Thu hút vốn phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Nguyễn Loan| 17/02/2020 09:00

Theo GS-TS. Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, sự phát triển kinh tế hài hòa, đồng bộ giữa các tỉnh - thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (VKTTĐPN) lấy TP.HCM làm trung tâm sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp cho toàn khu vực.

Thu hút vốn phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Ở góc độ pháp lý, vùng cần được áp dụng pháp luật ngân sách nhà nước phù hợp trong việc tạo lập, phân phối, sử dụng nguồn vốn cho mục tiêu phát triển theo hướng định hình các cụm khu vực hơn là phát triển các địa phương đơn lẻ.

Yêu cầu này đặt ra vấn đề cần có chính sách khơi thông các nguồn vốn, dòng vốn đầu tư nước ngoài, tăng cường huy động vốn trong dân, phục vụ sản xuất, kinh doanh, đem lại lợi ích công bằng, hợp lý cho tập thể, cá nhân và xã hội. 

Động lực phát triển

Nguồn vốn phục vụ đầu tư và phát triển VKTTĐPN, bao gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, TP.HCM, được xác định từ ngân sách nhà nước, từ tổ chức, cá nhân, kể cả kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài, vốn hỗ trợ chính thức (ODA). Nguồn vốn phục vụ đầu tư và phát triển được xác lập một phần từ nguồn thu thường xuyên, còn lại chủ yếu từ vốn vay.

Theo cơ chế phân bổ ngân sách thực hiện các chương trình, công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, liên doanh, liên kết và các khoản chi khác phải theo quy định của pháp luật. Nguồn thu thường xuyên (thuế, phí) chủ yếu phục vụ các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước.

Do đó, vốn ngân sách cho TP.HCM và các tỉnh VKTTĐPN được phê chuẩn tại Quyết định 252/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 13/2/2014 về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội VKTTĐPN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.  

Vốn ODA, về bản chất là các khoản vay của Chính phủ nên được xác định là khoản nợ của ngân sách nhà nước và cũng chỉ được dùng phân bổ cho các chương trình đầu tư và phát triển. Mặc dù TP.HCM đang là địa phương tiếp nhận, sử dụng vốn ODA nhiều và hiệu quả nhất, nhưng đặt trong quan hệ phát triển VKTTĐPN, cần phải liên kết các công trình trong vùng sử dụng nguồn vốn này (TP.HCM là đầu mối điều phối, kết nối). Đồng thời, phân bổ vốn ODA cũng phải dựa trên cơ chế tổng thể vùng chứ không xác định riêng cho từng địa phương. 

Riêng nguồn vốn đến từ các chủ thể đầu tư (doanh nghiệp - DN, cá nhân) có thể tiếp cận theo phương thức đối tác công tư (PPP) phục vụ mục đích đầu tư, phát triển. DN tại VKTTĐPN và DN có vốn đầu tư nước ngoài rất có tiềm năng khai thác PPP. Đây là cơ hội vừa tạo sự đa dạng trong phát triển các ngành kinh tế vừa tạo thêm việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, cần có chính sách xây dựng quy chế thực hiện PPP phù hợp với đặc điểm của vùng và mục tiêu đầu tư, phát triển. Tận dụng dòng vốn đầu tư nước ngoài trong chiến lược phát triển VKTTĐPN bằng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư, nhất là phải bảo đảm quyền sở hữu nguồn vốn, cơ chế thực hiện lưu chuyển vốn đầu tư, chuyển đổi ngoại hối một cách thuận lợi.

Để thu hút nguồn vốn cho vùng, cần phải thiết lập mối liên kết, hỗ trợ từ các địa phương nòng cốt, như TP.HCM, để định chế các chính sách hỗ trợ đầu tư cho DN nước ngoài khi chuyển nhà máy hoặc mở rộng địa bàn kinh doanh đến những tỉnh ít thế mạnh hơn trong vùng.

Link bài viết

Các địa phương cần đẩy mạnh huy động nguồn vốn trong dân, chủ yếu vàng và ngoại tệ để tạo ra lợi nhuận và thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế vùng. Thu hút nguồn vốn này bằng cách thông qua phát hành trái phiếu, sử dụng cơ chế điều hành thị trường vốn trung và dài hạn, đặc biệt gia tăng tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán. Vấn đề mấu chốt đối với kênh huy động vốn này là chính sách ổn định đồng tiền, cơ chế bảo đảm tiền gửi, mở rộng dạng thức tài sản (vàng, ngoại tệ).

Mặt khác, thu hút lượng kiều hối bằng cách mở rộng quyền đầu tư, đảm bảo quyền tài sản cho Việt kiều, từ đó tạo cơ chế thuận lợi chuyển dịch ngoại tệ đồng thời là kênh huy động vốn rất tốt. Với vai trò đầu tàu của VKTTĐPN, TP.HCM cần có các quy chế riêng để khẳng định vai trò trung tâm và xác lập quan hệ tương hỗ, giao thoa trong nhiệm vụ tăng trưởng và phân bổ các nguồn vốn trong vùng. 

Pháp luật ngân sách

Ở góc độ pháp lý, vùng cần được áp dụng pháp luật ngân sách nhà nước phù hợp trong việc tạo lập, phân phối, sử dụng nguồn vốn cho mục tiêu phát triển theo hướng định hình các cụm khu vực hơn là phát triển các địa phương đơn lẻ.

Vì thế, cần lưu ý các vấn đề then chốt sau: Do cơ cấu tổ chức nhà nước đơn nhất, pháp luật ngân sách nhà nước thiết lập hệ thống ngân sách nhà nước gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, ngân sách của các tỉnh, thành trong vùng có sự độc lập một cách tương đối trong quan hệ với ngân sách trung ương và giữa các địa phương, nhưng điều này sẽ phần nào tạo ra sự thiếu liên kết và tương hỗ trong VKTTĐPN. Cần thiết phải có quy chế phối hợp, liên kết trong việc sử dụng ngân sách giữa các địa phương cho các công trình và mục tiêu phát triển chung.

Mặc dù xác định phát triển VKTTĐPN lấy TP.HCM làm trọng tâm, các tỉnh khác làm vệ tinh, nhưng việc phân bổ ngân sách nhà nước vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc và quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.

Điều này đồng nghĩa với việc tăng định mức phân bổ dự toán ngân sách nhà nước cho TP.HCM và các tỉnh trong vùng. Theo dự toán ngân sách nhà nước ba năm gần nhất, hiện có 4 tỉnh đã được nhận 100% khoản thu điều tiết, TP.HCM được phân bổ với tỷ trọng thấp nhất (23%), kế đến là Bình Dương (40%), Bà Rịa - Vũng Tàu (44%), Đồng Nai (51%).

Mục đích của việc tăng mức phân bổ vốn cho TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai để tăng nguồn kinh phí cho việc phối hợp, liên kết nhằm kéo theo các tỉnh vệ tinh chưa thể tự đảm bảo nguồn vốn, tăng cường khả năng tự chủ cho địa phương về nguồn vốn và kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.

Do có sự khác biệt giữa các địa phương trong vùng về vị trí, địa giới, vị thế, dân cư, thổ nhưỡng, nên pháp luật ngân sách cần phân bố các khoản thu bổ sung do nhiệm vụ phân giao có tính đến đặc thù, năng lực, mối quan hệ và mức độ ảnh hưởng giữa các địa phương. 

Xét quan hệ trong hệ thống ngân sách nhà nước đã hình thành thêm dạng thức vùng kinh tế trọng điểm, vì vậy, rất cần xác lập cơ chế phối hợp trong việc phân giao nguồn thu. Chi ngân sách nhà nước cho các địa phương thuộc nhóm VKTTĐPN cần tính đến tương quan và vị trí của TP.HCM trong việc hỗ trợ và chi phối các tỉnh còn lại để phát triển vùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thu hút vốn phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO