Vướng mắc của doanh nghiệp khi thi hành Nghị định 20

Song Anh| 12/05/2020 01:00

Trong khi các công ty đa quốc gia “bình chân như vại” thì Khoản 3, Điều 8, Nghị định số 20/2017 NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết gặp khá nhiều phản ứng từ các doanh nghiệp trong nước vốn dựa nhiều vào vay nợ. Đây là một trong những nội dung của Nghị định 20 cần phải sửa đổi”, PGS-TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định.

PGS-TS-Pham-the-anh-copy-2-2843-15892558

* Quy định giới hạn khấu trừ chi phí lãi vay của Nghị định 20 nên hiểu theo nghĩa nào, thưa ông?

- Liên quan đến việc chống chuyển nợ từ lãi vay, Điều 3, Khoản 8, Nghị định 20 quy định tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ chỉ được khấu trừ thuế nếu không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ kinh doanh cộng với chi phí lãi vay và chi phí khấu hao trong kỳ (EBITDA). Có thể hiểu mức trần 20% được cơ quan thuế tham khảo từ BEPS (Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận) của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Trong một nỗ lực chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận, OECD vào năm 2015 đã đưa ra khuyến cáo mức trần lãi vay được khấu trừ thuế dao động trong khoảng 10-30% đối với các nước thành viên, tùy điều kiện và hoàn cảnh.

* Theo ông thì làm thế nào để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuân thủ Nghị định 20 và tránh được những khó khăn trong việc tuân thủ?

- Bộ Tài chính đã ban hành Dự thảo Sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Mức khống chế trần chi phí lãi vay cần được áp dụng cho tất cả doanh nghiệp. Một số ý kiến cho rằng việc khống chế chi phí lãi vay không nên áp dụng cho các doanh nghiệp trong nước không có giao dịch xuyên biên giới hoặc các công ty mẹ - công ty con có cùng một mức thuế suất chưa hẳn đã hợp lý. Bởi vì, giả sử công ty con có lỗ còn công ty mẹ có lợi nhuận, thì theo luật định, công ty con không phải nộp thuế còn công ty mẹ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng theo lợi nhuận kiếm được.

Tuy nhiên, bằng cách chuyển lợi nhuận từ công ty mẹ sang công ty con (thông qua vay nợ), công ty con có thể bớt lỗ (vẫn không phải nộp thuế) nhưng công ty mẹ chỉ còn phải nộp một khoản thuế ít hơn bởi đã chuyển một phần lợi nhuận sang công ty con. Hơn nữa, các tập đoàn hay tổng công ty nhà nước hiện nay gồm nhiều công ty thành viên có cấu trúc sở hữu khác nhau (có công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước, có công ty đã cổ phần hóa), việc điều tiết lợi nhuận từ các công ty 100% vốn nhà nước sang các công ty cổ phần hóa một cách giả tạo có thể không chỉ giúp giảm nghĩa vụ thuế mà còn làm thất thoát tài sản của cổ đông nhà nước.

Chi phí lãi vay từ các hợp đồng vay nợ ký kết trước thời điểm Nghị định 20 có hiệu lực nên được khấu trừ toàn bộ. Những doanh nghiệp có giao dịch liên kết và vay nợ lớn đã bị động khi Nghị định 20 ra đời. Vay và cho vay lại giữa công ty mẹ và các công ty thành viên rất phổ biến ở các tập đoàn. Nghị định 20 có thể đẩy những doanh nghiệp đang có những hợp đồng vay nợ dài hạn ký kết từ năm 2017 trở về trước vào thế bị động. Với những trường hợp như vậy, chi phí lãi vay nên được miễn trừ khỏi sự điều chỉnh của Nghị định 20. Cho phép các doanh nghiệp chuyển phần chi phí lãi vay chưa được khấu trừ vào một số năm tiếp theo (có giới hạn). Điều này giúp doanh nghiệp mới thành lập thường chịu lỗ trong giai đoạn đầu có thể giảm gánh nặng tài chính, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào những ngành đòi hỏi vốn đầu tư lớn và dài hạn. Thời hạn kết chuyển có thể là 5 năm và chỉ áp dụng với những doanh nghiệp mới thành lập hoặc có giá trị đầu tư vượt một ngưỡng nhất định.

anh-7-2011-1589255851.jpg

* Như ông nói, chi phí lãi vay từ các giao dịch độc lập nên được miễn trừ hoàn toàn và không chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20?

- Đúng vậy. Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và nhiều công ty khác không đồng tình với việc quy định chi phí lãi vay để tính khấu trừ thuế bao gồm cả chi phí lãi vay từ các giao dịch độc lập.

Phản ứng này là dễ hiểu bởi mục đích của Nghị định 20 nên giới hạn trong việc quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết nhằm chống trốn và tránh thuế. Tuy nhiên, Nghị định 20 lại đưa cả chi phí lãi vay từ các giao dịch độc lập vào diện điều chỉnh là không phù hợp. Điều này có thể cản trở doanh nghiệp trong việc huy động vốn và gây bất bình đẳng giữa doanh nghiệp có giao dịch liên kết (bất kể với ai) và doanh nghiệp không có giao dịch liên kết. Do vậy, miễn là bên cho vay độc lập với bên đi vay, và độc lập cả với những doanh nghiệp mà bên đi vay có giao dịch liên kết thì chi phí lãi vay nên được khấu trừ hoàn toàn khỏi thu nhập chịu thuế của bên đi vay.

Theo tôi, Nghị định 20 nên giới hạn trong mục tiêu chống chuyển giá thông qua các giao dịch liên kết. Việc chống xói mòn cơ sở thuế và chống vốn mỏng (cũng thông qua các công cụ trần chi phí lãi vay/EBITDA được khấu trừ thuế hoặc trần hệ số nợ/vốn chủ sở hữu) nên được đề xuất trong một quy định khác để đảm bảo quy định đó bao phủ được mọi doanh nghiệp, bao gồm công ty trong các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn trong nước và cả các công ty độc lập.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vướng mắc của doanh nghiệp khi thi hành Nghị định 20
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO