Bài báo này đã dẫn báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Việt Nam năm 2023 ước tính đạt 6,2%. Điều này cho thấy kinh tế Việt Nam đã tránh được các xu hướng suy thoái thông thường trên khắp các thị trường châu Á và đang có tốc độ tăng trưởng tốt hơn mức trung bình.
Theo bài báo, với tỷ lệ lạm phát dưới 4%, rõ ràng Việt Nam có khả năng nổi lên như một nền kinh tế đầy triển vọng ở châu Á. Nếu nhìn vào các yếu tố cơ bản của Việt Nam sau đại dịch Covid-19, có thể thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của Việt Nam khoảng 6,3%-6,5%. Một trong những khía cạnh chính của tăng trưởng kinh tế cao hơn mức trung bình này là đầu tư trực tiếp nước ngoài cao, tiêu dùng nội địa tăng, tầng lớp trung lưu gia tăng đáng kể và Việt Nam tập trung thúc đẩy sản xuất chế tạo theo định hướng xuất khẩu.
Trong vài năm qua, Việt Nam bảo đảm có được các khoản vay từ nhiều tổ chức quốc tế. Việt Nam có thể nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và kết nối biên giới cùng với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của các địa phương từ sự tài trợ và trợ cấp từ các định chế tài chính quốc tế khác nhau.
Với tỷ lệ lạm phát dưới 4%, rõ ràng Việt Nam có khả năng nổi lên như một nền kinh tế đầy triển vọng ở châu Á |
Bài báo cũng cho rằng trong thời gian dài, Việt Nam đã có những nỗ lực nghiêm túc để có thể nổi lên như một xã hội mạng lưới tri thức, bao gồm cải thiện các ứng dụng chính sách, nâng cao năng lực của các bên liên quan và cung cấp thông tin cho cộng đồng một cách thường xuyên. Việt Nam đã cung cấp điện thành công cho 100% số xã từ mạng lưới điện quốc gia, vì thế đã đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Hai khía cạnh nổi bật của Việt Nam thu hút sự chú ý của quốc tế được bài báo này nhắc đến gồm: Xếp thứ 70/190 quốc gia về mức độ ưu đãi kinh doanh và thế mạnh chính là dân số trẻ với gần 70% dân số ở độ tuổi từ 15-64. Có nhiều kỳ vọng rằng ngành du lịch Việt Nam sẽ phục hồi ấn tượng do Việt Nam đã ký thỏa thuận toàn diện cấp quốc gia về thúc đẩy du lịch bền vững và phục hồi sau Covid-19. Sự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân lũy kế về du lịch đạt 13,5%/năm trong giai đoạn 2022-2025.
Bài báo đã nhấn mạnh, sự chuyển đổi cũng đang diễn ra trong lĩnh vực tài chính và tiền tệ cũng như thực hiện cải cách trong hệ thống ngân hàng và quản trị tài chính. Nỗ lực phòng - chống tham nhũng mà Việt Nam thực hiện trong vài năm qua đã lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư. Dư luận kỳ vọng Việt Nam sẽ gặt hái được kết quả tốt hơn nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện, khả năng kết nối thị trường và lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác ở Đông Nam Á.