Trong mắt nhà kinh doanh

Minh Trường| 19/05/2009 04:54

Diễn đàn Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp châu Á lần thứ 6 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại TP.HCM vào cuối tháng 10/2007 là diễn đàn lớn nhất khi có mặt hơn 500 đại biểu đến từ 30 quốc gia, trong đó có những tập đoàn lớn như Intel, Microsoft, Coca-Cola... đã đưa ra nhiều vấn đề về xây dựng hình ảnh một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội và gắn bó với cộng đồng.

Trong mắt nhà kinh doanh

Diễn đàn Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp châu Á lần thứ 6 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại TP.HCM vào cuối tháng 10/2007 là diễn đàn lớn nhất khi có mặt hơn 500 đại biểu đến từ 30 quốc gia, trong đó có những tập đoàn lớn như Intel, Microsoft, Coca-Cola... đã đưa ra nhiều vấn đề về xây dựng hình ảnh một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội và gắn bó với cộng đồng.

Vậy nhưng khi một câu hỏi được đưa ra: “Đánh giá như thế nào về các cuộc đình công tại các doanh nghiệp có vốn nước ngoài liên tiếp diễn ra?” thì có đến ba đại biểu từ chối trả lời với lý do “không liên quan”. Thêm một câu hỏi nữa: “Khi chúng ta ngồi đây bàn về trách nhiệm xã hội, có rất nhiều vấn đề toàn cầu, nhưng mới hôm qua thôi, vụ hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ bị sập, nhiều công nhân thiệt mạng, sao không thấy hội nghị bàn tới?”- cũng không có câu trả lời nào từ các đại diện nước ngoài cũng như ban tổ chức.

Thực tế là các cuộc đình công xảy ra ở VN thời gian qua vẫn chưa được giải quyết triệt để, đơn giản vì người lao động VN vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn với cái gọi là “trách nhiệm xã hội” mà các doanh nghiệp nước ngoài đang thực thi tại VN. Báo chí và Liên đoàn Lao động VN cho biết là không có vụ đình công nào trong số này được xem là hợp pháp. Nhưng đình công vẫn tiếp tục, thậm chí với qui mô lớn hơn rất nhiều.

Nhằm giải quyết tình trạng đình công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra dự thảo nghị định nhằm giải quyết quyền lợi của công nhân tại các doanh nghiệp mà người làm việc không được tổ chức đình công theo luật hiện hành. Hay nói cách khác, công nhân tại nhiều doanh nghiệp sẽ bị cấm đình công.

Về phía chủ lao động, đại diện phía VN đưa ra lý do vì bất đồng ngôn ngữ cho nên nhiều doanh nghiệp đầu tư vào VN ít tìm hiểu về pháp luật VN nói chung và luật lao động nói riêng. Như vậy, vấn đề tuyên truyền cũng như yêu cầu những công ty nước ngoài tôn trọng quyền lợi của người lao động VN phải chăng chưa được thực hiện đúng mức?

Việc Pepsi và Coca - Cola gần đây bị tẩy chay tại Ấn Độ vì không bảo vệ nguồn nước của cư dân địa phương, đã khiến hai tập đoàn khổng lồ này khốn đốn tại thị trường đông dân thứ nhì thế giới. Hay trước đó, hãng Nike bị cả thế giới lên án vì không tuân thủ các chế độ bảo vệ người lao động, sử dụng lao động trẻ em...

Toàn cầu hóa đã đặt họ vào một hệ thống giám sát, mỗi việc làm ở địa phương đều gắn với hình ảnh toàn cầu của họ, sai một li đi một dặm. Vì vậy, những doanh nghiệp lớn đều ý thức rất rõ việc tạo nên những điều kiện để duy trì và phát triển bền vững.

Chẳng hạn, Intel đưa ra cam kết chống tham nhũng tại VN, Coca-Cola duy trì chương trình “Hoàn trả từng giọt nước cho thiên nhiên”... Tuy nhiên, trong làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài đang đổ về VN, không thể tránh khỏi tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, không ít doanh nghiệp sẵn sàng quên đi trách nhiệm xã hội khi đặt lợi nhuận lên hàng đầu.

Vì vậy, kêu gọi trách nhiệm xã hội không thể chỉ là tuyên truyền suông, mà cần phải giám sát chặt chẽ những lời hứa. Cũng không thể cấm người lao động bộc bạch những bức xúc của mình. Có vậy người lao động địa phương mới không trở thành những người làm thuê rẻ mạt, bị coi thường, và nguồn tài nguyên thiên nhiên không bị khai thác đến kiệt quệ.

Minh Trường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trong mắt nhà kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO