Việt Nam có thể tăng trưởng kinh tế vừa nhanh vừa bền vững

DUY KHÁNH| 24/01/2019 00:31

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức trong 2 ngày 16 - 17/1 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, không nhất thiết phải đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng.

Việt Nam có thể tăng trưởng kinh tế vừa nhanh vừa bền vững

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong những năm qua, dù tăng trưởng thương mại có phần chậm lại do các căng thẳng thương mại và cạnh tranh địa - chính trị nhưng sẽ vẫn tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế thế giới. Việt Nam vẫn luôn được đánh giá có môi trường chính trị, xã hội ổn định, cùng với nền kinh tế được phát triển vững chắc. Việt Nam đang có nhiều lợi thế để bắt kịp với dòng chảy chính của nền kinh tế số. Dự báo đến năm 2025, giá trị thương mại gộp của nền kinh tế internet Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 33 tỷ USD.

Link bài viết

Thủ tướng chia sẻ về những việc trọng tâm mà Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện trong năm 2019 và những năm tiếp theo, đó là giữ vững sự ổn định về chính trị, xã hội và củng cố nền tảng kinh tế vững chắc. Việt Nam cam kết thúc đẩy mạnh mẽ cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để tăng trưởng GDP từ 7% trở lên; tiếp tục tăng tốc và tạo ra những bứt phá trong việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với đó, thúc đẩy và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp rộng khắp, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Ưu tiên nhiều hơn cho khoa học công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích tư nhân đầu tư nhiều hơn nữa vào nghiên cứu và phát triển. Chính phủ Việt Nam tập trung các giải pháp phát triển toàn diện, hài hòa giữa kinh tế - xã hội - môi trường, thích ứng với biển đổi khí hậu...

Tại Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu, trong thế giới phẳng hiện nay, quốc gia này hơn quốc gia kia không phải ở lực lượng vật chất mà là ở thể chế. Có thể chế đủ mạnh sẽ giúp Việt Nam tiến nhanh trong nền kinh tế số, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân, giải quyết những nút thắt trong “phá cái cũ, chấp nhận cái mới”.

Ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới WB tại Việt Nam chia sẻ, để giải quyết mâu thuẫn giữa tăng trưởng nhanh và bền vững cần khẳng định tăng trưởng chất lượng cao là mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam.

Ông khuyến nghị Việt Nam cần giữ được ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thế giới phải chứng kiến những biến động và rủi ro, có thể tạo ra những cú sốc về kinh tế. Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào nhân lực và cơ sở hạ tầng - những vấn đề mấu chốt.

Ông cũng cho rằng, cần cải thiện, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, theo đó cần đầu tư trọng điểm cho giáo dục.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet khẳng định, Chính phủ đã có thông điệp mạnh mẽ về chính phủ kiến tạo phát triển, trong sạch, hành động và “cởi trói” về thể chế để kinh tế tư nhân phát triển.

Tuy nhiên, dưới góc độ là một hãng hàng không tư nhân, CEO Vietjet cho rằng vẫn còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ. Ví dụ về vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng hàng không, sân bay, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách cụ thể để khai thác tốt nguồn lực tư nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam có thể tăng trưởng kinh tế vừa nhanh vừa bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO