![]() |
Sáng 29/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.
Muôn mặt phản ánh
Phát biểu tại hội nghị, đại diện cộng đồng doanh nghiệp (DN), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc báo cáo tình hình hoạt động của DN. Cụ thể, gần đây số lượng DN ngưng hoạt động có chiều hướng gia tăng. Trong quý I/2016, có gần 80.000 DN ngưng hoạt động, 42% DN hoạt động có lãi, còn 58% là thua lỗ. Đây là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả hoạt động của DN chưa cao.
Với mục tiêu hướng đến có hơn 2 triệu DN hoạt động đến năm 2020, VCCI đề nghị rà soát và quyết định loại bỏ những quy định rườm rà, lỗi thời. Bên cạnh đó, hiện nay các DN vay ngân hàng với lãi suất 8% trong khi lạm phát chỉ hơn 1%, cho thấy các DN đang phải gánh mức lãi suất thực rất cao và bất hợp lý. Đại diện VCCI kiến nghị Chính phủ giảm lãi suất 1-2% trong thời gian tới để hỗ trợ DN.
Tiếp theo, Chính phủ cần đẩy mạnh giảm thuế và phí, miễn thuế môn bài cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để bớt giảm bớt khó khăn và tăng nội lực hội nhập cho DN. Theo Chủ tịch VCCI, nếu có chiến lược và chính sách hợp lý thì Việt Nam sẽ có 1,5-2 triệu DN trước năm 2020.
Tham dự Hội nghị, đại diện Hiệp hội DN Hoa Kỳ (Amcham) đề nghị một số nội dung: Việt Nam sớm phê chuẩn Hiệp định TPP; đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính; áp dụng các giải pháp giảm thiểu giấy tờ trong các giao dịch hành chính, tiền tệ; áp dụng các chuẩn mực toàn cầu về kế toán; mong muốn sẽ được hợp tác thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghiệp, công nghiệp…
Liên quan đến môi trường, đại diện Amcham mong muốn tiếp tục hợp tác với Chính phủ xử lý những vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước, xử lý các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long… Đồng thời Amcham mong muốn Chính phủ sẽ ưu tiên phát triển các hình thức sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả…
Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Ngân hàng BIDV nhận định, để hoàn thành mục tiêu GDP tăng 6,7% đã đặt ra, trước hết Việt Nam phải tuân thủ Hiến pháp và tuân thủ thông lệ quốc tế, các FTA đã ký kết thì phải đáp ứng.
Ông Hà kiến nghị dưới luật thì chỉ nên có nghị định chứ không nên có thông tư. Chính thông tư đã đẻ ra nhiều giấy phép con gây nhũng nhiễu, khó khăn cho DN và người dân.
Ngoài ra, Luật Phá sản ban hành năm 2004 nhưng đến nay chỉ có 336 đơn vị được giải quyết phá sản là quá ít. Ông cũng cho rằng, trên thực tế, đăng ký thuế hải quan bằng điện tử là tốt nhưng trong triển khai thì cần phải xem lại, vì đâu đó vẫn còn phàn nàn của DN về vấn đề này. Ngoài ra, ông đề xuất nên phát triển nhiều tập đoàn kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân lớn để dẫn dắt nền kinh tế...
Chủ tịch BIDV cũng cho rằng, Chính phủ đã có chủ trương giảm chi tiêu công nên đề nghị giảm phát hành trái phiếu Chính phủ 10% (hiện hơn 85% trái phiếu chính phủ là do ngân hàng thương mại mua).
Liên quan đến xử lý nợ xấu, ông Hà nói rằng chờ hơn 3 năm không có nghi định tạo lập thị trường mua bán nợ, đề nghị Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo xử lý.
Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam thông tin, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ thông tin (CNNT), phần mềm, nông nghiệp…, vì đây là những lĩnh vực được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm.
Ông đề nghị Chính phủ Việt Nam cần tập trung phát triển nguồn nhân lực CNTT, phần mềm,… đưa đào tạo kỹ năng CNTT vào chương trình giáo dục phổ thông, và DN Nhật mong muốn được hợp tác phát triển trong lĩnh vực này.
Ông nhận định, nông nghiệp là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh với nhiều sản phẩm phong phú và sẽ được hưởng lợi rất nhiều nếu đẩy mạnh áp dụng công nghệ, mở rộng thị trường và DN Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với DN Việt Nam để cùng phát triển nông nghiệp.
Đại diện DN Nhật Bản cũng kiến nghị Nhà nước Việt Nam xem xét điều chỉnh một số quy định liên quan đến pháp luật về đầu tư, thời gian làm thêm giờ, quy định về nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng, quy định về thông quan, xin phép cấp giấy chứng nhận đầu tư... cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đại diện Công ty Vinamilk, bà Mai Kiều Liên góp ý về thủ tục đăng ký kinh doanh nên mở nhiều phòng đăng ký vì hiện nay tại TP.HCM mới có một phòng; nên giảm thủ tục đăng ký kinh doanh, các giấy phép con để đúng với Luật doanh nghiệp. Ngoài ra, hạn chế tình trạng ban hành các thông tư, quy định để đẻ ra giấy phép con; hạn chế sự chồng chéo giữa các cơ quan để tránh gây phiền hà cho DN.
Về cơ chế chính sách, thông tư, nghị định nào phù hợp thì không nên thay đổi để tránh bất ổn và gây tăng chi phí. Tổng giám đốc Vinamilk đề nghị các cơ quan chức năng cần "xem DN là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý".
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết ngành dệt may đang đứng trước nhiều thách thức với nhiều đơn vị phải đóng cửa. Ông đưa ra những kiến nghị như Chính phủ cần điều chỉnh lại quy hoạch ngành đến 2020 vì không còn phù hợp; Bộ Công Thương quy hoạch các khu tập trung để xử lý nước thải; Bộ Tài nguyên và Môi trường không nhất thiết phải áp dụng chung một chuẩn, bởi có một số doanh nghiệp quy mô rất nhỏ với vài trăm lao động nhưng cũng bị bắt buộc phải đầu tư một nhà máy xử lý nước thải hàng tỷ đồng là không hợp lý và gây khó khăn.
Lương với thưởng cũng là áp lực lớn với ngành dệt may. Đại diện ngành này cho biết Trung Quốc đã điều chỉnh bảo hiểm xã hội từ 20% xuống 19%, thì Việt Nam cũng cần xem xét hạ tỷ lệ bảo hiểm xuống tầm 18% để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông cũng bày tỏ bất cập về khâu kiểm tra từ hải quan khi một miếng vải mẫu 5m chuyển từ nước ngoài về cũng phải kiểm theo Thông tư 37 hàng chục lần mới xong, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vị này cũng bày tỏ bức xúc thay cho doanh nghiệp khi một năm có hàng chục bộ ngành, cơ quan đến kiểm tra...
Đa dạng giải pháp
Sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện các hiệp hội, DN tham gia hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cam kết sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt trong triển khai thực thi những tư tưởng đổi mới rất mạnh mẽ thể hiện trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; áp dụng triệt để, nhất quán tinh thần của Hiến pháp 2013 về tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đảm báo thực hiện đúng quan điểm “người dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm”.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ sớm hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có giải pháp hỗ trợ thiết thực cho DN, đặc biệt là DN thuộc khu vực tư nhân.
Trước thắc mắc liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh sẽ cố gắng đơn giản hóa thủ tục hành chính bảo đảm thông thoáng. Bộ trưởng cam kết, trong năm 2016, Bộ Công Thương sẽ đưa 52 dịch vụ hành chính công lên cấp độ 3-4 để người dân có thể dễ dàng đăng ký kinh doanh qua mạng.
Về hội nhập, trong năm 2016, Bộ Công Thương sẽ tổ chức lại các chương trình giới thiệu, cung cấp thông tin để các doanh nhân, người dân có điều kiện nắm bắt kịp thời các cơ hội từ đó có chiến lược cạnh tranh, khai thác hiệu quả cơ hội việc hội nhập mang lại.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, sắp tới sẽ chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Đồng thời tiếp tục cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự; bảo đảm an ninh kinh tế, đẩy mạnh cung cấp thông tin cho DN khi lựa chọn đối tác đầu tư; tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với tội phạm kinh tế nhất là đối tượng buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.
Bộ tập trung đấu tranh tội phạm hình sự gây mất an toàn kinh doanh. Bộ trưởng Công an khẳng định không có khái niệm và chủ trương hình sự hóa. Tuy nhiên, còn tình trạng một số cán bộ do thoái hóa biến hất, không nắm vững pháp luật, không thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ… nên có hành vi vi phạm pháp luật, để xảy ra oan sai, ảnh hưởng tới DN và người dân.
Kết thúc phiên làm việc buổi sáng của Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chính phủ và Bộ Công an không chủ trương hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Hoạt động của lực lượng công an là để phục vụ phát triển, phục vụ DN. Bên cạnh đó, tất cả những vi phạm pháp luật dù là của cá nhân, DN hay của cán bộ, chiến sĩ cũng sẽ được xử lý nghiêm minh".
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục làm việc với các bộ ngành, địa phương để bàn cách xử lý, giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp chưa được trả lời tại Hội nghị. Sau Hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.
>Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh: Kịp thời lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, tư duy nhanh, giải quyết gọn
>Bí thư Thành ủy TP.HCM: “Phải phục vụ doanh nghiệp vô điều kiện”
>Bí thư Thành ủy TP.HCM gỡ vướng cho doanh nghiệp FDI