Vốn đầu tư công vẫn chờ được giải ngân

Nguyễn Hoàng| 13/07/2020 01:00

Nhà nước đã đóng vai trò là đối tượng chi tiêu chính nhưng việc giải ngân đầu tư công chậm nên chưa thể tạo ra thu nhập và kéo chi tiêu của nền kinh tế đi lên.

Đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công được xem là một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh thế thế giới suy thoái bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, con số Bộ Tài chính ước tính về giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31/5/2020 là hơn 122.241 tỷ đồng, đạt gần 26% kế hoạch, đang dấy lên quan ngại tăng trưởng không đạt mức kỳ vọng.

dautucong-3793-1594607046.jpg

Bộ Tài chính chỉ ra 7 bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%, trong khi có 34 bộ, cơ quan trung ương và ba tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 18 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%. Đáng chú ý, nhiều đơn vị đến nay chưa giải ngân được đồng vốn nào, như Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam...

Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính cho biết, có nhiều nguyên nhân trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có một số dự án của các bộ, ngành, địa phương được bổ sung kế hoạch từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia, nhưng đến nay chưa được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nên chưa đủ điều kiện giao kế hoạch năm 2020. Cạnh đó, một số dự án đang trình phê duyệt thiết kế, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, chưa ký hợp đồng nên chưa thực hiện và giải ngân, như các dự án của Bộ Y tế là hơn 1.241 tỷ đồng. Một số dự án mới được phê duyệt bổ sung kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 và mới giao kế hoạch vốn năm 2020 trong tháng 4 và 5/2020 nên chưa thể giải ngân.

Từ đầu năm đến nay, một số bộ, ngành, địa phương vẫn tập trung giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 còn lại và được kéo dài đến hết ngày 31/12/2020. Một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, sửa đổi hiệp định vay, hiện nay vẫn chưa xong thủ tục để giải ngân kế hoạch vốn năm 2020.

Link bài viết

Theo ông Long, việc nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong nửa đầu năm nay đã tác động tiêu cực lên các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi do hầu hết hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến chuyên gia, nhân công, nhà thầu, tư vấn giám sát.

Trong bối cảnh chi tiêu từ khu vực doanh nghiệp và dân cư giảm sút, Nhà nước thông qua đầu tư công đã đóng vai trò là đối tượng chi tiêu chính. Năm 2020, tổng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện là gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực trong năm 2019 là 312.000 tỷ đồng, vẫn còn hơn 577.000 tỷ đồng đang chờ giải ngân từ nay đến cuối năm.

Chính phủ đề xuất điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 còn 4,5% thay vì 6,8% như Quốc hội giao ban đầu. Tuy nhiên, tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020 đang ở mức thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020 khi chỉ tăng 1,81%. Tác động bởi đại dịch, đầu tư công đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết, một mặt giải quyết đúng nhu cầu của nền kinh tế là phải xây dựng cơ sở hạ tầng, mặt khác là thực hiện đúng thời điểm nền kinh tế đang cần.

Việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần thay đổi phương thức giải ngân đầu tư công phù hợp với bối cảnh hiện nay, với các quy trình và quy định rõ ràng, đơn giản và mang tính trách nhiệm cao. Chỉ như vậy mới có thể thúc đẩy giải ngân đầu tư công, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng đạt mục tiêu tăng GDP 4,5% mà Chính phủ đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vốn đầu tư công vẫn chờ được giải ngân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO