Xuất khẩu thủy sản nhiều lạc quan trong năm 2022

HT| 08/02/2022 02:30

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục tăng, đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 9,2 tỷ USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021.

Xuất khẩu thủy sản nhiều lạc quan trong năm 2022

Nhóm hàng tôm vẫn là “át chủ bài” trong ngành hàng thủy sản xuất khẩu, mang về giá trị kim ngạch lớn nhất. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), năm 2022 dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt do tôm là thực phẩm thơm, ngon, bổ dưỡng, tiện lợi nên nhu cầu thế giới tiếp tục ở trạng thái tốt.

Những thị trường tiềm năng của Việt Nam trong năm 2022 về xuất khẩu tôm vẫn tiếp tục đóng vai trò thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, châu Âu (EU). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực khai mở, tháo gỡ những khó khăn của các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Úc, Canada, Singapore…

VASEP nhận định, năm 2022 xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU dự kiến tiếp tục tăng trưởng hai con số; xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2021, xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trưởng nhẹ do nhu cầu từ hai thị trường này khá ổn định.

Cùng với xuất khẩu tôm, xuất khẩu cá tra dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và thị trường Trung Quốc - Hồng Kông vẫn là khu vực tiềm năng cho xuất khẩu cá tra. Đây là thông tin lạc quan bởi theo VASEP, từ cuối năm 2021, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đã tăng trưởng trở lại.

Để chuẩn bị vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, ngành tôm đang không ngừng tái cơ cấu và ứng dụng công nghệ cao trong hệ thống nuôi, trồng. Mới đây, UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt đồ án quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ với diện tích 375ha, nhằm tạo tiền đề để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nói chung và ngành tôm có ứng dụng công nghệ cao nói riêng.

Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là khu sản xuất tôm giống, nghiên cứu quy trình nuôi, sản xuất tôm thương phẩm, chế biến thức ăn, chế biến tôm và các ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất chế phẩm sinh học, bảo quản chế biến, đào tạo, tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ ngành tôm của tỉnh, miền Trung và cả nước, thu hút nguồn đầu tư, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ với tổng vốn đầu tư khoảng 2.002 tỷ đồng. Dự án này cũng là một phần của chương trình “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025”.

Nhằm đạt mục tiêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước, tỉnh Bạc Liêu đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành dự án xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm đạt sản lượng 600.000 tấn thủy sản. Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 120.000ha diện tích thả nuôi tôm, trong đó nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh gần 7.500ha; nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp 110.950ha. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, nhiều doanh nghiệp đang thành công trong mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu thủy sản nhiều lạc quan trong năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO