Web chợ

H.NGA - T.PHƯƠNG| 09/06/2009 06:51

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, chợ truyền thống bắt đầu tiếp cận cách bán hàng mới: tiếp thị hàng hóa qua website. Đây là xu hướng đang phát triển mạnh tại các chợ lớn ở TP.HCM.

Web chợ

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, chợ truyền thống bắt đầu tiếp cận cách bán hàng mới: tiếp thị hàng hóa qua website. Đây là xu hướng đang phát triển mạnh tại các chợ lớn ở TP.HCM.

Hàng hóa ở chợ đã lên web - Ảnh: Thi Na

TIỂU THƯƠNG ONLINE

Năm 2005, trước khi chợ Bình Điền chính thức hoạt động, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền đã xây dựng website www.binh dienmarket.com.vn. Lúc này, trang web chỉ giới thiệu các hoạt động tại chợ tạm Chánh Hưng như lượng hàng hóa về chợ, giá cả một số mặt hàng...

Năm 2006, khi tiếp nhận tiểu thương từ 10 chợ đầu mối ở nội thành ra, trang web này đã được cải tiến với những thông tin tổng quan về quy mô, cơ cấu ngành hàng, sơ đồ bố trí, thông tin về hàng hóa, giá cả từng loại, như thủy hải sản, rau quả, nông sản..., số lượng của từng loại hàng nhập chợ cũng như thông tin về hướng phát triển trong các giai đoạn tiếp theo (từ năm 2006 đến năm 2015).

Không chỉ xây dựng website, những người quản lý chợ này còn có kế hoạch tổ chức sàn giao dịch hàng hóa tại chỗ và qua mạng.

Thậm chí, đơn vị này còn đang xây dựng một trung tâm thanh toán, giao dịch thương mại điện tử; thành lập trung tâm xuất khẩu nông sản thực phẩm tại chợ đầu mối để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa, tăng giá trị sản phẩm đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường thế giới.

Một năm sau khi trang web chợ Bình Điền hoạt động thì chợ Thủ Đức cũng ra mắt website www.thuducagro market.com. Trang web chợ Thủ Đức được xây dựng với đầy đủ thông tin lượng hàng nhập chợ mỗi ngày, giá cả từng loại hàng...

Không những thế, trang web này còn cập nhật giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước; thông tin diễn biến thị trường; đưa ra những thông tin liên quan đến thực phẩm như diễn biến bệnh cúm trên gia súc, gia cầm, hàng thực phẩm nhập lậu... Tuy nhiên, hiện nay trang web này đang tạm ngưng hoạt động để nâng cấp và điều chỉnh.

Dù không “nhanh chân” như Bình Điền và Thủ Đức, nhưng trang web www.cho binhtay.gov.vn của chợ Bình Tây đã cập nhật nhiều thông tin về giá bán các mặt hàng thực phẩm hằng ngày.

Người truy cập chỉ cần chọn ngành hàng, tên sạp và nhấp chuột, tất cả những thông tin về vị trí sạp, những mặt hàng đang kinh doanh, địa chỉ, số điện thoại cần liên lạc... kèm theo hình ảnh minh họa (sạp chợ, những mặt hàng đang bán) sẽ hiện ra trên màn hình máy tính.

Một vị đại diện Ban quản lý (BQL) chợ Bình Tây cho rằng: “Trang web là ngôn luận chính thức của BQL chợ, là tiếng nói đại diện cho bà con tiểu thương trong chợ. Đây cũng là ngôi chợ thứ hai, là bản sao hoạt động kinh doanh của chợ Bình Tây”.

Cũng theo vị đại diện này, trong vài tháng chạy thử nghiệm, đã có trên 75.000 lượt người truy cập, chủ yếu là công nhân, viên chức, nhân viên văn phòng, khách du lịch, những người thích mua sắm qua mạng.

NỘI TRỢ CŨNG ONLINE

Nhận thấy việc quảng bá thương hiệu chợ là cần thiết và nhu cầu giới thiệu sạp chợ, hàng hóa cũng như bán hàng qua mạng của tiểu thương là rất lớn, nên từ giữa năm 2008, BQL chợ Tân Bình đã cho xây dựng trang web riêng.

“Về cơ bản đã gần hoàn chỉnh, chúng tôi đang hoàn thiện một số chi tiết để đưa website vào hoạt động trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Mỹ Trang - Phó BQL chợ Tân Bình cho biết.

Sự ra đời của những trang web này mang đến sự tiện lợi thấy rõ. Không mất nhiều thời gian, chỉ cần vài cái nhấp chuột là khách hàng có thể nắm được tình hình giá thực phẩm, hàng tiêu dùng ở các chợ sỉ tại TP.HCM.

Với những thông tin trên website của chợ Bình Tây, khách hàng có thể hỏi thăm về sản phẩm mình muốn mua. Những khách hàng mua với số lượng lớn, một vài chủ sạp sẵn sàng giao hàng tận nơi. Bên cạnh hàng bình dân, còn có cả hàng thương hiệu nổi tiếng, nhất là đối với ngành hàng hóa mỹ phẩm.

Chị Nguyễn Lan Anh, kế toán của một công ty phân phối thiết bị văn phòng tại quận 1 cho biết, chị thường truy cập vào các trang web chợ để tham khảo hàng hóa, giá cả. Và từ đây tôi biết được loại trái cây nào đang vào mùa, loại rau, củ nào đang bị hiếm hàng, giá cả trong tuần lên xuống ra sao để đi chợ và mạnh dạn... trả giá”.

Trong khi người đi chợ “thu nhặt” được nhiều thông tin từ web thì tiểu thương cũng thuận lợi trong việc bán hàng.

Bà Phạm Thu Thanh, một tiểu thương giới thiệu sạp chợ trên website www.chobinhtay. gov.vn, cho biết: “Chi phí đăng thông tin 100.000đ/tháng cũng không quá mắc đối với tiểu thương. Hiện tại, tuy chưa có nhiều khách hàng trực tiếp đến hoặc gọi điện liên lạc (thông qua thông tin từ website), nhưng hy vọng qua trang web sẽ có nhiều khách hàng trong nước và quốc tế biết đến thương hiệu của chúng tôi trong tương lai gần”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Web chợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO