“Vinashin chuyển giao những dự án không đủ lực triển khai tiếp”

02/07/2010 00:09

Chiến lược của Vinashin không phù hợp lại không may gặp phải lúc khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới nên nó lại càng chết, càng trầm trọng thêm.

“Vinashin chuyển giao những dự án không đủ lực triển khai tiếp”

Vừa rồi, hội đồng quản trị tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) có nghị quyết tái cơ cấu tập đoàn này. Theo đó, có sáu đơn vị của Vinashin sẽ được chuyển giao sang PVN. Xin cho biết, PVN có quan điểm thế nào trong việc tiếp nhận này?

Bên tôi chẳng có gì lo ngại cả vì bên này cũng đã có một đơn vị làm chuyên ngành về đóng tàu rồi, có đơn vị đóng giàn khoan rồi. Cho nên cũng chẳng có gì lạ lẫm lắm. Vấn đề là mình xem lại quy mô và mục đích của nó có hợp lý hay không thôi vì tất cả phải đảm bảo tính hiệu quả.

Theo như bà biết thì trong sáu đơn vị do Vinashin chuyển giao, có đơn vị nào đang thua lỗ không và việc xử lý các khoản lỗ này phải được thực hiện thế nào trước khi chính thức bàn giao cho PVN?

Mọi người hay nhầm giữa từng đơn vị của Vinashin với Vinashin. Vinashin khác với bên PVN là bên họ có rất nhiều dự án nhưng lại do tập đoàn vay vốn và chuyển xuống cho các đơn vị bên dưới. Cho nên, hạch toán của Vinashin có lỗ thì tôi nghĩ, đó là lỗ trên tập đoàn còn ở dưới chỉ triển khai đầu tư.

Những đơn vị sản xuất của Vinashin thế nào tôi không biết nhưng những cái chuyển sang cho PVN là những dự án đầu tư dở dang, không có chuyện lỗ do chưa hạch toán xong. Nhưng vì các khoản vay lại ở trên tập đoàn so với cái triển khai hàng năm thì nó mất cân đối.

Bên tôi, đơn vị nào làm đơn vị ấy chịu trách nhiệm, tập đoàn không có đi vay rồi chuyển vốn xuống cho đơn vị làm. Đơn vị nào vay, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả. Cho nên bên tôi, đơn vị nào vay mà bị lỗ thì đơn vị đó chịu chứ tập đoàn không bao giờ lỗ cả. 

Nhưng bây giờ PVN nhận các dự án của Vinashin thì một số phải đưa xuống các đơn vị chứ không để trên tập đoàn. Các đơn vị (của PVN) sẽ tự tổ chức để sản xuất, kinh doanh sao cho có hiệu quả.

Thực ra PVN có được tự nguyện nhận các đơn vị này không?

Tự nguyện thì thực ra bên tôi cũng đang tự tổ chức phát triển mảng đóng tàu. Vinashin hiện nay họ không đủ năng lực để thoả mãn tất cả các đơn đặt hàng đóng tàu, sửa tàu của ngành dầu khí. Chúng tôi đang đi tìm kiếm các khu đất, cảng để đóng tàu chuyên ngành của dầu khí. Nhưng đến tỉnh nào, có mảnh đất nào tốt thì Vinashin cũng nhận rồi (cười) nên bây giờ Chính phủ có giao lại thì cũng phù hợp.

Tính đến 31/12/2008, nợ các tổ chức tín dụng của Vinashin là 19.885 tỉ đồng, tỉ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Vinashin là 10,9 lần. Nợ quá hạn của Vinashin đến 31/12/2008 là 3.812 tỉ đồng, chiếm 91,4% tổng số nợ quá hạn của bảy tập đoàn kinh tế của Nhà nước. Cũng tính đến 31/12/2008, số tiền đầu tư của Vinashin vào lĩnh vực tài chính là 3.308 tỉ đồng trong đó có 144 tỉ đồng đầu tư vào chứng khoán.

(Nguồn: kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của đoàn giám sát, uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2009).

Còn các khu công nghiệp đóng tàu có chuyển sang bên này thì để đảm bảo hiệu quả chúng tôi cũng sẽ xem lại quy mô, không phải chỗ nào cũng đóng tàu tràn lan như thế.

Thực sự thì một số dự án chuyển sang bên này cũng phù hợp vì, để phục vụ nhà máy lọc dầu Dung Quất, ba năm rồi yêu cầu phải đóng tàu dầu mà không ra được trong khi người ta (bên nhận thuê đóng tàu) họ đòi thêm tiền, tăng chi phí mà không biết bao giờ xong, chất lượng lại không biết thế nào. Nên nhận (dự án đóng tàu từ Vinashin) về là cứu vãn được hai cái tàu chở dầu 100 ngàn tấn, to nhất từ trước đến nay. Cái nhà máy đóng tàu ở Dung Quất thì Vinashin họ coi như quả tim của họ để đóng tàu chở 100 ngàn tấn. 

Theo bà thì vì sao trong số các dự án mà Vinashin chuyển giao cho PVN hay Vinalines, có dự án có khả năng đem lại hiệu quả cao mà tập đoàn này lại không giữ lại? Thế thì Vinashin giữ lại cái gì?

Theo tôi nghĩ là có dự án tốt về mục tiêu nhưng do Vinashin đầu tư quá dàn trải và tôi nghĩ là điều hành tài chính của họ không tốt và đầu tư không có trọng điểm. Cho nên khi mở ra quá nhiều rồi anh không đủ lực lượng thực hiện, con người không phát triển kịp thì dở. Bên tôi cũng có chuyện đó chứ không phải không đâu nhưng chúng tôi biết sớm điều chỉnh. Hơn nữa, mở rộng như Vinashin thì vốn của anh sẽ không đủ rồi không tập trung đầu tư, ứng dụng công nghệ được.

Ở đây, phải học như Trung Quốc, tập trung đầu tư vào một cái thật lớn, có chất lượng. Chiến lược của Vinashin không phù hợp lại không may gặp phải lúc khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới nên nó lại càng chết, càng trầm trọng thêm. Lẽ ra anh phải nhanh nhạy, cơ cấu lại.

Bài học cho tất cả các doanh nghiệp trên thế giới là khi khủng hoảng, phải nhanh chóng cơ cấu lại, chưa nói gì lúc bình thường. Bên tôi cũng vậy, phải cơ cấu lại ngay lập tức: có cái phải tạm dừng đầu tư, cái kia phải giãn tiến độ, điều chỉnh mục tiêu, quy mô các dự án khác. Nhưng Vinashin lại không làm. Qua cả khủng hoảng cũng để nguyên như thế.

Bây giờ nhờ Chính phủ cơ cấu hộ thì lại mất đi những cái rất tốt. Nhưng nếu ôm vào tất cả các cái đấy thì Vinashin lại không làm được. Cho nên hiện nay để lại cho Vinashin những cái họ đang sản xuất, kinh doanh như nhà máy đóng tàu Hải Phòng, một số nhà máy đóng tàu đang có các hợp đồng đóng tàu lớn… chỉ chuyển giao những dự án đang đầu tư mà họ không có lực để triển khai tiếp, không làm ảnh hưởng tới các hợp đồng mà Vinashin đã nhận. 

Thế thì lẽ ra phải có họp báo để thông báo công khai, minh bạch lý do chuyển giao các dự án của Vinashin để dư luận hiểu và ủng hộ chứ, thưa bà?

Các dự án của Vinashin chuyển về PVN gồm có: khu công nghiệp tàu thuỷ Lai Vu (Hải Dương) bao gồm cả công ty công nghiệp tàu thuỷ Lai Vu; khu công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn (Thanh Hoá), ban quản lý dự án khu công nghiệp Nghi Sơn; nhà máy đóng tàu đặc chủng và sản xuất trang thiết bị tàu thuỷ Nhơn Trạch (Đồng Nai); nhà máy đóng tàu Dung Quất; khu công nghiệp tàu thuỷ Soài Rạp (Tiền Giang); phần vốn góp của Vinashin trong công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh (Nam Định) và trong các dự án do công ty làm chủ đầu tư.

Bảy đơn vị khác của Vinashin được chuyển về Vinalines gồm: khu công nghiệp cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh); cảng Vinashin Đình Vũ (Hải Phòng); khu công nghiệp và nhà máy đóng tàu Hậu Giang; cảng và nhà máy đóng tàu Năm Căn (Cà Mau); công ty vận tải Biển Đông; công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin; phần vốn góp của tập đoàn Vinashin trong các doanh nghiệp vận tải biển khác. Thời gian bàn giao từ ngày 1.7 và kết thúc quý 3/2010.

Cái này đúng là không có gì phải giữ bí mật cả, vì cứ bảo mật thì mật được mấy ngày? Bởi vì việc chuyển giao này nó đụng đến rất nhiều người lao động, địa phương.

Hơn nữa, cần phải chủ động thông tin là việc cơ cấu này nhằm lành mạnh hoá hoạt động doanh nghiệp, giảm tải (cho Vinashin).

Với tình hình tài chính có khó khăn như Vinashin thì họ sẽ trả khoản nợ 1.500 tỉ đồng cho tổng công ty cổ phần Tài chính dầu khí (PVFC), đơn vị trực thuộc của PVN như thế nào?

Con số đúng là nợ hơn 2.000 tỉ đồng và trong đó có 1.300 tỉ đồng là nợ quá hạn. Chúng tôi sẽ phải xem lại để bù trừ công nợ trong tháng 7. Nhưng mà là nợ ở tập đoàn chứ không phải là ở các cơ sở đóng tàu nên phải xem xét xử lý giữa hai bên.

Còn dự án Vinashin đóng con tàu chở dầu, gọi là dự án FSO-5 cho PVN bị chậm tiến độ hơn 20 tháng thì đã gây thiệt hại thế nào cho PVN? Hiện nay xử lý hậu quả thế nào?

Thiệt hại thế nào cũng khá rõ rồi. Chúng tôi đã phải lên phương án sửa một con tàu khác, mất hơn 30 triệu USD để nếu FSO-5 không đúng hạn nữa thì phải dùng tàu đó thay thế, phục vụ sản xuất chứ không thể dừng mỏ được. FSO-5 chậm, kéo dài thời gian hoàn thành sẽ làm tăng chi phí, bên PVN sẽ bị tăng nhiều khoản chi phí về thuê tư vấn giám sát, chi phí ban quản lý, vốn đầu tư…

Lẽ ra hai năm có doanh thu rồi thì đến giờ ba năm vẫn chưa có doanh thu. Cái vốn bỏ ra đầu tư đó nếu đem đi gửi ngân hàng thôi ít nhất lãi cũng được 10%/năm rồi. Thế mà đến giờ chưa xong. Họ mang (tàu FSO-5) ra ngoài biển, ném uỵch ra đấy, bảo xong nhưng bây giờ không lấy được chứng chỉ (chứng chỉ quốc tế cho tàu hoạt động). Lẽ ra phải chạy thử trên bờ rồi mới cho ra (biển) nhưng rồi cứ cho ra, họ bảo chịu trách nhiệm nhưng có chịu trách nhiệm gì đâu? Lại sắp đến thời điểm gió bão rồi, tôi không hiểu làm thế nào.

Bộ Giao thông vận tải:

Tình hình tài chính Vinashin rất khó khăn

Ngày 1/7, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có thông cáo báo chí về việc tái cơ cấu Vinashin. Theo đó, Bộ GTVT đánh giá Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN (tiền thân của Vinashin) được thành lập từ năm 1996 với vốn điều lệ chỉ hơn 100 tỉ đồng, công nghệ lạc hậu, thị trường nhỏ bé, nay đã phát triển thành tập đoàn kinh tế mạnh về cơ khí chế tạo (công nghiệp đóng tàu)... Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới từ giữa năm 2008 đã ảnh hưởng nặng nề đến Vinashin gây ra khó khăn về tài chính, không huy động được nguồn vốn vay nước ngoài, cam kết vốn của một số ngân hàng và tổ chức tài chính trong nước bị hủy... dẫn đến không đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án đầu tư đang thực hiện.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan nêu trên, Bộ GTVT còn đưa ra các nguyên nhân chủ quan như: đầu tư dàn trải, quản lý dự án, công nợ, dòng tiền... còn hạn chế, hệ thống quản lý có nhiều khâu chưa theo kịp. Do đó hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của tập đoàn rơi vào tình trạng rất khó khăn, phải khẩn trương, kiên quyết cơ cấu lại, cả về tổ chức sản xuất kinh doanh, đầu tư tài chính, với yêu cầu: duy trì, phát triển ngành công nghiệp cơ khí đóng, sửa chữa tàu biển; khai thác sử dụng có hiệu quả các dự án, các năng lực sản xuất kinh doanh đã và đang đầu tư; không để ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Bộ GTVT cho biết ngày 18/6/2010, Thủ tướng đã ban hành quyết định về việc tái cơ cấu Vinashin, đến ngày 21/6/2010 Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ đã có buổi làm việc với Vinashin để triển khai quyết định này. Bộ yêu cầu tập đoàn phải duy trì hoạt động bình thường của các cơ sở mà tập đoàn đang quản lý và chuyển giao ngay các cơ sở theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

(Nguồn: TTO)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Vinashin chuyển giao những dự án không đủ lực triển khai tiếp”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO