Vẫn nóng, doanh nghiệp thiếu lao động

Ý Nhi| 28/02/2022 05:12

Sau Tết Nguyên đán, cùng với việc phục hồi sản xuất, các doanh nghiệp cũng đang hối hả tuyển lao động. Theo Sở Lao động - Thương bình và Xã hội TP.HCM, đến nay lao động trên địa bàn TP.HCM đã quay lại làm việc khá đông. Hiện thành phố cũng đã gắn kết với chính sách hỗ trợ của Chính phủ để hỗ trợ người lao động 500.000 - 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ là ba tháng; vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng, hỗ trợ chủ nhà trọ vay vốn để chỉnh trang phòng trọ... Tổng thể các giải pháp nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; công khai lương, thưởng, phúc lợi và các chính sách giúp người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chuyên gia về thị trường lao động Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Đào tạo và Phát triển Nhân lực Việt Nam cho hay, dù thành phố và các doanh nghiệp đang có nhiều chính sách thu hút, tuyển dụng nhưng vẫn đang đối diện nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn, lên đến 30%, thậm chí tới 60%, nhất là người lao động, công nhân sản xuất trực tiếp.

Nguyên nhân được cho rằng, người lao động ngoại tỉnh chưa thật yên tâm với điều kiện sống, an cư tại thành phố mà đại dịch vừa qua là một bài học. 

Cùng thời điểm sau Tết, khi các doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động thì nhiều cuộc ngừng việc tập thể xảy ra thời gian qua do người lao động chưa đồng tình với việc thay đổi hình thức trả lương, thưởng của doanh nghiệp cũng diễn ra. Cụ thể, nhiều lao động yêu cầu tăng lương cơ bản, bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên, chế độ hỗ trợ cho người lao động mắc Covid-19. Ở một số vụ việc, người lao động đình công vì cho rằng việc doanh nghiệp trả lương tháng thứ 13 theo thời gian làm việc là chưa công bằng.

trang-6-2887-1646020950.jpg

Mặc dù có  nhiều doanh nghiệp đã đưa ra những chính sách ưu đãi hợp lý, khuyến khích lao động trở lại làm việc nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, phức tạp, cũng có không ít  doanh nghiệp khó khăn nên đã cắt giảm nhiều chi phí , trong đó có lương  của công nhân và nhiều chế độ ưu đãi. 

Với cách này, có thể thấy  hệ lụy cho doanh nghiệp là không nhỏ. Bởi trước mắt, doanh nghiệp không chỉ thiếu hụt nguồn lao động mà còn có nguy cơ... mất nhân sự khi hiện nay tâm lý người lao động các tỉnh vẫn chưa thật yên tâm trở lại thành phố và đang có xu hướng tìm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp ở địa phương. 

Thực tế cũng cho thấy, tình trạng người lao động bỏ phố về quê thời gian qua hoặc không quay trở lại thành phố làm việc đã để lại nhiều gánh nặng cho doanh nghiệp. Bởi chỉ tính riêng chi phí tuyển dụng, đào tạo mới nhân sự tại mỗi doanh nghiệp đã cao gấp ba lần so với chi phí để giữ chân người lao động. Vì thế, ngoài việc các doanh nghiệp cần có chính sách phúc lợi, lương, thưởng cạnh tranh để thu hút lao động quay trở lại thì điều đáng quan tâm nữa là chỗ ở ổn định.

Trong số nhiều người lao động rời khỏi TP.HCM khi có dịch Covid-19 thì hầu hết đều trong hoàn cảnh cảnh cạn kiệt thu nhập và không còn tiền để thuê nhà trọ. Điều đó cho thấy, cuộc sống của người lao động tại thành phố còn quá nhiều bấp bênh, chưa có nơi "an cư” thì người lao động chưa thể lạc nghiệp nên việc trở lại thành phố vẫn còn tính toán, cân nhắc cũng là dễ hiểu.

Một khảo sát mới đây cho thấy, trong nhóm đã về quê, có 48% không muốn quay lại hoặc không chắc chắn quay lại vì muốn trải nghiệm các cơ hội việc làm ở địa phương hay làm nghề tự do. Nhiều người cho rằng, đây cũng là dịp để người lao động đánh giá lại cơ hội việc làm ở quê nhà để ở gần gia đình và người thân. Nhiều người thử kinh doanh tự do hoặc làm cho các khu công nghiệp mới thành lập những năm gần đây. Bên cạnh đó, tâm lý của công nhân sau khi về quê sẽ có sự so sánh, nhiều người chọn phương án ở lại mặc dù thu nhập có thể giảm đi nhưng bù lại được gần gũi gia đình. Vì vậy, điều  các doanh nghiệp cần quan tâm không chỉ là tiền lương, phúc lợi, mà còn là cuộc sống với thu nhập cao hơn, cuộc sống tốt hơn và đảm bảo hơn khi làm việc trên thành phố.

Hiện TP.HCM cũng đã có chính sách xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, nhưng thực tế vẫn còn triển khai chậm. Vì thế, để thành phố  có thể  thu hút lao động ngoại tỉnh, câu chuyện "nói hoài nhưng không cũ”, đó là cần có quỹ đất xây dựng nhà ở cho người lao động, thành phố cần bắt tay với doanh nghiệp, xây các khu nhà ở cho người lao động theo đúng chuẩn môi trường sống và an toàn sức khỏe. Bởi một người lao động thanh niên đến các thành phố  lớn lập nghiệp thì rất đơn giản, nhưng khi họ có vợ, có chồng, có con thì còn nhiều mối lo khác. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ các thủ tục hành chính để các doanh nghiệp có thể tham gia vào phân khúc nhà ở xã hội. Bởi hiện nay thủ tục còn phức tạp, thời gian thực hiện dự án còn quá lâu, quá tốn kém khiến các doanh nghiệp không có lợi nhuận để đầu tư phân khúc nhà ở cho công nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vẫn nóng, doanh nghiệp thiếu lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO