Xuất khẩu gạo của Việt Nam còn ảm đạm

Lữ Ý Nhi| 24/06/2019 03:50

Trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều khó khăn do nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu gạo trên thế giới sụt giảm, ngoại trừ thị trường Philippines. Tuy gặp khó khăn ở khu vực châu Á và châu Đại Dương, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đẩy mạnh xuất khẩu gạo thơm sang các thị trường khu vực châu Phi, châu Âu và châu Mỹ.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam còn ảm đạm

Theo dự báo tháng 6/2019 của Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA), nguồn cung thóc, gạo thế giới được dự báo tăng do sản lượng gạo của các nước sản xuất lớn tăng (Thái Lan tăng 138.000 tấn so với năm trước, Ấn Độ tăng 2,87 triệu tấn, Campuchia tăng 79.000 tấn), cùng với yếu tố giảm nhập khẩu từ các thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh dẫn đến kết quả xuất khẩu gạo của ba nước xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đều khá ảm đạm.

Mặc dù công tác điều hành xuất khẩu gạo các tháng đầu năm 2019 đã hỗ trợ tiêu thụ thóc gạo vụ Đông Xuân cho người nông dân và bảo đảm lợi ích người trồng lúa. Tính đến ngày 31/5/2019, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 2,7 triệu tấn, trị giá đạt khoảng 1,18 triệu USD. Công tác điều hành xuất khẩu gạo cũng bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước, đặc biệt trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu cũng như những nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy gặp khó khăn ở khu vực châu Á và châu Đại Dương, các doanh nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu gạo thơm sang các thị trường khu vực châu Phi, châu Âu và châu Mỹ.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 tại TP.HCM sáng 24/6/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, những năm gần đây nhiều nước tiêu dùng, nhập khẩu gạo đã có những sự thay đổi sâu sắc về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo, chẳng hạn như thực hiện thuế hóa mặt hàng gạo; thay đổi phương thức nhập khẩu gạo cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt thầu G2P để có nguồn cung gạo với giá cạnh tranh và chất lượng cao hơn. Các nước nhập khẩu cũng nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất trong nước hướng đến tự chủ về lương thực. Các nước sản xuất tập trung tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, điều kiện canh tác để sản xuất gạo có chất lượng và có thương hiệu. Các nước như Myanmar, Campuchia, Pakistan đều nỗ lực gia tăng sản lượng gạo xuất khẩu. Trung Quốc không chỉ là nước nhập khẩu gạo lớn nhất mà cũng trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới. Các động thái và tình hình trên đã làm gia tăng lượng cung gạo toàn cầu, tăng tồn kho tại các nước xuất khẩu và làm thay đổi quan hệ cung - cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua.

Đặc biệt là Nghị định 107/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/10 /2018 với nhiều điểm đổi mới trong quản lý của Bộ Công Thương, của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận và bãi bỏ thủ tục kiểm tra, xác nhận kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo của Sở Công Thương cấp tỉnh, thương nhân tự kê khai thông tin, tự chịu trách nhiệm về đáp ứng điều kiện kinh doanh, thực hiện cơ chế hậu kiểm… đã tạo điều kiện cho các thương nhân tham gia xuất khẩu gạo, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân. Cụ thể, sau 9 tháng thực thi Nghị định, đã có thêm 41 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng đội ngũ thương nhân xuất khẩu gạo lên 177 thương nhân. Nhiều thương nhân được cấp mới tuy có quy mô không lớn nhưng chú trọng khai thác các thị trường mới, thị trường ngách của sản phẩm gạo.

Theo kiến nghị của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo trong tình hình mới cần được tiếp tục đẩy mạnh theo hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến các thị trường yêu cầu sản phẩm chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao; từ đó góp phần xây dựng cơ sở cho công tác tổ chức sản xuất trong nước với cơ cấu, yêu cầu chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Để tận dụng các cơ hội thị trường, thúc đẩy tiêu thụ thóc, gạo cho người nông dân trong những tháng cuối năm, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã đề xuất, kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và khai thác các thị trường truyền thống, các thị trường tiềm năng gắn với xây dựng thương hiệu, trong đó tập trung vào xác định các thị trường mục tiêu, chủng loại mục tiêu và cách thức phối hợp, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tiếp tục tạo điều kiện cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tiếp cận nguồn vốn vay có lãi suất hợp lý để tăng cường thu mua lúa gạo cho người nông dân.

Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã yêu cầu các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm trách nhiệm duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu (5%) theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, đồng thời đảm bảo thực hiện trách nhiệm báo cáo định kỳ gửi Bộ Công Thương về tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo và tình hình tồn kho để có nguồn số liệu xác thực, kịp thời phục vụ công tác điều hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu gạo của Việt Nam còn ảm đạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO