TP.HCM đã lên sẵn kịch bản sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16

Phan Nhung| 14/07/2021 09:24

Tại cuộc họp báo về công tác phòng chống dịch Covid-19 chiều 13/7, Phó bí thư thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi đưa ra 3 phương án ngăn Covid-19 sau khi TP.HCM hết 15 ngày áp dụng CT 16.

Buổi họp diễn ra khi TP ở ngày thứ 5 giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

pbt-4143-1626197290.jpg

Phó bí thư thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi tại cuộc họp báo chiều 13/7. Ảnh: TTBC

Có 3 phương án sau khi TP thực hiện hết 15 ngày của CT 16

Phương án thứ nhất, TP kiểm soát và chặn được Covid-19, khi đó có thể sẽ xem xét áp dụng CT 15 hay CT 19, hoặc biện pháp "CT 16 trừ".

Phương án thứ hai, TP.HCM chưa kiểm soát được Covid-19, dịch vẫn gia tăng. Khi đó, TP tiếp tục thực hiện CT 16 một thời gian nữa.

Phương án thứ ba, tình huống xấu nhất, dịch bệnh gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát. Lúc này TP.HCM tính các phương án, trong đó có phong toả mạnh mẽ hơn, thậm chí phải sử dụng thêm những biện pháp khác.

"Dù tình huống nào, việc ngăn chặn được dịch lúc này vẫn là thực hiện nghiêm CT 16 của từng người dân, từng gia đình, khu dân cư, doanh nghiệp trong những ngày tới", ông Mãi nói.

Phó bí thư Thành uỷ cho biết thêm trong 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội, TP đang tập trung có 3 tuyến công việc: tầm soát F0, có trọng tâm trọng điểm, tách khỏi cộng đồng nhanh nhất; cách ly, điều trị F0, đặc biệt chú trọng bệnh nhân nặng; tiêm vaccine cho người dân.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng xác định - CT 16 không phải là "giải pháp vàng, cứ giãn cách là dịch bệnh giảm", mà ngành y tế xem đây là môi trường thuận lợi để thực hiện các biện pháp quyết liệt.

Theo ông Hưng, TP.HCM hiện còn 10 ngày giãn cách xã hội nữa, ngành y tế thành phố phải cật lực thực hiện các biện pháp chống dịch. Trong đó, nhiệm vụ lớn nhất là bóc tách các mầm bệnh đang ở cộng đồng, lọc F1, F2 để truy vết, không chỉ ở khu phong toả mà còn ở các khu trọng điểm.

Ngoài ra, TP cần tiếp tục tầm soát, xét nghiệm ở các khu phong toả, ổ dịch và các vùng ven. Việc lấy mẫu cần tầm soát diện rộng nhưng không phải là lấy cho đủ số lượng mà phải có trọng tâm, trọng điểm.

"Gần đây, số ca tăng lên là do tăng cường truy vết, xét nghiệm. Nếu chúng ta làm quyết liệt cùng với sự hợp tác của người dân, thời gian giãn cách xã hội này sẽ góp phần giải quyết tình hình hiện nay", ông Hưng nói.

Tính đến tối 13/7, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 16.573 ca bệnh. Hiện, TP HCM có 10 khu cách ly cấp TP, quy mô 15.080 giường, đang cách ly 7.977 người. Ngoài ra, TP có 19 bệnh viện dã chiến, hiện lập thêm 5 bệnh viện, quy mô tổng cộng gần 50.000 giường

TP.HCM cho cách ly F0, F1 tại nhà 

Cũng trong cuộc họp ngày 13/7, Ngành y tế TP.HCM cho cách ly F1 và thí điểm cách ly, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà nếu đảm bảo các điều kiện của Bộ Y tế.

Theo đó, các trường hợp F0 không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện, nếu xét nghiệm RT-PCR ngày 10 kết quả âm tính hoặc dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện an toàn, phòng chống lây nhiễm. Bệnh nhân tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày 14 và 21.

212853848-331574961788921-9192-7473-3432

Nhân viên y tế tại nơi cách ly tập trung ở ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh: H.K

Trường hợp F0 không có triệu chứng là nhân viên y tế được thí điểm cách ly, điều trị tại nhà với điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các ca F0 này phải tự theo dõi sức khoẻ, báo cáo cơ quan y tế hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định. Cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc sẽ giám sát ca bệnh.

Đối với F1 ở khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong toả) được cách ly với các điều kiện: nhà cách ly có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách; toàn bộ thành viên trong gia đình không được ra ngoài; F1 phải hạn chế tiếp xúc, bố trí phòng riêng cho người F1; sử dụng đồ dùng cá nhân riêng, ăn riêng, thùng đựng rác riêng...

Cơ quan chức năng quản lý, giám sát nghiêm việc cách ly y tế F1 tại nhà; tổ chức thu gom rác thải y tế theo quy định. Trường hợp F1 ở tại các khu tập thể, khu chung cư nếu có ca F0 tại nhà thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung.

Trường hợp có đông F1 ở tại một khu vực phong toả như khu nhà trọ, ký túc xá, khu dân cư... thì áp dụng cơ chế cách ly y tế tập trung với khu vực đó. Nếu mật độ người cách ly quá đông cần xem xét giảm bớt bằng cách đưa F1 ra các khu cách ly tập trung.

TP cũng sẽ cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu cho các nhà ở, hộ gia đình và thực hiện theo dõi, giám sát hàng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM đã lên sẵn kịch bản sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO