Xuất khẩu gạo chững lại, có quá lo?

Ý Nhi| 05/07/2020 03:28

Sau thời gian sôi động sau khi Chính phủ mở cửa vào tháng 5 và nửa đầu tháng 6, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang chững lại và trầm lắng.

Xuất khẩu gạo chững lại, có quá lo?

Nguyên nhân được một số chuyên gia phân tích, do Chính phủ Philippines ngừng kế hoạch nhập khẩu gạo, từ bỏ hoàn toàn việc mua số lượng 300.000 tấn gạo G2G mà họ mở thầu hôm 8/6/2020, trong đó Việt Nam thắng thầu 60.000 tấn, khiến cho giá lúa gạo trên thị trường càng thêm chao đảo. Bên cạnh đó, so với gạo xuất của Ấn Độ thì giá cạnh tranh hơn Việt Nam, phía người mua cũng biết Việt Nam sắp thu hoạch lúa rộ lúa Hè - Thu nên chưa vội mua.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến hết tháng 6, cả nước gieo cấy được 4,7 triệu hecta lúa, sản lượng ước đạt 22,4 triệu tấn. Lượng gạo xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 3,5 triệu tấn (tăng 4,4%), kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2019. Vụ Hè - Thu năm 2020, Việt Nam có tổng diện tích khoảng 1,7 triệu hecta, hiện tại đã thu hoạch khoảng trên 400.000 hecta. 

Tuy nhiên, do đầu ra hạn chế nên giá lúa hiện giảm khá mạnh, từ khoảng 5.500 đồng/kg còn dưới 5.000 đồng/kg. Ghi nhận thị trường đến ngày 25/6/2020, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giảm xuống còn 405-450 USD/tấn, so với mức 450 USD/tấn trước đó một tuần. Giá gạo vụ Đông - Xuân hiện ở mức 450 USD/tấn, trong khi giá gạo vụ Hè - Thu là 405-410 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ - một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới ở mức 373-378 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 366-372 USD/tấn của tuần trước đó. 

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, hiện các doanh nghiệp gần như không có hợp đồng xuất khẩu lúa gạo mới với đối tác nước ngoài. Một số công ty lớn như Quốc tế Gia, Intimex, Kigimex, Thuận Minh và Hiếu Nhân… chỉ đang tập trung giao hàng cho các hợp đồng cũ đã ký trước đây.

Theo chia sẻ của một thương nhân, vẫn có một số khách hàng là thương nhân Philippines đang tìm mua gạo OM 5451 loại 5% tấm Hè - Thu nhưng trả giá thấp. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu chào giá dao động ở mức 420 USD/tấn, hàng container nhưng một số khách thương nhân Philippines chỉ trả ở mức 410-412 USD/tấn. Một số khách còn lại thì trả ở mức 405 USD/tấn, hàng tàu. Thời gian giao hàng khoảng 15 ngày nữa nên các doanh nghiệp chưa chốt giao dịch. Thương nhân này cũng cho rằng, thời gian tới giá gạo của Việt Nam có thể tiếp tục còn giảm.

Song vẫn còn một tia sáng mới, đó là hiện các nước vẫn còn dịch Covid-19 nên xuất khẩu gạo đến tháng 9-10 có thể khởi sắc trở lại. Ví dụ như Philippines, mỗi năm nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn, hiện họ mới nhập 1,3 triệu tấn. Như vậy, khoảng 1,7 triệu tấn còn lại có thể tháng 9-10 họ mới nhập vào.

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo trong thời gian tới dự báo sẽ tăng trưởng rất mạnh cho tới năm 2025 nhờ  EVFTA, cụ thể gạo sẽ tăng thêm 65% vào năm 2025. Bộ này cũng cho biết, khi EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020, phía EU dành tổng lượng hạn ngạch cho Việt Nam là 80.00 tấn/năm, trong đó có 20.000 tấn gạo xay, 30.000 tấn gạo xát và 30.000 tấn gạo thơm là một cơ hội để gạo Việt Nam tăng sự hiện diện tại thị trường này. Song doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh lúa gạo nội địa phải vượt qua các tiêu chuẩn chất lượng mới có thể khai thác hết hạn ngạch này.

Tại tọa đàm về EVFTA và vai trò của truyền thông được tổ chức sáng 1/7/2020 tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, EVFTA đem lại rất nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam sang EU khi thuế giảm nhưng bên cạnh đó sẽ là những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng, hàng rào kỹ thuật. Chỉ còn cách tổ chức lại sản xuất bằng liên kết chuỗi để tạo ra hàng hóa sản lượng lớn, chất lượng cao và đầu tư chế biến sâu thì mới tận dụng được cơ hội này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho hay, quan điểm của Bộ Công Thương là các doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng yêu cầu của thị trường nhập khẩu nhưng không phải là ban hành thêm thủ tục hay giấy phép con làm khó cho doanh nghiệp. Bộ Công Thương đang kiến nghị với Bộ NN&PTNT để không đưa thêm điều kiện và giấy phép vào Nghị định mới áp dụng cho xuất khẩu gạo thuộc hạn ngạch sang EU. 

“Phải theo hướng tạo sự đơn giản hóa cho doanh nghiệp chứ không phải tiếp tục cơ chế xin giấy phép. Trong trường hợp khi EVFTA có hiệu lực, Nghị định chưa xong, Bộ Công Thương sẽ bàn với Bộ NN&PTNT thống nhất với EU để có cơ chế tạm thời, nhằm đảm bảo ngay hiệu quả trong thực thi Hiệp định”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói và cho biết thêm, Bộ Công Thương không chứng nhận chủng loại gạo xuất sang EU nhưng có trách nhiệm là đại diện cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam nhằm đảm bảo gạo Việt Nam vào thị trường này theo đúng cam kết EVFTA.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, sắp tới Bộ Công Thương sẽ xây dựng và giới thiệu sàn thương mại điện tử với EU để đưa hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Sàn thương mại điện tử này sẽ kết hợp các công cụ tiếp cận khai thác thị trường thông qua công cụ xúc tiến thương mại, công cụ về xuất nhập khẩu điện tử. Đồng thời, kết nối hàng loạt quy định về thương mại, đầu tư, công nghệ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu gạo chững lại, có quá lo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO