Thị trường công nghệ Việt thu hút đầu tư quốc tế

19/11/2012 01:31

Lợi thế về chi phí đầu tư và giá nhân công thấp đã và đang giúp Việt Nam trở thành điểm sáng đầu tư thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ đến từ Hoa Kỳ và Hàn Quốc.

Thị trường công nghệ Việt thu hút đầu tư quốc tế

Lợi thế về chi phí đầu tư và giá nhân công thấp đã và đang giúp Việt Nam trở thành điểm sáng đầu tư thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ đến từ Hoa Kỳ và Hàn Quốc.

Mở rộng quy mô

Nhà máy lắp ráp và kiểm định chip xử lý của Intel tại Việt Nam

Tập đoàn Intel, Samsung Electronics và Jabil Circuit (JBL) là ba cái tên nổi bật trong số nhiều doanh nghiệp đang bắt đầu và mở rộng quy mô kinh doanh tại Việt Nam, giúp đẩy mạnh năng lực xuất khẩu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tỉ lệ xuất khẩu các mặt hàng điện thoại di động và điện tử gia dụng từ Việt Nam đã tăng 91% trong vòng 10 tháng qua, với tổng giá trị lên đến 16 tỉ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có doanh thu xuất khẩu lớn nhất trong cùng thời gian này.

“Việt Nam đang thâu tóm thị phần mặt hàng công nghệ từ các quốc gia châu Á khác trong khu vực. Có nhiều yếu tố góp phần tạo ra hiện tượng trên, song chủ yếu nhờ lợi thế ở giá thành lao động” - ông Thân Trọng Phúc, giám đốc điều hành Quỹ đầu tư công nghệ DFJ Vina Capital, trụ sở tại TP.HCM, trả lời phỏng vấn tờ Bloomberg.

Sự tăng trưởng nhanh chóng ở các tập đoàn công nghệ được cho là có tiềm năng giúp giải tỏa nỗi lo lắng của giới đầu tư về tình hình kinh tế Việt Nam, vốn đang trải qua giai đoạn bi quan nhất kể từ năm 1999. Với việc tăng cao chi phí đầu tư tại Singapore, Thái Lan cộng với căng thẳng chính trị leo thang giữa Nhật Bản và Trung Quốc, dự báo một làn sóng chuyển dịch dây chuyền sản xuất của nhiều doanh nghiệp quốc tế sang Việt Nam.

Hiện tại, Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ cho biết doanh số xuất khẩu mặt hàng thiết bị điện tử, bao gồm modem máy tính, điện thoại cố định và di động, của Việt Nam đến thị trường nước này đã tăng trưởng 58% trong 8 tháng đầu năm qua.

Doanh số xuất khẩu cùng loại mặt hàng của Trung Quốc sang Mỹ trong cùng giai đoạn này chỉ tăng 11%, đối với Malaysia là 4%, Thái Lan 5% và Indonesia giảm -16%.

Gấp đôi mức đầu tư

Jabil Circuit, hãng sản xuất linh kiện điện tử có trụ sở chính đóng tại bang Florida, Mỹ, dự định sẽ tăng gấp đôi mức đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất máy thanh toán thẻ và thiết bị định tuyến mạng (router) tại TP.HCM từ 50 triệu USD lên 100 triệu USD trong vòng ba năm tới.

Theo ông Mike Matthes - một lãnh đạo cấp cao của Jabil Circuit, công ty này sẽ tuyển dụng khoảng 5.000 công nhân tại Việt Nam trong vòng năm năm tới so với số lượng 1.400 nhân viên hiện có. Những đối tác khách hàng số một của công ty trong năm vừa qua gồm Apple, Cisco và Research in Motion (RIM).

Đối với Samsung, hãng điện tử Hàn Quốc đang lên kế hoạch rót 700 triệu USD vốn đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất điện thoại di động mới tại miền Bắc Việt Nam. Theo Hãng tin Yonhap News, kế hoạch này đánh dấu giai đoạn đầu tư thứ hai của Tập đoàn điện tử Samsung vào Việt Nam, với nhà máy đầu tiên khi đi vào hoạt động đã đạt công suất 150 triệu thiết bị mỗi năm.

Nidec Corp (Nhật Bản) hiện là nhà sản xuất môtơ dùng trong ổ đĩa cứng lớn nhất thế giới cho biết sẽ mở nhà máy thứ bảy tại TP.HCM trong cuối năm 2012, qua đó nâng tổng số lao động làm việc tại thành phố này lên 25.000.

Đài Loan: ngành công nghệ đối mặt suy thoái

Nền kinh tế Đài Loan xưa nay vốn lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu mặt hàng điện tử - công nghệ, nay đang đối mặt với khủng hoảng suy thoái sau khi nhu cầu của thị trường dành cho mặt hàng máy tính cá nhân giảm sút, chủ yếu do tình hình kinh tế ảm đạm tại châu Âu và Hoa Kỳ khiến người tiêu dùng tại đây không móc nhiều hầu bao cho mặt hàng công nghệ.

Theo số liệu của Ngân hàng HSBC, mặt hàng điện tử chiếm đến 47% tỉ trọng hàng xuất khẩu của Đài Loan trong năm 2011 vừa qua và đây là mức cao nhất ở toàn châu Á.

Nhờ vào các khoản đầu tư nặng ký cho bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm, những thương hiệu truyền thống của Đài Loan như HTC và Asustek Computer đã chiếm lĩnh vị thế cao trong thị trường công nghệ toàn cầu. Tuy nhiên, cơn khủng hoảng kinh tế chung của thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ công nghiệp chế tạo điện thoại, thiết bị di động, màn hình và máy tính cá nhân của nước này, khi HTC, Acer, Compal Electronics và Chimei Innolux đều thay nhau cắt giảm lượng hàng xuất xưởng, doanh thu và thậm chí cả chi phí đầu tư trong năm nay và năm 2013 sắp tới.

Nhiều doanh nghiệp điện tử Đài Loan khác phải dùng đến giải pháp cắt giảm lao động và tạm ngưng dây chuyền sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường công nghệ Việt thu hút đầu tư quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO