Xử lý vốn ảo không đơn giản

Võ Trí Thành*| 18/11/2019 07:00

Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trước hết phải xác định rõ cái mình muốn và chắc chắn không thể không có những "hiệu ứng phụ".

Xử lý vốn ảo không đơn giản

Việt Nam đang là điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia và không tránh khỏi vốn FDI ảo. Việc chuyển giá đã xảy ra. Có những vụ chuyển giá đã rõ ràng nhưng mấy năm vẫn chưa giải quyết được.

Hơn 1/3 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các tập đoàn đa quốc gia là vốn ảo. Đó là số liệu mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Đại học Copenhagen, Đan Mạch vừa công bố. Con số ấy cũng đúng ở Việt Nam và không quá mới, do liên quan đến hai vấn đề cơ bản là chuyển giá và né hoặc trốn thuế.

Gần đây, tại nhiều hội nghị của các tổ chức quốc tế, như nhóm các nền kinh tế lớn (G20) chẳng hạn, đã bàn tới vấn đề ấy, nhưng xử lý thế nào lại không đơn giản. Điều này cũng thấy rất rõ ở Việt Nam, với việc không ít doanh nghiệp FDI chuyển giá hay né thuế ở những "thiên đường thuế" trên thế giới. 

Việt Nam đã nỗ lực và thu được một số kết quả, nhưng xử lý việc chuyển giá, né thuế hay trốn thuế có rất nhiều cái khó, phải cần sự hợp tác với một số quốc gia, vì đây là vấn đề xuyên biên giới. Kế đến là các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, công nghệ. Gần đây, có nước đã xử phạt các tập đoàn công nghệ số khi họ mở những công ty ảo để né thuế. Nhưng chưa thể nói họ trốn thuế vì trốn thuế là phạm pháp. 

Một cái khó nữa là sự chi phối của các tập đoàn lớn trên thế giới. Chỉ riêng chính sách cạnh tranh hiện nay cũng đã rất phức tạp, trong khi kỷ nguyên số đang diễn ra với rất nhiều phương thức kinh doanh trên nền tảng kết nối (platform).

TS. Võ Trí Thành

TS. Võ Trí Thành

Do đó, nhiều nước đang cố gắng tìm những chuẩn mực, cố gắng tạo thị trường, sáng tạo nhiều cách để giám sát vốn FDI và thu thuế.

Việt Nam đang là điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia và không tránh khỏi vốn FDI ảo. Việc chuyển giá đã xảy ra. Có những vụ chuyển giá đã rõ ràng nhưng mấy năm vẫn chưa giải quyết được. 

Nếu cho rằng vốn ảo là nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng hơn thì cần xem xét nó ở nhiều khía cạnh. Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã đủ cơ sở pháp lý để nước ta tránh được các dự án vốn ảo.

Vấn đề bây giờ là thực thi. Cái khó thứ nhất là mục tiêu ưu tiên là gì. Nếu đặt mục tiêu chất lượng FDI là trên hết thì lại chưa có tiêu chí rõ ràng về công nghệ, về sáng tạo, trong khi xử lý những vấn đề này không đơn giản.

Một điểm nữa, có định hướng về chất lượng FDI nhưng muốn hiệu quả thì phải đo lường được, nhưng đo lường cũng lại có vấn đề. Ví dụ, nếu lấy công nghệ cao để đo lường chất lượng vốn FDI thì không phải doanh nghiệp FDI nào cũng đạt được tiêu chí đó.

Việt Nam đã có định hướng chiến lược trong thu hút FDI với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả dòng vốn này. Vấn đề đặt ra là làm sao lọc được các dự án vốn ảo. Với những vấn đề như nói ở trên, khó có thể có sự hoàn hảo trong thu hút nguồn vốn này.

Tất nhiên, thu hút FDI, ngoài tính hiệu quả, phải đặt ra vấn đề công nghệ, sáng tạo, bảo vệ môi trường, nhưng trên thực tế, thu hút FDI luôn có tính hai mặt. Nước ta đặt mục tiêu chất lượng vốn FDI phải thật đảm bảo, nhưng chắc chắn có những hiệu ứng phụ. Chẳng hạn, nói không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Câu này, về khẩu hiệu là đúng nhưng về lý thuyết là rất khó. Không có tăng trưởng nào mà không phải trả chi phí.

(*) Tác giả là chuyên gia kinh tế, 

nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xử lý vốn ảo không đơn giản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO