Ủy ban Kinh tế cảnh báo rủi ro khủng hoảng nợ công

29/05/2013 07:01

Bản báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội gửi cho các đại biểu Quốc hội cảnh báo về rủi ro xảy ra khủng hoảng nợ công của Việt Nam là “rất rõ ràng” vào năm 2020, nếu tiếp tục cách chi tiêu công hiện nay.

Ủy ban Kinh tế cảnh báo rủi ro khủng hoảng nợ công

Bản báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội gửi cho các đại biểu Quốc hội cảnh báo về rủi ro xảy ra khủng hoảng nợ công của Việt Nam là “rất rõ ràng” vào năm 2020, nếu tiếp tục cách chi tiêu công hiện nay.

Bản báo cáo có tên gọi “Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam” đưa ra ba kịch bản kinh tế từ nay đến năm 2020 để phân tích trạng thái nợ.

Cấu trúc nợ của Việt Nam. Ảnh từ báo cáo

Kịch bản tốt được đưa ra dựa trên giả định Việt Nam thành công đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định và lạm phát ở mức vừa phải, nhờ các cải cách giúp nâng cao năng suất của nền kinh tế. Nhờ đó, tốc độ mất giá của đồng nội tệ và lãi suất của các khoản nợ công mới cũng được duy trì ở mức thấp.

Ngược lại, kịch bản xấu được đưa ra dựa trên giả định nền kinh tế thất bại trong việc quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và ổn định trước đây. Khi đó lạm phát sẽ cao và đồng nội tệ mất giá mạnh mỗi năm. Kịch bản trung bình là kịch bản nằm giữa hai thái cực này.

Theo đó, nếu thâm hụt ngân sách cơ bản được duy trì ở mức 1% GDP mỗi năm thì tỷ lệ nợ công/GDP sẽ tăng lên mức gần 58%; 63%; và 69% vào năm 2020 tương ứng với các kịch bản tốt, trung bình và xấu.

Nếu thâm hụt ngân sách cơ bản tăng lên mức 2% GDP mỗi năm thì tỷ lệ nợ công GDP sẽ tăng lên mức hơn 66%; gần 72%; và 78% GDP vào năm 2020 tương ứng với các kịch bản tốt, trung bình và xấu.

Cuối cùng, nếu thâm hụt ngân sách cơ bản tăng mạnh lên mức 3% GDP thì tỷ lệ nợ công/GDP sẽ lần lượt cán mốc gần 75%; 81%; và 88% GDP vào năm 2020 lần lượt trong các kịch bản tốt, trung bình và xấu.

Sau khi đưa ra các kịch bản trên, bản báo cáo cảnh báo: “Trong trường hợp này, nguy cơ khủng hoảng nợ công xảy ra là rất rõ ràng trong mọi kịch bản của nền kinh tế".

Bản báo cáo thừa nhận, kết quả mô phỏng này được tính toán dựa trên hai giả định. Thứ nhất, đó là các khoản nợ công đã được hạch toán đầy đủ vào trong con số 54,9% GDP tại thời điểm cuối năm 2011.

Thứ hai, kết quả này chưa tính tới những khoản nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà Chính phủ có thể phải đứng ra gánh hộ trong tương lai.

Thực tế, thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong nhiều năm nay luôn cao hơn tỷ lệ 3%, như trong kịch bản xấu nhất. Chẳng hạn, chỉ tính riêng năm 2009, con số thâm hụt ngân sách, không bao gồm chi trả nợ gốc, theo báo cáo của Bộ Tài chính là 3,7% GDP, trong khi đó con số tương ứng của ADB và IMF cao hơn nhiều, lần lượt là 3,9% và 7,2% GDP.

Ngoài ra theo bản báo cáo này, nợ công được cho là ở mức 54,9% GDP là tổng nợ công được định nghĩa là nợ trong nước và nước ngoài của khu vực công, bao gồm nợ của chính quyền trung ương, nợ của chính quyền địa phương, nhưng không bao gồm nợ của DNNN, kể cả những doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn. Chỉ có nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh mới được tính vào tổng nợ công.

Cách tính nợ công không bao gồm nợ của DNNN, trái phiếu chính phủ như vậy là khác so với cách tính nợ công theo thông lệ quốc tế. Khái niệm nợ công theo chuẩn quốc tế được xác định là tổng các khoản vay mượn và trái phiếu phát hành, hoặc được bảo lãnh phát hành, tại một thời điểm nào đó bởi chính quyền trung ương, chính quyền địa phương và DNNN.

Bản báo cáo cho biết, khoản nợ nước ngoài của khu vực tư, mà chủ yếu là DNNN, không được Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,6% GDP. Nợ trong hệ thống ngân hàng của khu vực DNNN, theo ghi nhận trong đề án tái cấu trúc DNNN của Bộ Tài chính (2012), cũng chiếm xấp xỉ khoảng 16,5% GDP.

Báo cáo nhận định: nếu tính đến các con số này và cộng với các khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của DNNN, thì nợ công Việt Nam sẽ lên tới xấp xỉ 95% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn (60%) mà WB và IMF khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ủy ban Kinh tế cảnh báo rủi ro khủng hoảng nợ công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO