Tìm lời giải “căn cơ” cho mô hình kinh tế

26/05/2010 04:05

Ngày 24/5, Quốc hội bước sang tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 7 với nhiệm vụ trọng tâm là công tác xây dựng pháp luật.

Tìm lời giải “căn cơ” cho mô hình kinh tế

Ngày 24/5, Quốc hội bước sang tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 7 với nhiệm vụ trọng tâm là công tác xây dựng pháp luật. Theo chương trình nghị sự, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về 7 dự án luật: Thi hành án hình sự, Trọng tài thương mại, Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Thuế nhà đất, Nuôi con nuôi, Bưu chính, Người khuyết tật.

Trước đó, một “siêu dự án” về đường sắt cao tốc với số vốn chiếm 50% GDP một năm của đất nước trở thành vấn đề nóng của diễn đàn Quốc hội. Ngoài lo ngại vì số tiền quá lớn, không ít đại biểu còn băn khoăn về giấc mơ tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới với 1.570km, nhưng lại chỉ có 364km đi trên mặt đất: vừa không hiện thực, vừa để lại gánh nặng nợ nần cho những thế hệ mai sau.

Đại biểu Lê Thu Ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Câu chuyện về tuyến đường sắt “đại dự án” cũng làm tăng thêm những nỗi lo khác về tình hình kinh tế VN trong phiên họp Quốc hội. Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Du Lịch phát biểu, bất ổn của kinh tế VN xuất phát từ mô hình tăng trưởng kinh tế, với thâm hụt thương mại lớn triền miên, càng xuất khẩu càng tăng nhập khẩu, nhập siêu.

"Năm ngoái, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ đưa ra đề án chuyển đổi mô hình kinh tế để có thể giải quyết vấn đề này. Cái doanh nghiệp cần là định hướng kinh tế rõ ràng để họ chuyển hướng đi theo. Với một nền kinh tế thiên về gia công như hiện nay, chúng ta chỉ có thể ổn định vĩ mô thành công một cách nhất thời, không thể giải quyết các nguyên nhân sâu xa, trừ phi phải tái cấu trúc nền kinh tế", ông Lịch nhấn mạnh.

Ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch cũng là nỗi lo chung về mô hình kinh tế đang áp dụng. Nhiều ý kiến khác cũng chỉ ra nhiều vấn đề chưa có lời giải cho thật căn cơ: tăng trưởng dựa trên tăng vốn nên đời sống không được cải thiện tương xứng; lạm phát cao, bội chi lớn, nợ nần tăng, môi trường đang ngày càng trở nên ô nhiễm trầm trọng; cổ phần hóa làm thất thoát tài sản nhà nước trầm trọng, hay kiểm soát giá cả khó khăn...

Chắc chắn, những yếu kém này sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010. Theo đánh giá chung, để phát triển bền vững trong trung và dài hạn, Việt Nam vẫn cần tiếp tục giải quyết các vấn đề về cơ cấu như tính hiệu quả của nền kinh tế qua hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP), nhất là khi VN đang chuẩn bị khởi động một loạt các dự án lớn, quan trọng của quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm lời giải “căn cơ” cho mô hình kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO