Tín hiệu xuất khẩu mới sang thị trường Trung Quốc

28/06/2009 06:38

Trong đó, sản lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng có xu hướng tăng nhanh trong tháng 5 và hai tuần đầu tháng 6.

Tín hiệu xuất khẩu mới sang thị trường Trung Quốc

Trong đó, sản lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng có xu hướng tăng nhanh trong tháng 5 và hai tuần đầu tháng 6. Mặc dù gần đây, một số sản phẩm của Việt Nam (cao su, hải sản, hoa quả...) xuất sang thị trường Trung Quốc (TQ) gặp nhiều khó khăn bởi suy thoái kinh tế, kiểm dịch, o ép giá..., nhưng qua những con số thống kê, cho thấy cửa ngõ này có nhiều hy vọng.

Trong năm tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu sang thị trường TQ ước chỉ đạt 1,6 tỉ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2008 nhưng cũng vẫn chiếm 13,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong đó, sản lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng có xu hướng tăng nhanh trong tháng 5 và hai tuần đầu tháng 6.

Điển hình, cao su xuất khẩu sang TQ nửa cuối tháng 5 và tuần đầu tháng 6 là 20 tấn, trị giá 24,2 triệu USD tăng 170% về sản lượng và 119% về kim ngạch so với nửa đầu tháng 5/2009 do nhu cầu về mặt hàng này đang tăng nhanh ở TQ bởi các đối thủ cạnh tranh với Việt Nam là Thái Lan và Indonesia ngưng trệ khai thác mủ cao su do lũ lụt.

Hạt điều xuất sang TQ trong năm tháng đầu năm đạt trên 13 ngàn tấn, tăng 21% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang TQ, theo bộ Công thương, đã tăng trở lại từ giữa tháng 5 đến nay và có khả năng duy trì đến giữa tháng 7.2009.

Trong tuần đầu của tháng 6.2009, đã có hàng chục doanh nghiệp, thương nhân TQ sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội nhập khẩu các hàng hoá thứ phẩm như mai mực, hạt lép của lạc, đỗ, ngô, thóc, vỏ tôm ghẹ, trai biển, phế liệu (sắt thép, nhôm, đồng vụn, cao su vụn...) qua cửa khẩu Móng Cái.

Một số chuyên gia thương mại khuyến cáo, do nhu cầu nhập các mặt hàng này của TQ là lớn nên các doanh nghiệp Việt Nam nên tổ chức thu gom, tạo nguồn hàng đủ lớn sẽ có hiệu quả.

Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hoá qua TQ cũng đang đối diện với những khó khăn mới. Đáng chú ý nhất là từ 1.6.2009, luật An toàn thực phẩm của TQ đã có hiệu lực và trên thực tế, các cơ quan hữu quan TQ đang quyết liệt kiểm tra chất lượng, độ an toàn về vệ sinh thực phẩm, hàng hoá nhập khẩu nên khá nhiều lô hàng như thuỷ hải sản, hoa quả... của Việt Nam đã có hiện tượng bị ách tắc tại cửa khẩu Đông Hưng và Móng Cái (Quảng Ninh).

Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng hàng, tự kiểm tra, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của TQ nếu không muốn hàng hoá bị trả về hoặc bị tiêu huỷ.

Một khó khăn khác là sự gia tăng cạnh tranh từ các nước cùng xuất khẩu sang TQ nhất là các nước trong khu vực ASEAN. Ví dụ như cao su, TQ vẫn đánh giá Thái Lan là nguồn nhập quan trọng do mủ cao su của Thái Lan có chất lượng tốt và doanh nghiệp Thái giao hàng rất nhanh. TQ và Thái Lan đang chuẩn bị cho dự án liên doanh trồng và chế biến cao su tại đông và đông bắc Thái Lan.

Cho dù còn nhiều khó khăn nhưng TQ là một thị trường không thể bỏ qua với các doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ vì quy mô của thị trường, sự gần gũi về địa lý mà nhu cầu của thị trường này là khá lớn với nhiều sản phẩm của Việt Nam do nước này khan hiếm: hải sản, cao su, hoa quả nhiệt đới...

Cái yếu của doanh nghiệp Việt Nam theo một số chuyên gia, là sự thiếu nhạy bén trong việc nắm bắt thông tin, chính sách của TQ, thiếu quan tâm đến xây dựng thương hiệu... Trong khi đó, Nhà nước lại chưa hỗ trợ tốt cho hoạt động xuất khẩu.

Từ 1/7/2009, 5 loại trái cây gồm vải, nhãn, thanh long, dưa hấu và chuối của nước ta khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc phải có giấy chứng nhận xuất xứ.

Do vậy, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần tuân thủ đúng các quy định để hàng hóa không bị ách tắc khi xuất khẩu. Quy định về xuất xứ hàng nông sản (gồm: vườn trồng, trang trại, cơ sở đóng gói…) được thực hiện dựa trên thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Quốc.

Theo đó, trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc và từ Trung Quốc vào Việt Nam phải có chứng nhận xuất xứ. Đây thực chất là tiêu chuẩn Viet GAP và Global GAP (chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc) mà thế giới đang áp dụng phổ biến.

Trước tình hình này, đại diện một số cơ quan chức năng đã có ý kiến, cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là các DN cần tuân thủ quy định để tránh tình trạng hàng hóa bị ách tắc khi xuất khẩu.

Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: Đây là quy định của cả 2 phía và bước 1 chúng ta mới chỉ thực hiện việc thống kê, báo cáo vùng sản xuất cho phía Trung Quốc.

Trung Quốc yêu cầu đăng ký thông tin với 5 loại trái cây trên là bình thường. Các DN Việt Nam cần tuân thủ đúng các quy định của Trung Quốc để tránh việc ách tắc hàng hoá khi xuất khẩu. Phía Trung Quốc cũng không tạo khó khăn nào trong buôn bán với Việt Nam, song các DN Việt Nam cũng cần thay đổi phương thức buôn bán với Trung Quốc, bằng cách chuyên nghiệp hoá, có hợp đồng, hoá đơn, chứng từ.

Hàng hoá phải có xuất xứ, nguồn gốc và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời cần bỏ thói quen cho Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hàng hoá rẻ, chất lượng thấp. Trung Quốc đang thay đổi chính sách nhập khẩu của mình theo hướng nâng cao chất lượng các sản phẩm. Nếu đáp ứng tốt nhu cầu này, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ ít bị ảnh hưởng.

Bộ Công Thương đã lập Tổ công tác để phổ biến cho DN và nhằm tháo gỡ khó khăn khi DN Việt Nam xuất khẩu các loại hoa quả nói trên vào Trung Quốc. Có thể bước đầu quy định này sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu hoa quả của Việt Nam, nhưng về lâu dài sẽ tạo sự bài bản, thuận lợi cho buôn bán giữa hai nước.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), đến ngày 8/6 mới có 29/63 tỉnh, thành trên cả nước gửi báo cáo thông báo về tình hình sản xuất, diện tích và đăng ký nguồn gốc xuất xứ, đóng bao gói về Cục Trồng trọt (đơn vị tiếp nhận đăng ký 5 loại hàng nông sản trên).

Ngày 25/5/2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 1382/BNN-QLCL về việc xuất khẩu sắn và 5 loại trái cây sang Trung Quốc. Đối với các sản phẩm trái cây, hai bên cam kết: Phía Trung Quốc cung cấp danh sách các trang trại, vườn trồng và cơ sở bao gói tất cả các loại trái cây của Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam; phía Việt Nam cung cấp danh sách các trang trại, vườn trồng và cơ sở bao gói 5 loại trái cây (thanh long, vải, chuối, dưa hấu và nhãn) của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc; thời hạn để các bên cung cấp cho nhau danh sách là trước ngày 1/7/2009.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tín hiệu xuất khẩu mới sang thị trường Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO