Vận tải biển lời nhờ... bán tàu!

17/11/2010 08:30

Nhiều doanh nghiệp sản xuất phản ánh, cước vận tải biển trong nước đã nhích lên 10% so với năm ngoái. Thị trường vận tải biển vẫn duy trì đà phục hồi từ những tháng đầu năm 2010 với giá cước tăng 30 – 60% so với năm 2009.

Vận tải biển lời nhờ... bán tàu!

Nhiều doanh nghiệp sản xuất phản ánh, cước vận tải biển trong nước đã nhích lên 10% so với năm ngoái. Thị trường vận tải biển vẫn duy trì đà phục hồi từ những tháng đầu năm 2010 với giá cước tăng 30 – 60% so với năm 2009. Tuy nhiên, lợi nhuận đến với các hãng vận tải biển lại từ việc... bán tàu.

Cước vận tải biển trong nước tăng nhưng chất lượng dịch vụ giậm chân tại chỗ.

Các doanh nghiệp sản xuất cho rằng, giá cước vận tải biển trong nước hiện đang cao hơn giá cước vận tải biển quốc tế. Ngoài ra, việc tìm được đơn vị chở hàng cũng rất khó khăn do nhu cầu vận tải tăng cao mà số lượng tàu biển trong nước lại hạn chế.

Cước tăng vẫn khó khăn

Theo nhiều công ty giao nhận, hiện mức cước trong nước đã tăng khoảng 10% so với năm trước và dự báo sẽ tăng 10 – 15% trong mùa cao điểm cuối năm, mặc dù lượng hàng không tăng nhiều so với năm 2009. Theo ông Đặng Tấn Phong, giám đốc công ty SCM Vietnam, lượng hàng thực tế qua doanh nghiệp này hiện giảm 5 – 8% so với năm ngoái.

Tình hình biến động của cước tàu cho đến thời điểm này khá hợp lý về mặt chi phí bởi giá dầu thế giới hiện trên mức 80 USD/thùng. So với mùa cao điểm những năm trước, mức cước ở thời điểm cuối năm dự báo tăng khoảng 15% là hợp lý. Tuy nhiên, ông Phong cho rằng, các hãng tàu trong nước vẫn chưa đáp ứng được chất lượng dịch vụ như thời gian chạy tàu dài, thiếu vỏ container cục bộ, công suất phụ thuộc vào hàng trung chuyển vì hàng này vẫn được ưu tiên.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện năng lực của các hãng tàu trong nước đủ và thừa để đáp ứng nhu cầu trong nước và cũng không bị cạnh tranh bởi các hãng nước ngoài. Thường các hãng tàu khai thác tuyến trong nước phải kết hợp khai thác tuyến quốc tế ngắn với Thái Lan, Singapore… mới tận dụng hết công suất tàu. Tuy nhiên, nhận định của một số hãng tàu cho thấy, thị trường vận tải biển nội địa có một điểm rất bất lợi cho nhà khai thác, đó là sự không ổn định về lượng hàng và yếu tố mùa vụ, biến động bất thường của thời tiết… khiến giá cước dù cao tại một số thời điểm nhưng vẫn không tạo ra lợi nhuận.

Do đó, hầu hết các hãng tàu trong nước đều lâm vào cảnh khó khăn. Ngoài ra, theo đại diện của Vosco, chi phí cho hoạt động vận tải biển phụ thuộc khá lớn vào giá nhiên liệu. Trong khi giai đoạn gần đây, giá dầu trên thế giới luôn biến động theo chiều hướng tăng cao.

Hiện tại cả nước có chín doanh nghiệp tham gia vận tải hàng container tuyến nội địa, trong đó thị phần chủ yếu tập trung vào Vinalines (40%), còn lại các doanh nghiệp khác như Vosco, Biển Đông, Vinafco, Vinashin Lines, Gemadept, mỗi đơn vị khoảng trên dưới 10%. Những doanh nghiệp này vừa trải qua một năm thua lỗ nặng nề.

Báo cáo tài chính quý 3/2010 của công ty cổ phần hàng hải Sài Gòn cho thấy, công ty này lỗ ròng 8,31 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm, riêng quý 3 lỗ 2 tỉ đồng vì các khoản mục chi phí đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Công ty cổ phần hàng hải Đông Đô cho biết, kết quả kinh doanh quý 3/2010 lỗ 16 tỉ đồng trước thuế. Mặc dù doanh thu quý 3 đạt 81,3 tỉ đồng, tăng 15% so cùng kỳ, lợi nhuận gộp tăng mạnh 139% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 32 tỉ đồng, tuy nhiên khoản lỗ 73 tỉ đồng trong hoạt động tài chính khiến công ty âm hơn 16 tỉ đồng trong chín tháng.

Có thể thấy, những hãng tàu chỉ hoạt động kinh doanh vận tải biển đều lỗ hoặc chỉ có lời chút đỉnh. Trong khi đó, nhiều hãng tàu đều nhận định rằng, thị trường vận tải biển vẫn duy trì đà phục hồi từ những tháng đầu năm 2010 với giá cước tăng 30 – 60% so với năm 2009.

Bán tàu ngon hơn

Theo báo cáo chín tháng đầu năm 2010 của Vosco – công ty vận tải biển lớn nhất Việt Nam hiện nay, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này đạt 116 tỉ đồng, vượt kế hoạch 8,41%. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư mua, bán tàu đã đem về cho Vosco hơn 97 tỉ đồng, trong khi đó doanh thu vận tải đóng góp tới 96,27% của tổng doanh thu gần 2.000 tỉ đồng. Tương tự, Vinaship đạt lợi nhuận sau thuế trên 31,1 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm, tuy nhiên việc bán ba con tàu với giá hơn 3 triệu USD đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận của doanh nghiệp này.

Trong khi đó, công ty cổ phần Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam cho biết, doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh quý 3/2010 tăng hơn 155 tỉ đồng, tương ứng mức tăng 43,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù cước vận tải biển tăng khá nhiều so với năm 2009, song doanh nghiệp này cho rằng lợi nhuận chỉ bằng 69,2% so với năm trước, do chi phí tăng mạnh.

Ngoài ra, các hoạt động khác còn mang lại khoản lỗ 964 triệu đồng, trong khi cùng kỳ hoạt động này mang lại khoản lãi hơn 7 tỉ đồng cho công ty. Chính vì thế, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt gần 12 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc bán một con tàu cho nước ngoài với giá 2,8 triệu USD lại không được công bố lợi nhuận, mặc dù đây là khoản lãi không nhỏ trong khoản tiền lãi 12 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vận tải biển lời nhờ... bán tàu!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO