Việt Nam ủng hộ thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư

DUY KHÁNH| 20/11/2018 00:00

Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 26 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea vừa qua, thông điệp thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư, ủng hộ WTO, liên kết kinh tế, phát triển bền vững, bao trùm và chuyển đổi nền kinh tế số do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại các phiên họp đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo các nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp APEC.

Việt Nam ủng hộ thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư

Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau APEC tại Đà Nẵng, tình hình quốc tế chuyển biến nhanh và phức tạp hơn dự báo, nền kinh tế toàn cầu đang xuất hiện những dấu hiệu bất ổn, những thách thức mới, chưa có tiền lệ, đe dọa sự ổn định của hệ thống thương mại, kinh tế toàn cầu, do đó đòi hỏi sự nỗ lực, hợp tác, liên kết chặt chẽ của các thành viên APEC.

Link bài viết

Thủ tướng cho biết, việc Quốc hội Việt Nam thông qua Hiệp định CPTPP với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt khẳng định Việt Nam quyết tâm tiếp tục đổi mới toàn diện, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, ủng hộ thương mại và đầu tư tự do dựa trên luật lệ quốc tế và theo tiêu chuẩn cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Với việc phê chuẩn CPTPP và hướng tới ký kết cũng như phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam sẽ tham gia mạng lưới 16 hiệp định thương mại tự do với gần 60 đối tác, chiếm 61% GDP và 68% tổng thương mại toàn cầu, liên kết kinh tế của Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn mới, đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực".

Thủ tướng đề nghị các nền kinh tế APEC hợp tác toàn diện, sâu sắc và hiệu quả hơn nữa trên các lĩnh vực, bao gồm tăng cường cải cách cơ cấu nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế APEC.

Theo đó, cần tích hợp "Chương trình nghị sự mới APEC về cải cách cơ cấu" vào chương trình nghị sự ở các nền kinh tế thành viên. Thúc đẩy việc triển khai hiệu quả sáng kiến về "Khuôn khổ tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới APEC", "Lộ trình kinh tế mạng và kinh tế số APEC" và "Chương trình hành động về kinh tế số”. Đầu tư hạ tầng số và thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi số. Trong đó, việc xây dựng và khai thác hiệu quả "cơ sở dữ liệu lớn" của quốc gia cần phải được tăng cường đầu tư theo hướng toàn diện, đáng tin cậy và bảo đảm an toàn. Đồng thời chú trọng hạ tầng thương mại số, phát triển công nghệ tài chính (fintech), kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo và thúc đẩy khởi nghiệp...

Thủ tướng cũng đề xuất các thành viên APEC nâng cấp tổ chức và kỹ năng quản trị ở khu vực tư lẫn khu vực công để tiếp thu hiệu quả tri thức và hấp thu công nghệ tiên tiến, hỗ trợ, hợp tác để cùng nhau phát triển trong nền kinh tế số. Các nền kinh tế phát triển với lợi thế đi trước và cũng để gia tăng lợi thế cần tăng cường các chính sách hỗ trợ cho các nền kinh tế đang phát triển trong các chính sách chuyển đổi cơ cấu, xây dựng năng lực quản trị và tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao khả năng kết nối trong thời đại cách mạng số.

Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến đi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng việc thông qua CPTPP chính là đóng góp lớn của Việt Nam và các nền kinh tế cho CPTPP, nhất là trong bối cảnh đang có xu hướng không muốn tự do hóa thương mại và đầu tư. Việc các nước phê chuẩn hiệp định này và dự kiến có hiệu lực từ đầu năm sau là động lực để tiếp tục xu hướng tự do hóa thương mại ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, góp phần hướng tới tương lai lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam ủng hộ thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO