Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Túng và tính?

MỘC MIÊN| 06/06/2009 00:01

Giảm 30% số thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là nội dung “nóng” nhất mà Thông tư 03/2009/TT-BTC hướng dẫn thực hiện giảm, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) do Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn vừa ký ban hành đã phần nào “trả lời” được cho sự chờ đợi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Túng và tính?

Giảm 30% số thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Là nội dung “nóng” nhất mà Thông tư 03/2009/TT-BTC hướng dẫn thực hiện giảm, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) do Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn vừa ký ban hành đã phần nào “trả lời” được cho sự chờ đợi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Giảm thuế là một trong những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo đó, DNNVV được giảm 30% thuế TNDN phải nộp của quý 4/2008 và 30% thuế TNDN phải nộp của năm 2009. Doanh nghiệp (DN) được chủ động kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế TNDN theo mẫu hiện hành, tự xác định số thuế được tạm giảm bằng 30% số thuế tạm nộp khi kê khai số thuế TNDN tạm nộp của quý 4/2008 và hàng quý năm 2009. Thời điểm quyết toán thuế TNDN năm 2008 và năm 2009, DN tiếp tục tự xác định số thuế TNDN được giảm. Nếu DN đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì sau khi đã trừ đi số thuế TNDN được ưu đãi, theo quy định của pháp luật về thuế TNDN, số thuế TNDN được giảm 30% sẽ tính trên số thuế còn lại.

Căn cứ cho việc giảm nộp thuế trên phụ thuộc vào việc DNNVV có vốn điều lệ ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư đang có hiệu lực trước ngày 1/1/2009 không quá 10 tỷ đồng (hoặc DN phải có số lao động sử dụng bình quân trong quý 4/2008 không quá 300 người, không kể lao động có hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng). Với DN thành lập mới kể từ ngày 1/1/2009 thì vốn điều lệ ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cũng không quá 10 tỷ đồng (hoặc số lao động được trả lương, trả công của tháng đầu tiên (đủ 30 ngày) có doanh thu không quá 300 người).

Giải pháp trên nằm trong hàng loạt các động thái tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong nước sau khi nhận định rõ ảnh hưởng xấu của cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ở phía Nam, tại tỉnh Đồng Nai, ngày 6/2 vừa qua, UBND tỉnh và Hội Doanh nghiệp tỉnh đã phối hợp tổ chức cuộc gặp gỡ đối thoại đầu năm với hàng trăm DN có vốn đầu tư trong nước trên địa bàn, với sự có mặt của lãnh đạo tỉnh, sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Hạnh Thu và TS. Trần Du Lịch (Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM). Tại Hà Nội, chiều ngày 12/2, lãnh đạo thành phố cùng hầu hết các “thủ lĩnh” các ban, ngành đều có mặt trong cuộc gặp và làm việc với đông đảo các DN trên địa bàn với mục tiêu hàng đầu được đề ra là “bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN”.

Chưa bao giờ như bây giờ, DN sốt ruột chờ đợi những thông tin và dự báo kinh tế mới nhất trong năm 2009, những quyết sách chuẩn bị các giải pháp để đối phó với những khó khăn tiếp theo. Cùng những băn khoăn liên quan đến các vấn đề về miễn, giảm và giãn thuế TNDN, băn khoăn về nhóm giải pháp “Gói kích cầu” của Chính phủ đã và sẽ được triển khai thực hiện đến đâu (như các chính sách bù lãi suất; vay vốn; chính sách bảo lãnh cho các DN vay vốn mua thiết bị đầu tư, đổi mới công nghệ; điều kiện để DN tiếp cận các giải pháp hỗ trợ...), còn rất nhiều những băn khoăn trước khó khăn cụ thể, “không giống ai” mà mỗi DN đang phải chịu đựng và tìm cách đối phó.

Túng đến đâu tính đến đó

Bát Tràng, địa danh “gốm sứ” nổi tiếng, với nhiều hợp đồng xuất khẩu hàng sang Anh, Mỹ... đã được ký kết, trực tiếp đưa nhiều gia đình làm nghề ở đây lên vị trí “triệu phú đô la” trong mấy năm qua, hiện cũng đang trong tình trạng... “nhàn nhã” bất đắc dĩ! Một đại diện của làng nghề này cho biết, mọi năm, các gia đình ở làng nghề đi hội chùa nơi này, nơi khác rất đông và khoe nhau vừa ký được hợp đồng 300-500 triệu với nước này, nước kia, năm nay chẳng thấy ai khoe cả! Được biết, Bát Tràng có 500 hộ sản xuất, kinh doanh hàng gốm sứ, chưa kể 300 hộ “ăn theo”, có năm xuất khẩu được 12 triệu đô-la. Năm 2008, do ảnh hưởng suy thoái toàn cầu, xuất khẩu đã giảm xuống phân nửa, còn khoảng 6-7 triệu đô! Hiện tại, để cải thiện tình hình, lời giải duy nhất vẫn là phải làm sao để tăng chất lượng, đồng thời hạ giá thành sản phẩm. Làng nghề Bát Tràng đã tính đến việc lên tận Lào Cai (cách Hà Nộ 300km) để sản xuất nguyên liệu (đất sét đã loại bỏ 75% tạp chất), vận chuyển về với mong muốn “được hỗ trợ” từ các cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lâm sản, mỹ nghệ tỉnh Hà Tây cũ, phàn nàn về giá cả nguyên liệu “đang cao bỗng thấp” khiến nhiều DN dở mếu dở khóc ôm nợ ngân hàng: “Đang xuất khẩu hàng sang Trung Quốc với giá trên 200 triệu đồng/m3 gỗ trắc, nay bị dừng, giá chỉ còn 25 triệu đồng/m3, giảm tới 10 lần. Nhiều nhà vay 1-2 tỷ đồng để mua nguyên liệu, giờ gỗ nằm im trong nhà, hàng không bán được, ngân hàng không cho đáo nợ!”. Một lãnh đạo ngân hàng “hiến kế”: “Xem lại Nghị định 31 của Chính phủ: Nếu các dư nợ hiện tại đã giải ngân trước 1/2/2009 mà vẫn còn dư nợ ngắn hạn theo đúng quy định thì có thể được hỗ trợ 4%, nhưng phải kê khai và có xác nhận của Ngân hàng!”.

Lo lắng trước tình trạng “chợ xanh, chợ cóc tràn lan”, ông Vũ Minh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đề xuất “cần phải hoàn chỉnh sớm quy hoạch thành phố để người dân được biết đâu là chợ, đâu là khách sạn, siêu thị...” và “khi thị trường bán lẻ trong nước được mở cửa chính thức từ sau 1/1/2009 thì phải thực hiện thống nhất chủ trương “cắm” các đại gia bán lẻ ở cách xa trung tâm thành phố, tránh tình trạng như Đà Nẵng là “cắm siêu thị bán lẻ lớn ngay trung tâm thành phố khiến hàng vạn hộ cá thể bán lẻ đứng trước nguy cơ phá sản!”.

Một đại diện của Hiệp hội Công Thương TP. Hà Nội cho biết, nhiều DN trên địa bàn đã không tránh được việc phải cắt giảm lao động, có DN mới đây đã giảm từ 1.600 công nhân xuống còn 1.200 người. Trong khi đó, không phải không có những DN vẫn cần tuyển dụng thêm lao động với lời ước: “Giá như thành phố triển khai nhanh các dự án công để bố trí và ổn định công ăn việc làm, thực hiện an sinh xã hội cho người lao động và các DN cùng có biện pháp hợp tác, trao đổi nhân lực với nhau thì sẽ rất tốt cho cả người sử dụng lao động lẫn người lao động”!

Trong khi đang chờ sự hỗ trợ của Nhà nước và địa phương thì việc “túng đến đâu tính đến đó” có lẽ đang là cách đối phó chủ yếu của các DNNVV hiện nay. Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy, thời điểm hiện tại so với mục tiêu phát triển mà các nền kinh tế APEC phấn đấu đạt được với tỷ lệ 20 người dân/DN thì tỷ lệ 243 người dân/DN của Hà Nội vẫn ở mức rất thấp. Đến đầu năm 2009, Hà Nội có tổng số DN đăng ký thành lập trên địa bàn là 74.029, tổng số vốn đăng ký là 370.756.781 triệu đồng. Ước tính đến 2010, Hà Nội sẽ có khoảng 100.000 DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Túng và tính?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO