Tháo gỡ những nút thắt để phát triển kinh tế

BẢO NGUYÊN| 18/07/2014 08:44

Dự báo về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) công bố tuần qua cho thấy, ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vẫn khiêm tốn và dưới mức tiềm năng.

Tháo gỡ những nút thắt để phát triển kinh tế

Dự báo về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) công bố tuần qua cho thấy, ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vẫn khiêm tốn và dưới mức tiềm năng.

Đọc E-paper

Cụ thể, WB dự báo, tăng trưởng GDP năm 2014 của Việt Nam ước tính khoảng 5,4% và dự báo không vượt quá 5,5% trước năm 2016. Về ngắn hạn, lý do là cầu trong nước còn yếu. Về dài hạn, xu hướng tăng trưởng vẫn khiêm tốn do những vấn đề mang tính cơ cấu.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam cho rằng, mức tăng trưởng dự báo này vẫn cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.

Nút thắt mà Việt Nam cần tháo gỡ để đạt tăng trưởng cao về mặt trung và dài hạn được nhìn nhận là tập trung vào tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng trong nước; đồng thời xoá bỏ những rào cản đối với đầu tư tư nhân trong nước.

Trước đó, trong một hội nghị tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ những điểm nghẽn tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Do đó, Nghị quyết 01 và tiếp đó là Nghị quyết 02 ra đời để cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể, hiện nay, một doanh nghiệp (DN) mất 870 giờ để hoàn tất các thủ tục kinh doanh thì đến năm 2015 sẽ rút ngắn xuống còn 271 giờ, tương đương với khu vực ASEAN.

Đây là nhiệm vụ không dễ nhưng Chính phủ sẽ phải thực thi. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam còn chú trọng đến hai điểm nghẽn khá quan trọng khác là đầu tư, cải thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng lẫn chất lượng nguồn nhân lực. Bởi điều này còn tác động đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Báo cáo của WB cũng đề cập, cho dù tỷ lệ tham gia của lực lượng lao động hiện nay tương đối cao và tỷ lệ thất nghiệp chính thức vẫn thấp (ước tính khoảng 2%), nhưng các xu hướng trên thị trường lao động là nguyên nhân gây quan ngại. Tỷ lệ thất nghiệp cao hơn đáng kể trong số lao động có kỹ năng, phản ánh sự bất cập giữa nguồn cung kỹ năng và cầu trên thị trường.

Liên quan đến vấn đề này, bà Kwakwa từng chia sẻ, trong một nền kinh tế mà sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm là do công việc không đủ, thị trường lao động thiếu sự kết nối và lĩnh vực đào tạo không khớp với những kỹ năng mà xã hội, DN cần. Vấn đề lao động có trình độ của Việt Nam đang vấp phải là trường hợp thứ nhất và thứ ba.

Để giải quyết, Chính phủ cần tạo cơ chế thông thoáng hơn cho các trường đại học về vấn đề tài chính, thiết kế chương trình... Việc cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục sẽ tạo ra nhân lực mà thị trường cần, chính điều này sẽ góp phần vào chất lượng tăng trưởng của Việt Nam.

Đại diện WB cũng đề cập, Việt Nam đã phát triển tốt trong hai thập niên qua, nếu so với lộ trình phát triển của một số nước châu Á nhưng thách thức là Việt Nam có giữ được mức tăng trưởng ấn tượng hay không.

Xét về lợi thế cạnh tranh, Việt Nam có chính trị ổn định, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tích cực, song, phân bổ vốn, nhân lực và sử dụng tài nguyên chưa hiệu quả, chi phí hoạt động chưa giảm, phân bổ vốn cho khu vực tư nhân còn hạn chế. Do đó, Việt Nam cần nhìn lại những vấn đề này, bởi việc phân bổ các nguồn lực kinh tế hiệu quả chính là đòn bẩy để kích thích tăng trưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tháo gỡ những nút thắt để phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO