Thống đốc NHNN: Nợ xấu nghiêm trọng ở diễn biến

P.V tổng hợp| 13/11/2012 01:38

Khẳng định thực hiện đồng thời 3 mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng và ổn định tỷ giá là bất khả thi, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khiêm tốn cho rằng nếu làm được việc này chỉ xin nhận một nửa giải Nobel.

Thống đốc NHNN: Nợ xấu nghiêm trọng ở diễn biến

Khẳng định thực hiện đồng thời 3 mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng và ổn định tỷ giá là bất khả thi, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khiêm tốn cho rằng nếu làm được việc này chỉ xin nhận một nửa giải Nobel.

Thống đốc: "Tôi là người đầu tiên đặt vấn đề về nợ xấu"

Câu nói đùa của Thống đốc Ngân hàng được xem là một cách hạ nhiệt khôn ngoan cho phiên chất vấn, nơi mà ông trở thành tâm điểm trước sự quan tâm của các đại biểu về việc điều hành tiền tệ và nợ xấu ngân hàng.

Về điều hành chính sách tiền tệ, trong phần trả lời chất vấn vào buổi sáng, Thống đốc cho biết, vừa qua tăng trưởng huy động của ngân hàng khoảng 14%, trong khi tăng trưởng tín dụng mới khoảng 3,36%.

Thống đốc giải trình: Tỷ lệ 14% tăng trưởng huy động vừa nêu vào cỡ 400 nghìn tỉ đồng. Trong số này hệ thống ngân hàng đã mua 183 nghìn tỉ trái phiếu Chính phủ, 80 nghìn tỉ tăng trưởng tín dụng và Ngân hàng Nhà nước rút bớt tiền về vì e ngại lãi suất xuống thấp, cỡ khoảng 30 nghìn tỉ đồng. Cộng các khoản này đã trên 300.000 tỉ đồng. Mặt khác, các ngân hàng thương mại hiện phải dự trữ bắt buộc hơn 50.000 tỉ đồng và khoảng 50.000 tỉ đồng dư thừa chưa cho vay được… Như vậy đã thấy rõ tiền đang đi đâu.

Về nợ xấu, thống đốc Bình cho biết đến 30/9, nợ xấu theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước là 8,82% - gần gấp đôi so với con số "tự kiểm điểm" của các nhà băng.

Đến nay, tổng dư nợ tín dụng theo ông Nguyễn Văn Bình đạt khoảng 2,7 triệu tỷ đồng. 73% số dư nợ này có tài sản đảm bảo và trong đó, hơn 66% được đảm bảo bằng bất động sản.

Trên cơ sở đó, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng để xử lý được nợ xấu cần phải giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm ở thị trường bất động sản - mà phần việc này Bộ Xây dựng có vai trò quan trọng.

Để xảy ra nợ xấu, theo ông, trách nhiệm này trước hết là của các tổ chức tín dụng. "Họ thậm chí phải dùng luôn vốn tự có, vốn điều lệ để đi xóa nợ. Lúc đó, các cổ đông phải chấp nhận bán tài sản để xử lý nợ xấu", ông Bình nói.

Ngoài các nhóm nguyên nhân từ bản thân các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp đi vay vốn, cơ chế chính sách vĩ mô, ông cũng thừa nhận có nhóm nguyên nhân do bộ phận Thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước chưa làm hết khả năng

Hiện tự các ngân hàng đã xử lý được 12.000 tỷ đồng từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

"Riêng trích lập dự phòng rủi ro mới đã tăng 14.000 tỷ. Với nợ xấu theo các tổ chức tín dụng báo cáo là 4,93%, đến nay số đã trích lập được chiếm từ 2,5-3% nợ xấu. Như vậy chúng ta có thể làm cho nợ xấu chững lại, không gia tăng", ông khẳng định.

Tại phiên đăng đàn lần này, ông Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận tính thanh khoản của hệ thống và nền kinh tế "còn hết sức mỏng, bấp bênh".

Năm 2011, tỷ lệ sử dụng vốn huy động được trong hệ thống của nhiều ngân hàng cao hơn 100%, nên thiếu thanh khoản, dễ đổ vỡ. Theo ông Bình, tỷ lệ này năm nay khoảng 93-96% trong khi các nước quốc tế chỉ khoảng 60-70%.

"Trong hơn 100 tổ chức tín dụng Việt Nam, thường xuyên hàng ngày có 50 tổ chức sử dụng vốn vượt đồng vốn họ huy động được. Từ đó tạo ra áp lực với lãi suất rất lớn", ông Bình thừa nhận.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Ngay sau đó, ông Bình vừa nhận được một loạt bình luận, cũng như câu hỏi gai góc từ Tiến sĩ Trần Du Lịch, người được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “đặc cách” mời phát biểu với tư cách là chuyên gia kinh tế, thay vì vai trò thành viên của đoàn đại biểu TP.HCM.

Chăm chú lắng nghe phần chất vấn của Thống đốc từ phiên buổi sáng, đại biểu Trần Du Lịch tỏ ra khá thất vọng khi cho rằng người đứng đầu ngành ngân hàng đang trình bày các vấn đề được cử tri quan tâm theo logic của riêng mình, chứ không phải theo cuộc sống.

Bình luận có phần chua chát của đại biểu Lịch xuất phát từ những nhận định, số liệu về tình hình nợ xấu ngân hàng được Thống đốc đưa ra xuyên suốt phiên chất vấn có vẻ hồng hào quá.

“Thống đốc trả lời cho tôi cũng như các đại biểu khác thì dường như vấn đề không nghiêm trọng như vậy. Vậy, tại sao chúng ta lại đặt vấn đề nghiêm trọng, đặt cả vấn đề lập công ty mua bán nợ, Thống đốc bảo chúng ta không giải quyết được mà cần cả hệ thống chính trị. Thống đốc nói rõ vấn đề có nghiêm trọng không? Có ảnh hưởng đến hệ thống không? Nó ảnh hưởng đến vấn đề hấp thụ vốn nền kinh tế không nếu ta chậm?”, ông hỏi.

Bằng thái độ tự tin, điềm tĩnh, người đứng đầu ngành ngân hàng tái khẳng định rằng ông coi nợ xấu là nghiêm trọng, không phải vì con số nợ, mà vì diễn biến nợ tăng rất nhanh trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, ông Bình cho biết việc giải quyết nợ đang đi đúng hướng nhưng không chỉ phụ thuộc vào bản thân ngành ngân hàng.

Đại biểu Trần Du Lịch, TP.HCM quyết liệt chất vấn Thống đốc

Trở lại với nợ xấu, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất trong phiên chất vấn buổi chiều, với lý luận không mới, người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định với tư cách Thống đốc, ông chỉ chủ động được những công việc của ngành mình. Trong khi việc xử lý nợ xấu là công việc của cả hệ thống.

“Do vậy, với trách nhiệm chính trị, tôi đã nói không thể hứa gì về việc giải quyết nợ xấu”, ông nói.

Phiên chất vấn chiều 13/11 cũng là dịp hiếm hoi Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề cập kỹ về lợi ích nhóm trong ngân hàng, cũng như tác động của nó tới nợ xấu.

Cụ thể, kết quả thanh tra toàn diện 27 tổ chức tín dụng cho thấy ở nhiều nơi, nhóm cổ đông chi phối tại ngân hàng đều có công ty “sân sau”.

“Dư nợ của bản thân ngân hàng tại các công ty này rất cao, có nơi lên tới 90%”. Cũng theo Thống đốc, phần lớn các dư nợ nêu trên “nằm chết” trong bất động sản, vốn đang gặp nhiều khó khăn. Đây chính là nguyên nhân thua lỗ, nợ xấu của các ngân hàng.

Cũng trong phiên chất vấn này, trước một số câu hỏi của các đại biểu liên quan đến việc quản lý thị trường vàng, Thống đốc Bình tiếp tục tỏ rõ thái độ cứng rắn.

Theo đó mặc dù phải chịu sức ép từ nhiều phía, trong đó có cả “những người nhân danh nhân dân”, nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên quyết không cho nhập vàng cũng như để thị trường trong nước liên thông với thế giới.

“Nhiều chủ sàn vàng trước kia cho biết họ căm tôi lắm. Nhưng sau này gặp, họ bảo nếu cho tiếp tục, có lẽ bây giờ họ cũng giống… bầu Kiên”, ông Bình chia sẻ.

Trong hơn nửa ngày làm việc, tổng cộng đã có 17 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và được Thống đốc trực tiếp trả lời. Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, câu hỏi rất phong phú, sâu sắc, còn câu trả lời chi tiết, đầy đủ và thể hiện không khí tranh luận sôi nổi.

Kết thúc phiên chất vấn, vẫn còn 23 đại biểu với hàng chục câu hỏi chờ đến lượt. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Thống đốc trả lời cho đại biểu và báo cáo lại với Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thống đốc NHNN: Nợ xấu nghiêm trọng ở diễn biến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO