Việt Nam có tiềm năng điện gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á

HT| 21/02/2023 06:00

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng điện gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á (khoảng 599GW), đồng thời cũng là nước duy nhất trong khu vực ASEAN có nguồn năng lượng gió ngoài khơi quy mô lớn.

Việt Nam có tiềm năng điện gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á

Gió ngoài khơi tạo ra nguồn năng lượng điện cao hơn hẳn so với điện gió trên đất liền. Thêm vào đó, có thể lắp đặt các trang trại gió ngoài khơi trên vùng biển rộng lớn mà ít hoặc không ảnh hưởng đến các khu dân cư. Chính vì vậy, việc phát triển điện gió và điện gió ngoài khơi đang được Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương, phát triển điện gió, điện gió ngoài khơi và từng bước hình thành ngành công nghiệp nội địa về lắp đặt, thi công, chế tạo thiết bị nhằm tăng tính tự chủ, giảm giá thành là định hướng lớn của Chính phủ Việt Nam trong những năm sắp tới.

Những năm gần đây, đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Nikkei Asia cho hay, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo. Bên cạnh những doanh nghiệp nước ngoài thì cũng có những tên tuổi Việt Nam đang phát triển mạnh lĩnh vực điện gió. Không chỉ phát triển điện gió phục vụ nhu cầu trong nước, doanh nghiệp Việt còn có mục tiêu phát triển mạnh hơn nữa mảng năng lượng tái tạo này để xuất khẩu sang nước ngoài.

Ở thời điểm hiện tại, các nước ASEAN đang triển khai chương trình liên kết lưới điện. Singapore hiện cũng tham gia liên kết lưới điện Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore (LTMS) và đã tiến hành nhập khẩu điện từ Lào qua lưới điện LTMS. Chính vì vậy, đây sẽ là cơ hội cho các nước có liên quan cùng tham gia cũng như có thể xuất khẩu điện sạch từ năng lượng gió ngoài khơi của Việt Nam sang các nước khác, mang lại lợi ích cho các quốc gia và làm tăng hiệu quả đầu tư của dự án.

Với cam kết đạt phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại hội nghị COP26, sắp tới sẽ có lộ trình chi tiết cho các ngành, trong đó năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Đến năm 2030, Việt Nam chỉ tham gia vào lượng công suất nhất định để có thời gian tăng cường lưới điện truyền tải, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp cho điện gió ngoài khơi, mặc dù đây là nguồn tốt để thay thế dần nhiên liệu hóa thạch nhưng phải có lộ trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam có tiềm năng điện gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO