TP.HCM triển khai Dự án đường Vành đai 3: Đề xuất bồi thường đất đổi đất

TN| 25/07/2022 04:27

Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3.

Theo văn bản chỉ đạo này, Thường trực Ban chỉ đạo 167 (Sở Tài chính) được giao nhiệm vụ rà soát, có ý kiến về việc sử dụng các thửa đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để lập dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án đường Vành đai 3 và các dự án khác trên địa bàn huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi, gửi Sở Xây dựng trước ngày 25/7/2022.

UBND Thành phố giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND các huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh) và TP. Thủ Đức xác định nhu cầu tái định cư của dự án, tham mưu UBND Thành phố lập dự án xây dựng khu tái định cư, đồng thời rà soát quỹ nhà, đất tái định cư có sẵn để UBND Thành phố phân bổ cho các địa phương sử dụng.

Về công tác điều chỉnh các đồ án quy hoạch, UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương hướng dẫn UBND các huyện nói trên và TP. Thủ Đức rà soát các đồ án quy hoạch có liên quan đến dự án để thực hiện điều chỉnh (nếu có), đồng thời đề xuất các thủ tục về điều chỉnh, quản lý quy hoạch liên quan đến dự án, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành và tiến độ thực hiện dự án.

-7514-1658726650.jpg

Sơ đồ dự án đường Vành đai 3 TP.HCM

UBND TP.HCM cũng có hướng dẫn về công tác đo vẽ thành lập bản đồ phục vụ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đối với công tác lập bản đồ hiện trạng vị trí ranh toàn bộ dự án (có hệ tọa độ VN 2000), giao Trung tâm Đo đạc bản đồ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Đối với bản đồ hiện trạng vị trí từng hộ dân bị ảnh hưởng dự án (có hệ tọa độ VN 2000) giao Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố (TCIP) phối hợp UBND TP. Thủ Đức, UBND các huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực để thực hiện công tác đo vẽ.

Được biết, đến thời điểm hiện nay, TCIP đã chuẩn bị nhân sự, hoàn tất xây dựng phần mềm giám sát dự án, các thủ tục nguồn vốn cho năm 2022 và 2023 (khoảng 5.240 tỷ đồng), chuẩn bị các thủ tục điều chỉnh quy hoạch phân khu. TCIP cũng cho biết, trong tháng 8/2022 phải hoàn tất ranh chính thức của dự án, tháng 10/2022 duyệt quy hoạch phân khu, tháng 11/2022 duyệt dự án khả thi, tháng 6/2023 khởi công, hoàn thành cơ bản dự án vào cuối năm 2025.

Theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM trước đó, Thành phố thành lập Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp thành phố cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, với thành phần gồm Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng ban… Theo kế hoạch ký kết giữa TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Long An, việc bàn giao mặt bằng cho dự án đường vành đai 3 bắt đầu từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2024; dự kiến khởi công tháng 6/2023 và thông xe kỹ thuật toàn bộ tuyến đường tháng 10/2025.

-7591-1658726650.jpg

Đường vành đai 3 TP.HCM sẽ giảm tải cho đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây 

Ông Võ Trung Trực - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đường vành đai 3 phải thực hiện xong chậm nhất là quý III/2023. Ông Trực đề nghị: “Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cần thí điểm bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất, nếu làm như hiện nay vừa thu hồi vừa tái định cư thì kéo dài thêm ít nhất 6 tháng”.

Theo tính toán của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Dự án đường vành đai 3 có khoảng 2.000 ha đất lân cận cạnh tuyến đường, đây là đất nông nghiệp ít dân cư sinh sống. Khi thu hồi diện tích đất này để đấu giá thì có thể thu được 100.000 tỷ đồng để làm đường. Để có thể giảm số tiền bồi thường, ông Trực đề xuất bồi thường theo hướng đất đổi đất với diện tích tương đương người dân đang ở, đối với đất nông nghiệp dự kiến cũng quy đổi thành đất ở để đổi cho người dân.

“Nếu người dân đồng thuận làm theo hướng này thì sẽ giảm được tiền đền bù giải phóng mặt bằng từ ngân sách, đồng thời, có nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông”, ông Võ Trung Trực nêu giải pháp.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM  Phan Văn Mãi: Đây là sáng kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường và ông đề nghị Sở hoàn thiện đề án trình chính quyền thành phố trong tháng 7/2022.

Được biết, phần lớn các dự án giao thông tại TP.HCM bị chậm và đội vốn đều do chậm giải tỏa. Đơn cử đường vành đai 2, TP.HCM ba đoạn còn lại dài hơn 11 km đang vướng mặt bằng chưa giải tỏa, với số tiền đền bù lên đến 18.000 tỷ đồng. 

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km. Bao gồm: Đoạn qua TP.HCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km và Long An 6,81 km. Để thực hiện, dự kiến cần thu hồi 642,7ha đất với tổng số 3.863 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 1.476 hộ đủ điều kiện tái định cư.

Dự án đường vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn TP.HCM có chiều dài 47,51 km với 2.377 hộ dân bị ảnh hưởng, tái định cư khoảng 752 trường hợp, tổng mức bồi thường, tái định cư là 25.610 tỷ đồng. 

Đường Vành đai 3 có điểm đầu tại điểm giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, và điểm cuối tại nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành thuộc địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tổng mức đầu tư của dự án 75.378 tỷ đồng, gồm 50% vốn trung ương và 50% vốn địa phương.

Đường Vành đai 3 TP.HCM hầu hết đi dưới thấp, riêng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao Tân Vạn (thuộc TP.Thủ Đức) đi trên cao.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM triển khai Dự án đường Vành đai 3: Đề xuất bồi thường đất đổi đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO