![]() |
"Thu hoạch nhanh, giá tăng nhanh, tiêu thụ nhanh và cạnh tranh quyết liệt". Ông Phạm Văn Bảy, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã tổng kết như vậy trong cuộc họp báo sáng ngày 4//10 về thị trường lúa gạo Việt Nam trong 9 tháng qua.
>> Tăng nhanh lượng gạo xuất khẩu
>> Gạo xuất khẩu được giá: Khoan mừng vội
>> Gạo xuất khẩu tăng giá mạnh
>> Chung quanh hạt gạo xuất khẩu
Vượt mốc 7 triệu tấn
![]() |
Mặc dù có nhiều lo ngại về thị trường gạo xuất khẩu vào đầu năm 2011, như Philippines thay đổi chính sách mua lúa gạo, một số nước chuyên nhập khẩu gạo tuyên bố tự chủ lương thực, nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh về giá trị lẫn số lượng. Ông Phạm Văn Bảy cho biết, sự sụt giảm của thị trường Philippines đã được bù đắp bằng số lượng nhập khẩu rất lớn từ Indonesia, Bangladesh, Trung Quốc, Hong Kong và thị trường châu Phi.
Đặc biệt với nhân tố mới là thị trường Malaysia đã ký hợp đồng nhập khẩu gạo khá dài hơi (đạt mức tăng khá cả về giá lẫn lượng) từ nay cho đến tháng 12 năm sau, đã tạo thuận lợi cho đầu ra gạo Việt Nam.
Hiện Việt Nam đã đa dạng được về chủng loại gạo xuất khẩu. Mặc dù gạo cấp thấp và trung bình vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhưng các loại gạo cao cấp, gạo thơm, gạo đồ đã tăng mạnh về số lượng, góp phần nâng một cách đáng kể kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam.
Đến thời điểm hiện nay, xuất khẩu gạo đạt 5,878 triệu tấn, trị giá 2,816 tỷ USD và dự kiến kế hoạch xuất khẩu quý IV sẽ từ 1,1 – 1,2 triệu tấn. Do đó, theo dự báo của VFA, năm 2011 xuất khẩu gạo sẽ vượt qua mốc 7 triệu tấn, thu về hơn 3 tỷ USD (năm 2010 cả nước xuất khẩu 6,89 triệu tấn gạo, thu về 3,25 tỷ USD).
Giá gạo tiếp tục tăng
![]() |
Ông Phạm Văn Bảy, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam |
Đánh giá thị trường lúa gạo trong thời gian tới, ông Bảy cho biết, xu hướng giá gạo sẽ tăng từ đây đến cuối năm và có khả năng kéo dài hết quý I năm 2012.
Theo phân tích của VFA, yếu tố tác động giá gạo thế giới là chính sách hỗ trợ nâng giá lúa của Thái Lan sẽ áp dụng vào ngày 7/10/2011, khi đó giá gạo xuất khẩu Thái Lan sẽ đạt mức 750 - 800 USD/tấn. Nếu điều này là hiện thực thì giá lúa gạo sẽ bị đẩy lên nhanh chóng và Việt Nam cũng hưởng lợi từ điều này.
Ấn Độ là nước cạnh tranh khá mạnh trên thị trường gạo với Việt Nam, đặc biệt ở phân khúc gạo cấp thấp và trung bình, đang là ẩn số góp phần làm biến động giá lúa gạo. Hiện Ấn Độ đã công bố bán 2 triệu tấn gạo ra thị trường thế giới. “Với sản lượng này thì Ấn Độ chưa đủ làm giảm nhiệt giá gạo, trừ khi họ tuyên bố bán nhiều hơn. Nhưng theo dự đoán của chúng tôi thì Ấn Độ khó có khả năng này vì phải tăng cường chính sách an ninh lương thực”, ông Bảy cho biết.
VFA khẳng định, thị trường gạo xuất khẩu năm nay sẽ không có chuyện bán phá giá giữa các doanh nghiệp mà thường gây thiệt hại về giá xuất khẩu lẫn thu nhập cho nông dân. Hiệp hội Lương thực Việt Nam sẽ kiểm tra chặt các doanh nghiệp, theo đó doanh nghiệp nào có đủ hàng tồn kho theo Nghị định 109 mới được cấp phép xuất khẩu gạo.
Trả lời phóng viên Báo Doanh Nhân Sài Gòn về tình hình mưa bão và ảnh hưởng của lũ như hiện nay tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ tác động như thế nào đến nguồn cung và giá gạo trong thời gian đến, VFA cho biết, mặc dù có ảnh hưởng nhưng không tác động nhiều vì hiện nay mức lúa tồn kho của các doanh nghiệp rất lớn (khoảng gần 1,5 triệu tấn), đủ khả năng giải quyết thị trường gạo trong nước nếu có bất ổn và đủ gối đầu cho xuất khẩu vào những tháng đầu năm 2012. |
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thuận lợi đầu ra của thị trường gạo xuất khẩu đã hỗ trợ tốt giá gạo nội địa. Với mức giá mua lúa đạt chuẩn xuất khẩu bình quân trên 6.000 đồng/kg đã đảm bảo nông dân có lợi nhuận khá cao. Nếu tình hình diễn biến thuận lợi từ đây đến cuối năm thì vụ lúa đông xuân 2011- 2012 vừa tiêu thụ tốt vừa có mức giá tốt.
Hiện giá thu mua lúa tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là 9.300-9.400 đồng/kg, tăng 100-200 đồng/kg so với tuần trước. Gạo nguyên liệu chế biến gạo 5% tấm cũng tăng 100 đồng/kg, lên mức giá 9.450-9.500 đồng/kg; gạo nguyên liệu chế biến gạo 25% tấm có giá 9.200-9.250 tăng 50-100 đồng/kg.
Gạo thành phẩm cũng tiếp tục tăng 100-150 đồng/kg, lên mức giá 11.250 - 11.300 đồng/kg đối với gạo 5% tấm; gạo 15% tấm tăng lên mức giá 10.800 - 10.900 đồng/kg; 25% tấm là 10.200 - 10.300 đồng/kg.