Tuân thủ SPS: không nghiêm dễ mất thị trường

30/07/2009 08:26

Hiệp định về áp dụng các biện pháp kiểm dịch động, thực vật được áp dụng cho tất cả các nước thành viên WTO. Tuy nhiên, nhiều DN VN vẫn lúng túng trong việc thực hiện quy định này.

Tuân thủ SPS: không nghiêm dễ mất thị trường

Hiệp định về áp dụng các biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS - The Application of Sanitary and Phytosanity) được áp dụng cho tất cả các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, nhiều DN VN vẫn lúng túng trong việc thực hiện quy định này. Trong khi đó, tiêu chuẩn chất lượng của VN chưa đủ và chưa theo kịp những quy định của các nước cũng gây khó khăn cho DN khi xuất khẩu.

Tiêu chuẩn nhiều, cập nhật chậm

Trong xu thế chung hiện nay, an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe là thách thức lớn đối với ngành rau quả của VN. Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan đã từng từ chối nhập trái cây tươi VN do không xử lý được ruồi đục quả. Một số nhà nhập khẩu châu Âu yêu cầu phải có xác nhận “giống không chuyển đổi gien”, hoặc phải cung cấp danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã sử dụng đối với nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm.

Ba năm trước đây, HACCP từng được xem là tiêu chuẩn tiến bộ nhất mà người mua đòi hỏi, nhưng tiêu chuẩn này hiện nay được xem

Thanh Long không thể xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đài Loan nếu không xử lý được ruồi đục quả

đương nhiên phải có. Tương tự, GlobalGAP hay EurepGAP nay được xem là yêu cầu tối thiểu nên các nhà xuất khẩu sẽ không còn có những lợi thế do đạt chứng nhận này, nhưng không đạt thì còn tệ hơn. Tiêu chuẩn BRC (British Retail Consortium là tiêu chuẩn của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Anh) trong năm tới sẽ trở thành quy chuẩn yêu cầu của các chuỗi siêu thị lớn ở châu Âu.

Theo ông Lý Hải Long, Giám đốc Xuất khẩu Công ty TNHH TMDV Bảo Thanh, DN VN cập nhật các thông tin mới, tiêu chuẩn mới của SPS rất chậm, thường chỉ biết qua các hội thảo, hoặc do khách hàng yêu cầu, không đủ thời gian để nghiên cứu, phân tích, triển khai áp dụng. Hầu hết các tài liệu liên quan tiêu chuẩn SPS bằng tiếng Anh nên việc truyền đạt cho các thành phần tham gia quy trình sản xuất nông sản, thực phẩm hiểu bằng tiếng Việt rất khó khăn. Hiện nay, thiếu các chuyên gia hiểu biết về các tiêu chuẩn SPS để tư vấn cho DN.

Thực hiện SPS đối với các nhà xuất khẩu là một việc làm cần thiết nhưng vẫn còn nhiều kẽ hở. Ví dụ như xuất khẩu trái cây sang EU không cần code như thủy sản, không bị giám sát về cam kết chất lượng, nên những nhà nhập khẩu có thể trộn hàng không tuân thủ các quy định SPS để giảm giá thành. Điều này làm nản chí DN làm tốt, trong khi đó xảy ra việc nước nhập khẩu tăng cường kiểm tra những nơi không cần thiết.

Trách nhiệm của cơ quan có chức năng

Theo Hiệp hội Rau quả VN, hạn chế rất lớn trong việc thực hiện các tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm phù hợp theo quy định SPS của các nước là do nhận thức kém của người trồng rau, quả; việc quản lý và biện pháp chế tài chưa đủ mạnh đối với hành vi làm giả thuốc bảo vệ thực vật và phân bón; rau, quả có giá trị thương mại thấp nhưng chi phí xét nghiệm rất cao; đa số nhà đóng gói xuất khẩu không thể tự trang bị dụng cụ xét nghiệm.

Tuy nhiên, một khi đã xác định tạo uy tín chất lượng, DN cũng phải chấp hành nghiêm các cam kết SPS, nên phải thường xuyên theo dõi các thông tin liên quan từ các nước cũng như từ cơ quan bảo vệ thực vật trong nước; phải có chuyên gia quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát tốt quy trình nội bộ về sản xuất, chế biến.

Về phía Nhà nước, chưa có sự phân công, phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan có trách nhiệm để giải đáp các thắc mắc về SPS cho DN. Thậm chí nhân viên của các cơ quan này cũng không nắm vững các quy định. Chẳng hạn, hàng xuất bằng đường hàng không, nhân viên tại sân bay không hiểu rõ quy định an toàn vệ sinh cho nông sản xuất khẩu, nên sau khi kiểm tra đã đóng hàng không còn đúng quy cách bắt buộc. Do đó, cả quá trình tuân thủ nghiêm ngặt của DN bị đổ bỏ khi nhà nhập khẩu ở EU phát hiện côn trùng trong thùng hoặc hàng bị ẩm ướt, nấm mốc.

Theo các DN, nên thành lập nhóm các công ty đầu ngành hiểu biết tốt về các quy định SPS để nhanh chóng cập nhật, chia sẻ các thông tin mới. Cơ quan nhà nước nên tăng cường giám sát các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, kiểm dịch tại VN, có chế tài thật mạnh với những sai phạm, không cho xuất khẩu nếu không đạt tiêu chuẩn.

Nhà nước cần đầu tư thêm, hoặc ban hành chính sách cho mở thêm nhiều phòng thí nghiệm chuyên ngành thỏa mãn các yêu cầu kiểm tra sản phẩm xuất khẩu của VN theo quy định SPS; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học ít độc hại cho sức khỏe con người. Ngoài ra, cần nhanh chóng đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng thực hành cho cán bộ làm công tác quản lý và kiểm soát thực hiện quy định SPS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tuân thủ SPS: không nghiêm dễ mất thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO