Xử lý mạnh tay các dự án “treo”

BÌNH MINH| 04/01/2012 09:03

Trong tháng 12, hàng loạt các tỉnh đã đồng loạt “xuống tay” thu hồi giấy phép đầu tư, trong đó phần lớn là các dự án bất động sản và du lịch.

Xử lý mạnh tay các dự án “treo”

Trong tháng 12, hàng loạt các tỉnh đã đồng loạt “xuống tay” thu hồi giấy phép đầu tư, trong đó phần lớn là các dự án bất động sản và du lịch.

Dự án du lịch tại Bình Thuận

Xử lý mạnh tay đầu tiên là tỉnh Thừa Thiên- Huế. Ngày 16/12, UBND tỉnh này cho biết đã có văn bản thống nhất về việc thu hồi các dự án du lịch tại Lăng Cô theo đề xuất của Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Các dự án này gồm: Khu biệt thự nghỉ dưỡng quốc tế Hòa Bình, Khu du lịch nghỉ mát sinh thái biển Diana, Khu du lịch sinh thái biển Lăng Cô và dự án Khu nghỉ dưỡng ven biển Lăng Cô.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô làm việc lại với Công ty CP Đầu tư xây dựng và Trang trí nội thất HANDICO - chủ đầu tư dự án Khu biệt thự du lịch sinh thái biển Lăng Cô và Công ty CP Đảo Ngọc - chủ đầu tư dự án Khu du lịch - bến thuyền - Câu lạc bộ thể thao dưới nước Lăng Cô để thống nhất lại lần cuối cam kết tiến độ thực hiện dự án và thủ tục liên quan khác. Nếu không, sẽ tiến hành thu hồi dự án.

Còn tại Kiên Giang, sau nhiều lần trì hoãn, ngày 24/12, đích thân Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa đã thống nhất với đề xuất của sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi chủ trương đầu tư dự án công viên Bãi Dương 2 (khu lấn biển TP. Rạch Giá) của Công ty CP Du lịch Kiên Giang.

Từ khi có chủ trương giao cho Công ty CP Du lịch Kiên Giang quản lý và khai thác công viên Bãi Dương 2 (năm 2008), đến nay, Công ty không triển khai đầu tư xây dựng dự án theo quy định. Sau khi thu hồi, dự án sẽ giao lại cho UBND TP.Rạch Giá quản lý, kêu gọi đầu tư và khai thác.

Nhưng xử lý quyết liệt nhất phải kể tới UBND tỉnh Bình Thuận. Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh vừa thông báo, sau khi rà soát lại tất cả các dự án đã được cấp phép trên địa bàn và đã thu hồi 165 dự án chậm triển khai. Riêng ngành du lịch dẫn đầu với 411 dự án được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, nhưng số lượng các dự án chưa đầu tư hoặc chậm triển khai chiếm gần 70%.

Đơn cử như dự án cao ốc phức hợp Romana Phan Thiết Plaza tại TP. Phan Thiết. Dự án này đã được cấp phép từ năm 2007, công tác đền bù cũng đã tiến hành xong nhưng sau khi làm lễ khởi công vào tháng 4/2009 đến nay vẫn bất động.

Dự án này có tổng vốn đầu tư trên 250 triệu USD, diện tích 76ha với ba tòa cao ốc 35 tầng. Theo công bố, dự án sẽ hoạt động vào cuối năm 2012, nhưng đến nay nơi đây vẫn là bãi đất trống.

Một dự án khác là Khu du lịch Làng Chăm tại phường Phú Hài (TP. Phan Thiết) được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư năm 2004 với diện tích hơn 40ha.

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. Công tác quy hoạch chi tiết và đền bù giải tỏa cũng chưa được chủ đầu tư công khai cụ thể. Người dân sống ở khu vực này rất bức xúc bởi những căn nhà của họ đã cũ cũng không dám sửa chữa, xây dựng vì dính vào dự án.

Được biết, trong khu vực dự án này có gần 400 hộ phải giải tỏa di dời. Ông Lê Tiến Phương cũng thừa nhận, nhiều dự án chậm triển khai có lỗi một phần của địa phương như chưa đầu tư đường, điện đến dự án...

Những động thái quyết liệt của ngành chức năng trong việc rà soát và thu hồi những dự án chậm triển khai sẽ phần nào giải quyết tình trạng các dự án “treo” quá lâu, qua đó thúc đẩy các dự án khác tích cực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xử lý mạnh tay các dự án “treo”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO