Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hút mạnh vốn ngoại

KHÁNH ĐINH| 21/02/2017 04:34

Đầu năm 2017, các tỉnh - thành thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm Phía Nam nổi bật với việc thu hút nhiều vốn lớn của doanh nghiệp FDI.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hút mạnh vốn ngoại

Đầu năm 2017, các tỉnh - thành thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm Phía Nam nổi bật với việc thu hút nhiều vốn lớn của doanh nghiệp FDI.  

Đọc E-paper

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Singapore đã vượt qua Hàn Quốc, trở thành quốc gia dẫn đầu về vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 1/2017 với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 477,8 triệu USD, chiếm 30,1% tổng số vốn đầu tư.

Đáng chú ý, 2 dự án lớn mà Singapore đầu tư tại Việt Nam đều tập trung ở Bình Dương, gồm Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP III) với tổng vốn đầu tư 284,75 triệu USD, và dự án của Công ty CP Tetra Pak Bình Dương với tổng vốn đầu tư 124 triệu USD chuyên sản xuất bao bì (gồm công đoạn ép, in nhãn) vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm dạng lỏng.

Bên cạnh đó, 2 dự án này của Singapore đã đóng góp vào vị thế dẫn đầu của Bình Dương so với cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 696,3 triệu USD, chiếm 43,8%.

Cùng với Bình Dương, TP.HCM đứng thứ hai với việc cấp phép 53 dự án, 15 dự án tăng vốn, tổng vốn đăng ký 201,2 triệu USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư cả nước.

Một số tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bình Phước cũng đã có sự khởi sắc trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài ngay từ đầu năm 2017.

Theo đó, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Vũng Tàu đã "xông đất" tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với việc mở rộng nhà máy bia công suất 610 triệu lít/năm, tổng vốn đầu tư tăng thêm 185 triệu USD.

Tại buổi trao giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy bia, lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Công ty Hyosung Corporation (Hàn Quốc) đã cùng ký kết bản ghi nhớ về cam kết đầu tư và hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2017 với quy mô vốn đầu tư 1,2 tỷ USD cho Nhà máy Sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) cùng hạng mục cảng chuyên dụng LPG và hóa dầu.

Như vậy, địa phương phía Nam này đang chuẩn bị đón những dự án tỷ đô. Được biết, ngoài Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM hiện vẫn còn một vài dự án tỷ đô tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (có chủ trương đầu tư từ năm 2016) đang chờ phê chuẩn.

Nói về lợi thế của các tỉnh thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm Phía Nam trong vấn đề thu hút dòng vốn ngoại, một chuyên gia thuộc lĩnh vực xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài chia sẻ, việc các khu công nghiệp mang thương hiệu VSIP được mở rộng ở Bình Dương cho thấy địa phương này sẽ thu hút thêm dòng vốn từ các nhà đầu tư ngoại, bởi các nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp nước ngoài (như Tập đoàn Sembcorp, Singapore) chỉ mở rộng đầu tư khi họ đã thăm dò ý định của các nhà đầu tư thứ cấp liên quan đến việc bỏ vốn xây dựng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất ở Việt Nam.

Khảo sát về sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam năm 2016 vừa được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM tiến hành, cho thấy gần 67% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam (cao hơn so với ở Thái Lan, Indonesia, Philippines).

Đại diện của JETRO tại TP.HCM nhấn mạnh, năm 2017 cũng như những năm tới, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn có xu hướng rót vốn vào ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ và những dịch vụ liên quan đến nhu cầu thiết yếu và những lĩnh vực này thường bắt đầu từ những đô thị lớn như TP.HCM.

>>Thúc đẩy kết nối hạ tầng Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hút mạnh vốn ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO