Thiệt thòi quyền lợi

VÂN KHÁNH| 08/07/2009 04:42

Theo kết quả khảo sát trong báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tỷ lệ lao động thay đổi công việc, nghỉ việc ở các DN được khảo sát khá cao, chiếm 10% tổng số lao động.

Thiệt thòi quyền lợi

Theo kết quả khảo sát trong báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tỷ lệ lao động thay đổi công việc, nghỉ việc ở các DN được khảo sát khá cao, chiếm 10% tổng số lao động. Ở những DN sản xuất máy móc công nghệ cao, kỹ sư bậc cao, vi tính, truyền thông, mạng... tỷ lệ thay đổi công việc cao nhất, chiếm 28%; kế tiếp các ngành thương mại, dịch vụ 21%; nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du kịch 21%; dầu khí ổn định hơn, chỉ thay đổi 4%. Số người lao động lâu năm ở các DN ĐTNN chiếm tỷ lệ thấp. Phần lớn lực lượng lao động trong các DN này ở độ tuổi trẻ.

TP.HCM sẽ đào tạo, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho người lao động làm việc trong các DN ĐTNN (ảnh chỉ có tính minh họa)

Một điều đáng ghi nhận, với mức thu nhập hấp dẫn cùng những điều kiện làm việc, thăng tiến, các DN ĐTNN đã thu hút lực lượng lao động ưu tú, đã được đào tạo từ các DN khác, trong đó 50% lao động có năng lực, làm việc hiệu quả trong các DN ĐTNN là từ các DN nhà nước chuyển qua.

Mặc dù thu nhập chung trong các DN ĐTNN khá cao, nhưng việc phân bổ thu nhập hiện nay chưa thât sự công bằng. Mức thu nhập giữa người nước ngoài và người VN làm cùng một vị trí ở cùng một ngành nghề có sự chênh lệch khá lớn, đến 5 - 7 lần. Mức thu nhập của công nhân lao động giản đơn cũng chênh lệch lớn so với mức thu nhập của những vị trí quản lý khoảng 4,76 lần. Nhiều cuộc đình công ở DN ĐTNN trong thời gian qua cũng bởi mâu thuẫn về quyền lợi và tiền lương.

Do sự bất cân đối trong quan hệ cung - cầu lao động nên nội dung của hợp đồng lao động thường có lợi cho DN. Kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy vẫn còn nhiều DN vi phạm các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động, như kéo dài thời gian thử việc hoặc chỉ ký hợp đồng ngắn hạn đối với công nhân làm việc thường xuyên, không giao kết hợp đồng lao động nhằm trốn tránh các nghĩa vụ tài chính với nhà nước; hợp đồng không ghi nhận số lương hoặc có ghi nhận nhưng thấp hơn số lương thực lãnh của người lao động để giảm bớt nộp bảo hiểm cho người lao động;...

Trong khu vực ĐTNN cũng xảy ra hiện tượng vi phạm giờ làm việc. Hơn 26% công nhân lao động làm việc quá 8 giờ/ngày và vượt quá 40 giờ/tuần. Ở một số DN, làm việc 12 - 16 giờ/ngày mà không có sự tự nguyện của người lao động, chế độ tiền lương làm thêm giờ chưa thực hiện đúng. Mặc dù điều kiện an toàn lao động và vệ sinh lao động khu vực ĐTNN tốt hơn nhưng trong những ngành nghề như dệt may, da giày, thủy sản, khai thác và chế biến vật liệu xây dựng... thì môi trường lao động còn khắc nghiệt ở một số DN.

Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động cho biết, số người làm việc trong điều kiện có nồng độ bụi chiếm 26,9%, 64,18% DN có độ ồn lớn. Tình trạng không trang bị bảo hộ lao động còn ở nhiều DN ĐTNN. DN lý giải chi phí trang bị các phương tiện bảo hộ lao động được tính vào lương công nhân và công nhân cũng đồng ý với đề xuất này.

Với thực trạng người lao động trong khu vực ĐTNN có nguy cơ mất việc cao, nên theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, nó tạo áp lực lớn cho công tác tái giải quyết việc làm (nhất là đối với những người mất việc ở độ tuổi không còn trẻ) và cân đối quan hệ cung - cầu lao động trên thị trường.

Vì vậy, song song với cải thiện môi trường đầu tư, TP.HCM sẽ đào tạo, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho người lao động và nghiên cứu các giải pháp để ngăn ngừa tình trạng đình công bất hợp pháp, lành mạnh hóa quan hệ lao động trong các DN ĐTNN. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về lao động đối với người sử dụng lao động nhằm đảm bảo chính sách lao động và tiền lương được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thiệt thòi quyền lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO