tiến hành nâng cấp cũng như mở mới nhiều cửa hàng, chuẩn bị sẵn sàng cho sự trở lại tại Macao, Tokyo hay China World, Bắc Kinh và Brisbane, Úc. Mục tiêu của điều này là nhằm duy trì sức ảnh hưởng của thương hiệu và sự chú ý của khách hàng.

Hermes-1-9539-1631266136.jpg

Khoảng thời gian giãn cách xã hội được nhà mốt Hermès tận dụng để nâng cấp các cửa hàng offline

Tháng 5 năm nay, Saint Laurent cũng khai trương cửa hàng Flagship mới tại Seoul, với không gian tối giản kết hợp trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Jung Lee, đồng thời mời ca sĩ Rosé của nhóm nhạc Blackpink để thu hút người trẻ đến tham quan cửa hàng. 

Trong khi đó, để duy trì hơn 70 thương hiệu kinh doanh nhiều mảng khác nhau, giữa đại dịch LVMH vẫn kiên định với chiến lược ALV (Added Luxury Value, nghĩa là gia tăng giá trị xa xỉ) đánh vào tâm lý khách hàng. Trong cách truyền thông, LVMH luôn hướng đến phân biệt rõ ràng sự xa xỉ, sang trọng với sự cao cấp đơn giản. Dior, Fendi, Tag Heuer… bán giấc mơ và câu chuyện chứ không bán sản phẩm.

Điều này vừa khẳng định được sự đẳng cấp vốn có của thương hiệu vừa tạo tính hấp dẫn độc quyền, khơi gợi lòng tự tôn trong mỗi khách hàng. Sản phẩm của LVMH nói không với các hình thức quảng cáo trong mùa dịch và hạn chế việc giảm giá. Thậm chí, để tăng doanh thu, một số sản phẩm còn tăng giá.

Bernard Arnault - Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của LVMH nhận định: “Nửa cuối năm 2021, dù nền kinh tế toàn cầu có phục hồi hay không thì tôi tin LVMH vẫn tiếp tục phát triển và sẽ củng cố hơn nữa vị trí dẫn đầu trong thị trường cao cấp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thời trang xa xỉ tăng trưởng bất chấp đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO