Vì sao Việt Nam thu hút đầu tư nhiều nhưng chuyển giao công nghệ ít?

NGUYÊN BẢO| 27/06/2018 06:22

Khu vực kinh tế FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế đất nước, trước hết là đóng góp lớn vào việc cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam.

Vì sao Việt Nam thu hút đầu tư nhiều nhưng chuyển giao công nghệ ít?

Ảnh: QH

Tại hội thảo chuyên đề về thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực đầu tư nước ngoài diễn ra hồi đầu tuần, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu vực kinh tế FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế đất nước, trước hết là đóng góp lớn vào việc cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam.

Thống kê cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực FDI. Năm 2017, tỷ trọng xuất khẩu của khối này chiếm đến 72% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Theo đó, chỉ tính riêng Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã chiếm đến 24,9% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, gần bằng với xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa, chiếm 28%.

Theo Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2018, trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,39 tỷ USD thì khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 13,78 tỷ USD. Về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, doanh nghiệp FDI tăng trưởng quá nhanh, điển hình năm 2000, doanh nghiệp FDI chỉ chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, đến năm 2010, con số này chưa đến 50% nhưng năm 2017 là trên 72%. Ngược lại, doanh nghiệp trong nước có tăng trưởng xuất khẩu nhưng chậm. Điều này cho thấy việc cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực doanh nghiệp FDI.

Đầu tư nước ngoài hiện chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP. Năm 2017, khu vực FDI đóng góp gần 8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng thu ngân sách.

Việt Nam với vị trí thuận lợi về giao thương và chi phí nhân công rẻ vẫn được nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn làm cứ địa sản xuất để xuất khẩu sản phẩm đi nhiều thị trường khác. Tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được 25.949 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 326,3 tỷ USD, trong đó 84% số dự án là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài (vốn thực hiện lũy kế ước đạt 180,7 tỷ USD, bằng 56% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực).

Riêng 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã thu hút 1.362 dự án và 507 dự án điều chỉnh vốn, 2.749 dự án góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đăng ký hơn 20 tỷ USD.

Có đến 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông.

Song, các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. Chẳng hạn, sau nhiều nỗ lực nhằm tìm kiếm và kết nối với các nhà cung ứng Việt Nam, kể cả tư vấn cải tiến doanh nghiệp, từ năm 2014 đến 2017, chỉ có 29 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung, quá khiêm tốn so với kỳ vọng.

Theo một chuyên gia nhiều năm làm việc trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư nước ngoài, thay vì vào Việt Nam đầu tư thông qua hình thức liên doanh, liên kết thì những năm gần đây, các doanh nghiệp FDI có xu hướng chọn đầu tư trực tiếp 100% vốn, khiến cho việc học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp trong nước bị "đứt quãng".

Chuyên gia này cũng cho rằng, khu vực FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển. Song, cũng cần phải nhìn nhận ở chiều ngược lại, không nhiều doanh nghiệp Việt đáp ứng được tiêu chuẩn về quy trình sản xuất, sản phẩm trong việc trở thành nhà cung ứng cho các doanh nghiệp FDI, mà nguyên nhân chính là do chậm đổi mới công nghệ và áp dụng những quy chuẩn mới trong sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao Việt Nam thu hút đầu tư nhiều nhưng chuyển giao công nghệ ít?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO