TPP: Những ngoại lệ không áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi

04/04/2016 09:53

TPP không có một quy tắc “từ sợi trở đi” áp dụng chung cho tất cả các sản phẩm dệt may, mà cụ thể hóa cho riêng từng nhóm sản phẩm.

TPP: Những ngoại lệ không áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi

“Từ sợi trở đi” là quy tắc xuất xứ chủ đạo đối với hàng dệt may trong TPP, hay còn gọi là quy tắc “ba công đoạn”. 

Cách hiểu chung nhất là tất cả các công đoạn sản xuất hàng dệt may từ sợi trở đi, bao gồm: kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là quy tắc xuất xứ chặt chẽ nhất về dệt may mà Việt Nam từng cam kết với cộng đồng quốc tế.

Thông tin từ Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam –VCCI) cho biết, TPP chỉ chấp nhận 3 mặt hàng được áp dụng quy tắc “cắt và may” là vali, túi xách; áo ngực phụ nữ và quần áo trẻ em bằng sợi tổng hợp.

Tuy nhiên, theo cam kết TPP thì không có một quy tắc “từ sợi trở đi” áp dụng chung cho tất cả các sản phẩm dệt may, mà cụ thể hóa cho riêng từng nhóm sản phẩm. Do đó, với mỗi nhóm sản phẩm dệt may, doanh nghiệp cần tra cứu cụ thể quy tắc xuất xứ cho riêng nhóm sản phẩm của mình.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) còn cho biết, TPP cũng ghi nhận một số trường hợp ngoại lệ, không phải tuân thủ quy tắt xuất xứ “từ sợi trở đi” mà vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan theo TPP. Ví dụ như: nguyên tắc tỷ lệ tối thiểu, các mã nguyên liệu thuộc danh mục nguồn cung thiếu hụt, cơ chế 1 đổi 1 áp dụng với quần nam, nữ bằng vải bông xuất khẩu sang Hoa Kỳ…

TPP cũng quy định, biện pháp tự vệ đặc biệt đối với hàng dệt may. Trong trường hợp một sản phẩm dệt may của một nước TPP được hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định và xuất khẩu sang một nước TPP khác với một khối lượng gia tăng và gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa của nước đó, thì nước nhập khẩu có quyền áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt đối với sản phẩm dệt may ấy.

Cụ thể, nước nhập khẩu có thể không tiếp tục áp dụng ưu đãi thuế quan cho sản phẩm dệt may đó nữa và nâng mức thuế lên ngang bằng với mức thuế Tối huệ quốc theo WTO tại thời điểm đó.

Biện pháp này chỉ được áp dụng trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để ngăn ngừa hoặc bù đắp các thiệt hại do hàng nhập khẩu đó gây ra đối với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu, bà Trang nhấn mạnh.

>TPP: Ngành dệt may, da giày cần tận dụng lợi thế từ công trình xanh

>TPP tác động ra sao đến ngành dệt may Việt Nam?

>Ngành dệt may: Cân nhắc "yếu tố Trung Quốc"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TPP: Những ngoại lệ không áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO