Thanh tra và người dân vẫn khác nhau quan điểm về ranh quy hoạch Thủ Thiêm

Dương Nguyễn| 27/11/2020 00:24

Chiều 27/11, Thanh tra Chính phủ đã có 3 giờ đối thoại với đại diện 50 hộ dân ở 5 khu phố, thuộc 3 phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh của quận 2 về ranh quy hoạch Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm. Buổi đối thoại vẫn khác nhau quan điểm giữa Thanh tra và người dân.

Đây là lần thứ 4 Thanh tra Chính phủ (TTCP) và UBND TP.HCM đối thoại với người dân Thủ Thiêm tính từ năm 2016, không kể những lần tiếp xúc của đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố với cử tri quận 2.

Buổi đối thoại do Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn chủ trì. Phía UBND TP.HCM có Phó chủ tịch Võ Văn Hoan và các sở ban ngành thành phố. Một số bộ như Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường... cử đại diện tham dự.

Mở đầu buổi đối thoại, ông Đinh Đăng Lập, thanh tra viên cao cấp của Thanh tra Chính phủ thay mặt Tổ kiểm tra liên ngành công bố dự thảo báo cáo kiểm tra, rà soát liên quan khiếu nại ranh quy hoạch 5 khu phố thuộc 3 phường ở KĐTM Thủ Thiêm.

Theo dự thảo báo cáo được ông công bố, người dân tại 5 khu phố thuộc ba phường không nhất trí với kết luận của TTCP tại thông báo kết luận số 1483 năm 2018 (về kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về KĐTM Thủ Thiêm).

Trong đó người dân cho rằng không chỉ 4,3ha nằm ngoài ranh quy hoạch mà theo họ, cả diện tích đất của người dân 5 khu phố đều nằm ngoài ranh quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm.

[Caption] Buổi đối thoại vẫn còn có quan điểm khác nhau về quy hoạch Thủ Thiêm.

Buổi đối thoại vẫn còn có quan điểm khác nhau về quy hoạch Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, TTCP được UBND TP.HCM cung cấp một số bản đồ do nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh lưu giữ về quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm. Những bản đồ này, theo ông Võ Viết Thanh là những bản đồ kèm theo văn bản trình duyệt để Thủ tướng ban hành quyết định 367 mà thời kỳ này ông Thanh trực tiếp báo cáo Thủ tướng. Các bản đồ này cũng được các cơ quan chức năng đóng dấu.

Qua kiểm tra, đối chiếu các bản đồ do ông Thanh lưu giữ với các bản đồ UBND TP.HCM cung cấp, TTCP thấy trùng khớp nhau về ranh quy hoạch. Từ đó khẳng định việc xác định ranh quy hoạch Thủ Thiêm tại Thông báo 1483 ngày 4/9/2018 của TTCP được Thủ tướng đồng ý, trong đó chỉ ra khoảng 4,3ha nằm ngoài ranh quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm theo Quyết định 367 (ngày 4/6/1996 của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐTM Thủ Thiêm) là đúng quy định và thực tế.

Ngoài ra, theo TTCP, trước ngày 7/8/2005 chưa có quy định cụ thể nào về hệ thống ký hiệu bản vẽ dùng trong các đồ án quy hoạch xây dựng. Bản vẽ quy hoạch không bắt buộc ghi các thông tin liên quan đến quyết định phê duyệt.

Do vậy, việc cơ quan phê duyệt không bắt buộc ký, đóng dấu vào bản vẽ quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm được lập trước ngày 7/8/2005 là phù hợp với quy định và thực tế.

Như vậy, các bản đồ do ông Võ Viết Thanh lưu giữ và hai bản đồ do UBND TP.HCM cung cấp là bản đồ xác định về ranh quy hoạch được UBND TP.HCM trình để Thủ tướng ban hành quyết định 367.

Về việc xác định vị trí ranh giới, số thửa đất của các hộ dân 5 khu phố ba phường, theo báo cáo, tháng 1/1997, Chính phủ có quyết định thành lập quận Thủ Đức, quận 2, quận 7, quận 9 và các phường của quận mới. Ngày 18/3/1997, UBND TP.HCM có quyết định thành lập quận 2.

Ngày 5/11/1998, UBND quận 2 có các quyết định thành lập khu phố, tổ dân phố, ấp và tổ nhân dân. Trên cơ sở đó, vị trí ranh giới của 5 khu phố thuộc ba phường mà người dân khiếu nại đã được xác định.

Căn cứ vào bản đồ địa chính quận 2 đã xác định số thửa, vị trí, ranh giới nhà đất của từng hộ dân, đối chiếu ranh quy hoạch của KĐTM Thủ Thiêm cho thấy vị trí ranh giới của những hộ dân khiếu nại về ranh quy hoạch đều nằm trong ranh quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm.

Sau khi nghe báo cáo, hầu hết ý kiến của người dân đều bày tỏ sự không đồng tình. Ông Nguyễn Văn Khương, một người dân khiếu kiện cho rằng cả hai loại bản đồ do nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh cung cấp và hai bản đồ do UBND TP.HCM cung cấp đều không có giá trị pháp lý.

d4a36447c85739096046-5778-1606483448.jpg

Tổ kiểm tra liên ngành sẽ báo cáo kết quả đối thoại để Thủ tướng Chính phủ xem xét và xử lý việc này.

"Tôi yêu cầu chứng minh tính pháp lý của hai hệ thống bản đồ. Nếu chứng minh được, người dân sẽ chấp thuận, nhận tiền đền bù ngay", ông Khương nói.

Trong khi đó, ông Cao Thanh Ca phản đối dự thảo và khẳng định có nhiều tài liệu, giấy tờ để chứng minh nhà, đất tại 5 khu phố thuộc 3 phường của các hộ dân nằm ngoài KĐTM Thủ Thiêm, nhưng đã bị cưỡng chế, giải tỏa trái luật.

Phó chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan cũng nói mục tiêu đối thoại là đi tìm sự thống nhất. “Thống nhất cái gì thì dễ chứ thống nhất về pháp lý thì chưa bao giờ dễ cả. Mỗi người có điều kiện tìm hiểu pháp lý và nhận thức pháp lý khác nhau. Hôm nay chưa thể có kết luận gì cả”, ông Hoan khẳng định.

Theo đó, ông Hoan cho biết thời gian tới Tổ kiểm tra liên ngành hay một cơ quan nào đó sẽ rà soát cả hai hệ thống pháp lý của cơ quan nhà nước và người dân để đi đến kết luận hồ sơ, bản đồ của UBND thành phố hay của bà con đúng. Chỉ có như thế mới giải quyết được. "UBND thành phố ghi nhận tất cả ý kiến của bà con, sau đó sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng", ông nói thêm.

Trong khi đó, kết luận buổi đối thoại, ông Đặng Công Huẩn cũng khẳng định Dự thảo còn rà soát lại và xin ý kiến tiếp. "Chắc chắn không ai kết luận được gì trong buổi đối thoại nhiều ý kiến như thế này”, ông nói và cho hay Tổ kiểm tra liên ngành đã ghi nhận lại hết ý kiến của người dân, kèm theo hồ sơ người dân đã cung cấp rồi báo cáo Thủ tướng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thanh tra và người dân vẫn khác nhau quan điểm về ranh quy hoạch Thủ Thiêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO