Tin kinh tế ngày 3/9: Việt Nam chưa có quy định về ethylene oxide trong thực phẩm

PV| 03/09/2021 09:36

Học sinh chuẩn bị khai giảng và học online nhưng không mua được máy tính; Việt Nam chưa có quy định về ethylene oxide trong thực phẩm; ngân hàng cảnh báo lừa đảo trên mạng; thị trường nhà phố đang lao dốc..

Tin kinh tế ngày 3/9: Việt Nam chưa có quy định về ethylene oxide trong thực phẩm

Niên học tới sắp khai giảng online nhưng nhiều gia đình không mua được máy tính cho con

Học sinh học online nhưng không mua được máy tính 

Niên học mới sẽ khai giảng online vào ngày 6/9 nhưng nhiều gia đình ở TP.HCM đang không mua được máy tính cho con vì các cửa hàng cung ứng máy tính đều đóng cửa. Nhiều phụ huynh đặt hàng trên mạng nhưng chỗ nào cũng hẹn hết dịch mới giao. Loại máy tính trên dưới 10 triệu đồng đang khó kiếm vì nhu cầu lớn, các cửa hàng đòi phải đặt cọc trước.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, bậc tiểu học có hơn 57.000 học sinh/tổng số hơn 600.000 học sinh (từ lớp 1 đến lớp 5) không có điều kiện học tập trên Internet. Với bậc trung học, trong tổng số gần 700.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, có hơn 17.000 học sinh không có thiết bị, không có đường truyền Internet để học online; hơn 5.000 học sinh có máy tính hoặc smartphone nhưng lại không có Internet.

Ngoài ra, TP.HCM vẫn còn hơn 8.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 không thể học online trong thời gian này vì nhiều lý do, như đang là F0 hoặc cả gia đình là F0, đang điều trị ở bệnh viện, gia đình đông anh em nhưng chỉ có 1 máy tính hoặc 1 điện thoại thông minh, thiết bị hư chưa sửa được do giãn cách...

3-9-kinh-te-2-jpeg-2843-1630677407.jpg

Bộ Công thương đang hoàn thiện báo cáo gửi Chính phủ về vụ việc mì Hảo Hảo và đề xuất biện pháp quản lý 

Việt Nam chưa có quy định về ethylene oxide trong thực phẩm

Bộ Công thương đang hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu của Chính phủ (thời hạn trước ngày 7/9) liên quan đến thông tin Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) thông báo thu hồi một số lô mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất vì có chứa chất ethylene oxide (EO). Đây là chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở Liên minh châu Âu (EU).

Theo đó, biện pháp trước mắt sẽ kiểm tra, kiểm soát quy trình sản xuất, bảo đảm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn hiện hành cho từng sản phẩm tiêu thụ ở mỗi nước.

Với thị trường Việt Nam, do Nhà nước chưa có quy định cho phép hay cấm sử dụng hợp chất EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm, nên về dài hạn phải tiến hành các nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng, bài bản để có cơ sở ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể cho quản lý.

Thời gian qua một số sản phẩm của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng EO khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, như mì khô, gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt…

Theo dữ liệu của RASFF, các quốc gia châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến EO. Các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan (208), Đức (90), Bỉ (79), Tây Ban Nha (49), Pháp (30) và Ý (28).

3-9-Kinh-te-1-1537-1630677407.jpg

Email giả mạo gửi đến công đoàn cơ sở một doanh nghiệp. Ảnh: VPBank

Ngân hàng cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tiền mùa dịch

Một số ngân hàng vừa đưa ra cảnh báo bọn lừa đảo đang lừa người dân đăng nhập vào link nhận gói hỗ trợ và cung cấp thông tin, sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, đối tượng lừa đảo mạo danh ngân hàng gửi email thông báo cung cấp gói hỗ trợ và yêu cầu khách hàng truy cập đường link để nhận gói hỗ trợ. Khi đăng nhập đường link trên sẽ dẫn tới website giả mạo trang đăng nhập dịch vụ ngân hàng điện tử, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ.

Vietcombank khẳng định không bao giờ liên hệ với khách hàng để yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ dưới mọi hình thức. Mọi yêu cầu cung cấp thông tin định danh, mật khẩu, mã xác thực OTP (nếu có) đều là giả mạo.

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đưa ra lời cảnh báo tới khách hàng. Cụ thể, một số kẻ gian giả mạo email của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam với nội dung "Công đoàn hỗ trợ tiền mặt cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19". Email này để nghị người nhận là "cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp điền đầy đủ thông tin theo đường link có sẵn".

Khi người dùng cung cấp các thông tin tài khoản cá nhân, hoặc click vào các đường link có chứa mã độc, kẻ gian sẽ xâm nhập hệ thống mạng doanh nghiệp và đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Một hình thức lừa khác là giả mạo tin nhắn và website của Bộ Y tế. Theo đó, tin nhắn giả mạo với nội dung hướng dẫn hoàn tất thủ tục đăng ký xin trợ cấp kèm theo đường link dẫn đến website có giao diện giống website của Bộ Y tế. Tại đây, ở thao tác bấm thủ tục "đăng ký xin trợ cấp", người dùng sẽ phải cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng (username, password, OTP)... Nếu người dùng làm theo hướng dẫn, kẻ gian sẽ đánh cắp toàn bộ thông tin nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Thậm chí, một số kẻ lừa khách hàng cung cấp giấy tờ tùy thân để nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng thực chất là làm hợp đồng tín dụng/vay tiền của các công ty tài chính.

Đối tượng mà kẻ gian nhắm tới là những người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị mất việc làm trong mùa dịch, nơi không có điều kiện tiếp cận thông tin kịp thời. 

Các ngân hàng khuyến cáo, dưới bất kỳ hình thức nào, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin như tên truy cập, mật khẩu đăng ký Internet Banking/Mobile Banking và mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là công an, cán bộ Tòa án, Bộ Y tế, nhân viên ngân hàng... Nếu nhận được yêu cầu cung cấp thông tin theo hình thức như trên, khách hàng liên hệ với số tổng đài của ngân hàng hoặc thông báo cho Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC).

3-9-kinh-te-3-8777-1630677407.jpg

Nhà phố treo biển cho thuê tại khu trung tâm quận 1, TP HCM. Ảnh: VNE

Thị trường nhà phố cho thuê lao dốc

Công ty Propzy vừa công bố báo cáo tỷ suất sinh lời của nhà phố lẻ (gồm nhà hẻm và nhà mặt tiền) tại TP HCM có xu hướng sụt giảm. Trong 6 tháng đầu năm nay, đa số các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM có tỷ suất sinh lời kém xa so với năm 2020, trong đó quận 1, khu vực "đất vàng" giảm mạnh nhất.

Tỷ suất sinh lời được tính dựa trên thu nhập cho thuê nhà trong một năm chia cho giá trị căn nhà trong cùng khoảng thời gian. Ví dụ, bất động sản có giá trị 10 tỷ đồng, cho thuê nguyên căn được 25 triệu đồng một tháng (tương đương 300 triệu đồng một năm) sẽ có tỷ suất sinh lời là 3%.

Cụ thể, nhà phố riêng lẻ quận 1 có tỷ suất sinh lời những tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 2,7%, giảm mạnh so với mức 3,5% của cùng kỳ năm 2020. Thậm chí, tỷ suất sinh lời nhà phố lẻ tại quận 1 nằm gần cuối bảng, không hơn mấy so với quận 12, Bình Tân, Tân Phú (lần lượt có tỷ suất sinh lời nhà phố 2,6-2,5%).

Quận 4 hiện có tỷ suất sinh lời của nhà phố lẻ cao nhất TP HCM, đạt 3,5% nhưng chỉ số này cũng kém so với mốc 4% trong năm 2020. Tỷ suất sinh lời nhà phố cho thuê ở các quận 3, 10, Phú Nhuận cũng thấp hơn 0,2-0,5% so với năm ngoái.

Được xem là điểm sáng của trục đô thị phía Đông Sài Gòn, tỷ suất sinh lời nhà phố tại TP Thủ Đức gồm quận 2, 9, Thủ Đức dao động trong ngưỡng 2,7-3%.

Còn báo cáo của trang Batdongsan về tỷ suất sinh lời của tài sản cho thuê trên các sàn online tại TP HCM cho biết, biến động tỷ suất lợi nhuận cho thuê nhà chung cư hàng năm tại thị trường TP.HCM hiện chỉ đạt 4%, lần lượt thấp hơn mức 4,5% hồi năm 2020 và kém hơn mức 5,2% hồi năm 2019. Căn hộ cao cấp với suất đầu tư lớn nhưng hiệu suất lợi nhuận cho thuê chỉ đạt 3,7%, thấp hơn tỷ suất sinh lời bình quân của thị trường chung cư.

Đối với phân khúc nhà phố, dù giá bán gấp 2-3 lần căn hộ, song tỷ suất sinh lời từ việc khai thác cho thuê thậm chí đã hạ xuống dưới 2%. Nhà phố tại quận 2 có tỷ suất sinh lời cho thuê chỉ đạt 1,9%. Còn nhà phố tại các quận Tân Phú, quận 9, Bình Thạnh và quận 7 có tỷ suất sinh lời cho thuê dao động từ 2,3-2,7%.

Các chuyên gia dự báo tỷ suất lợi nhuận cho thuê sẽ tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tin kinh tế ngày 3/9: Việt Nam chưa có quy định về ethylene oxide trong thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO