Ỷ Vân Hiên: Hoài vọng để phát triển

Văn Khoa| 18/01/2020 01:00

Ỷ Vân Hiên dịch nôm na là “nơi tựa mây”, chỉ sự êm ái của chiếc gối trái dựa do nghệ nhân Công Tôn Nữ Trí Huệ, chắt nội của vua Minh Mạng tái hiện.

Hiểu quá khứ để yêu hiện tại

Chọn cái tên này cho công ty, với Nguyễn Đức Lộc mang rất nhiều ý nghĩa, hàm ý tri ân, hoài vọng và nỗ lực mang những giá trị văn hóa xưa vào đời sống hiện đại.

Khi Phượng Khấu - cuốn phim lấy bối cảnh hoàng tộc triều Nguyễn - hé lộ những khung hình đầu tiên, trang phục của các nhân vật ngay lập tức được chú ý. Phía sau lễ phục của các ông Hoàng, bà Chúa hay xiêm y thường ngày của họ là bàn tay chăm chút, tỉ mỉ của nhóm Ỷ Vân Hiên, mới chỉ được thành lập vào năm 2018, gồm những bạn trẻ 9X tài năng và giàu tình yêu với giá trị văn hóa Việt xưa. Mỗi bộ trang phục (gồm cả mũ mão) được phỏng dựng có độ phức tạp khác nhau tùy đối tượng của phục trang là Vua, Hoàng Thái Hậu, Hoàng hậu hay các cung phi, giai tần... đòi hỏi từ 2-3 tháng để hoàn thiện, từ khâu nghiên cứu, phác thảo, tìm nguồn nguyên liệu cho đến kỹ thuật cắt may, in ấn hoa văn, đính kết, thêu thùa...

1-Nguyen-Duc-Loc-5320-1579250819.jpg

Nguyễn Đức Lộc - người sáng lập Ỷ Vân Hiên

Việc phỏng dựng không đòi hỏi chính xác tuyệt đối như phục dựng, nhưng để đảm bảo mô tả chân thực nhất trang phục giai đoạn đó, Ỷ Vân Hiên chỉ áp dụng một số kỹ thuật, công nghệ, thậm chí là chất liệu của hiện đại nhằm rút ngắn thời gian làm ra sản phẩm, giá thành mềm hơn, nhưng vẫn giữ đúng tinh thần và phom dáng của bộ trang phục cổ.

Ỷ Vân Hiên không chỉ quy tụ được nhiều người trẻ có chung niềm yêu thích cổ phục, cùng sát cánh bên nhau, hiện thực hóa ước mơ phục dựng trang phục truyền thống, mà còn được sự giúp sức tận tình của các nhà cố vấn như: học giả Trần Quang Đức - tác giả công trình nghiên cứu Ngàn năm áo mũ; nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam Nguyễn Mạnh Đức; nhà nghiên cứu, phục chế trang sức cổ Vũ Kim Lộc... nghệ nhân đến từ các làng nghề chuyên sản xuất sản phẩm truyền thống Việt như hài, quạt, gối xếp... từ Bắc tới Nam; cũng như sử dụng nguyên liệu của các làng nghề La Khê, Vạn Phúc, Mã Châu, Lãnh Mỹ A..

“Trang phục không chỉ để khoác lên người, là kết tinh kiến thức về văn hóa và tín ngưỡng, kinh tế, không khí chính trị của thời đại, mà nó xuất hiện với kỹ thuật tay nghề thợ thủ công, phản ánh một giai đoạn lịch sử. Do đó, muốn phỏng dựng thì phải tìm hiểu tận tường”, Nguyễn Đức Lộc - nhà sáng lập Ỷ Vân Hiên chia sẻ.

Ao-Nhat-Binh-trong-phim-Phuong-7965-4291

Vì sự đứt gãy đặc biệt trong tiến trình lịch sử nên phần lớn người Việt hiện đại không còn nắm được những yếu tố đặc trưng trong bản sắc văn hóa. Để phục dựng đúng cổ phục, đòi hỏi phải có vốn hiểu biết về văn hóa, lịch sử rất rộng và sâu sắc. Trong khi đó, những người làm thiết kế trang phục cho phim hiện nay chủ yếu là dân mỹ thuật, kiến trúc, vì thế dẫn tới tình trạng không phù hợp trang phục trong các bộ phim cổ vẫn thường diễn ra và không phản ánh được đúng tinh thần của người Việt. Bản sắc văn hóa Việt, người Việt còn mơ hồ thì người nước ngoài nhìn vào, làm sao hiểu được? 

Chính vì vậy, Ỷ Vân Hiên ngay từ khi thành lập đã quyết tâm khôi phục nguyên bản các trang phục truyền thống trong cung đình và dân gian của người Việt, với hy vọng góp chút công sức vào sứ mệnh phục hưng văn hóa truyền thống.

Khởi nghiệp với... cổ phục

Từng tham gia nhiều hội nhóm của những người trẻ yêu cổ phục và trang phục truyền thống, và với tầm nhìn, khát vọng xa hơn về việc đưa văn hóa truyền thống lan tỏa vào đời sống, ngay từ ngày đầu, Nguyễn Đức Lộc đã tạo dựng Ỷ Vân Hiên ở mô hình công ty thay vì hội nhóm. “Làm văn hóa nhưng không có kinh tế thì không thể phát triển. Ngược lại, làm kinh tế mà không có văn hóa thì chẳng thể thăng hoa. Sản phẩm phải đến tay người dùng thì mới “sống” được. Đó cũng là cách quảng bá văn hóa cho mọi người”, lời của Lộc.

Ao-dai-truyen-thong-1-7830-1579250820.jp

Lộc tin vào việc nghề chọn người và những vỉa quặng văn hóa từ gia đình luôn là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn rất quan trọng. Có người, vỉa tầng ấy tạo thành nền tảng, biết nhìn nhận, phân biệt giá trị thật giả. Nhưng cũng có người, nó hun đúc khát khao và biến thành hành động. Lộc thuộc mẫu thứ hai.

Vốn dĩ, Lộc chưa bao giờ nghĩ sẽ làm nghề liên quan đến may mặc - nghề truyền thống của gia đình nhà ngoại mà ông ngoại của anh là thợ may Âu phục có hạng thời Pháp; cũng chẳng biết những nếp xưa đã được gia đình nhà nội giữ gìn sẽ dùng gì được vào cuộc sống hôm nay. Lộc theo học truyền hình, được đào tạo chuyên ngành quay phim và cũng tích lũy ít nhiều kinh nghiệm sau vài năm đi làm đúng ngành học. Nhưng nói như Lộc, đến lúc ngoặt thì rẽ, chẳng cần một lý do gì rõ ràng.

Ao-Nhat-Binh-6650-1579250820.jpg

Sau hai năm thành lập, sản phẩm của Ỷ Vân Hiên không dừng lại ở những bộ trang phục cho phim mà còn có áo dài truyền thống, áo giao lĩnh, hài, gối, guốc, quạt... tiếp cận người tiêu dùng hiện đại phân khúc trung và cao cấp, từ 25 tuổi trở lên. Song đối tượng chủ yếu Ỷ Vân Hiên hướng đến là sản xuất cho nghệ thuật sân khấu, lễ hội, đồng phục cho nhà hàng khách sạn 5 sao vì các đơn vị này luôn muốn thúc đẩy văn hóa dịch vụ. Tất nhiên, hiện tại Ỷ Vân Hiên vẫn lỗ nhưng Lộc lạc quan “mọi chuyện đang đi đúng hướng”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ỷ Vân Hiên: Hoài vọng để phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO