Tiếp cận FDI theo hướng mới

NGUYỄN HOÀNG| 18/07/2018 07:54

Một cách tiếp cận mới ở cấp quốc gia về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm kiếm trong bối cảnh dòng vốn này trên thế giới tăng trưởng chậm lại.

Tiếp cận FDI theo hướng mới

Dẫn chứng trường hợp Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), bà Lê Bích Loan - Phó ban Quản lý SHTP cho biết: "Chúng tôi có thể đáp ứng các điều kiện của nhà đầu tư nên đến nay 10 thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới đã có mặt tại SHTP. Tính đến tháng 6/2018, tổng số dự án thu hút vào SHTP là 146, tổng vốn đầu tư 7,147 tỷ USD, trong đó 53 dự án FDI chiếm 2/3 tổng vốn đầu tư vào khu công nghệ. Hầu hết dự án đến từ Mỹ, một số nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore".

Tuy nhiên, Phó ban Quản lý SHTP thừa nhận "không đơn giản để xúc tiến đầu tư thành công các dự án công nghệ cao". Bởi thu hút FDI vào khu công nghệ cao có đặc thù riêng. "Chúng tôi cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới, không cạnh tranh với các tỉnh - thành hay khu công nghiệp trong nước để thu hút đầu tư”, bà Loan nói.

Chính sách mở cửa đầu tư và thương mại đã mang lại sự gia tăng các dòng vốn FDI, tạo thêm nhiều việc làm và đa dạng hóa hàng hóa xuất khẩu. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - GS-TS. Nguyễn Mại cho rằng, việc tăng thêm 10%, khoảng 18 - 19 tỷ USD vốn FDI trong năm 2018 là có thể được. Tuy nhiên, phải thay đổi cơ bản định hướng thu hút FDI, bởi cách xúc tiến đầu tư hiện nay không mang lại hiệu quả, thậm chí gây lãng phí về tài chính.

Link bài viết

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2017, Nhật Bản là nước có vốn FDI lớn nhất vào Việt Nam với 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn FDI. Tuy nhiên, Hà Nội và TP.HCM vẫn chưa tiếp cận được nguồn đầu tư công nghệ tương lai, như Big Data, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như các ngành công nghiệp tự động hóa.

Theo GS. Nguyễn Mại, có thể chưa thực hiện trên cả nước, nhưng ít nhất Hà Nội và TP.HCM - 2 địa phương có điều kiện tốt nhất phải có kế hoạch thu hút đầu tư theo hướng tiếp cận công nghiệp 4.0. Việc làm thế nào để kéo thêm nhiều nhà đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại đến từ Nhật Bản, Mỹ, EU vào các địa phương cũng rất quan trọng.

Sau gần 20 năm hoạt động, SHTP đang có nhiều yếu tố tạo ra sự thành công, đó là vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng, viễn thông, cơ chế, chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp và mạng lưới liên kết khá tốt. Tuy nhiên, việc tháo gỡ các nút thắt về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư công nghệ cao còn khá nan giải. Chẳng hạn đối với điện, ngoài yêu cầu đáp ứng đủ điện 24/7, các nhà đầu tư còn quan tâm đến chất lượng đường truyền. Đòi hỏi rất cao của các nhà đầu tư cũng là lời giải thích vì sao đến nay Việt Nam mới chỉ có 3 khu công nghệ quốc gia.

SHTP muốn tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, tự động hóa, công nghệ sinh học trong dược phẩm và vật liệu mới, như công nghệ nano, năng lượng mới. Trước nhiều cái khó, SHTP đã bắt đầu với việc xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư trong dài hạn cũng như kế hoạch hằng năm. Thế nhưng đó mới chỉ là yếu tố cần, chưa đủ để thu hút được FDI công nghệ cao - lĩnh vực đòi hỏi sự am hiểu công nghệ, thương hiệu, hệ sinh thái.

Phó ban Quản lý SHTP cho biết, trong chiến lược khai thác đầu tư, SHTP xác định đối tượng thu hút đầu tư là những tập đoàn công nghệ nằm trong danh sách Fortune 500 thuộc 4 lĩnh vực ưu tiên. "Chúng tôi chọn những tập đoàn lớn trên thế giới, tìm hiểu chiến lược kinh doanh và xem xét khả năng đầu tư vào Việt Nam của họ để có kế hoạch xúc tiến cụ thể. Bởi sự xuất hiện của các tập đoàn lớn sẽ kéo theo những giá trị cộng thêm khác", bà Loan chia sẻ.

Đến nay, sản lượng công nghiệp công nghệ cao của SHTP đang tăng nhanh. Ước tính cứ 1 đồng vốn đầu tư công nghệ cao sẽ kích thích 21 đồng vốn khác đầu tư vào các lĩnh vực này. Dự kiến con số này sẽ còn tăng trong những năm tới khi Việt Nam có được chuỗi giá trị gia tăng cao, với môi trường thuận lợi cho nghiên cứu và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiếp cận FDI theo hướng mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO