Tham gia TPP: GDP Việt Nam có thể tăng đến 30%

NGUYÊN BẢO| 03/06/2015 06:48

TPP là hiệp định có tiêu chuẩn cao được đàm phán từ trước đến nay, mở ra nhiều thị trường mới cho doanh nghiệp các nước

Tham gia TPP: GDP Việt Nam có thể tăng đến 30%

Trong buổi gặp gỡ giới truyền thông vào cuối tuần qua tại TP.HCM, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Phụ trách các vấn đề kinh tế và thương mại Charles H. Rivkin dành phần lớn thời gian để thảo luận về Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và mối quan hệ kinh tế song phương giữa Mỹ và Việt Nam sau 20 năm bình thường hóa quan hệ.

Đọc E-paper

Việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật về trao quyền xúc tiến thương mại nhanh (TPA) cho Tổng thống Obama ngày 22/5 phần nào cho thấy, về thương mại, chính giới Mỹ có cùng chung tiếng nói.

Tuy ông Charles H. Rivkin không chắc chắn về khung thời gian cụ thể nhưng ông hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ sớm thông qua dự luật TPA để đàm phán TPP sớm hoàn tất và đi đến ký kết trong năm nay giữa 12 thành viên, trong đó có Mỹ và Việt Nam.

Ông Charles H. Rivkin cho rằng, việc ký TPP trong năm nay có ý nghĩa to lớn cả về mặt kinh tế. Điều này không chỉ quan trọng với Việt Nam mà còn cho cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

TPP là hiệp định có tiêu chuẩn cao được đàm phán từ trước đến nay, sẽ mở ra nhiều thị trường mới cho doanh nghiệp (DN) các nước, cung cấp nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng cũng như đặt ra những tiêu chuẩn mới cho người lao động, môi trường...

Sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, mối quan hệ kinh tế song phương giữa Mỹ - Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Cách đây 20 năm, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ - Việt Nam chỉ ở mức 450 triệu USD nhưng nay đã đạt gần 40 tỷ USD (năm 2014, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam), tức tăng hơn 100 lần.

Ngoài TPP, Việt Nam đang tham gia đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) khác.

Sau khi ký FTA với Hàn Quốc, vào ngày 29/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu, gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đã ký FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu sau 2 năm đàm phán.

Theo ước tính sơ bộ, sau khi FTA này có hiệu lực, kim ngạch thương mại hai bên sẽ đạt 10 - 12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD).

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh sẽ tăng 18 - 20%/năm.

"Về mặt cơ hội, tôi nhận thấy rất rõ ràng rằng DN Mỹ rất quan tâm thị trường Việt Nam nhưng dù đầu tư ở đâu thì nhà đầu tư Mỹ cũng mong muốn thị trường phải đáp ứng được 3 tiêu chí: tính minh bạch, khả năng dự báo cao và tính thượng tôn pháp luật", ông Charles H. Rivkin nói.

Ông Charles H. Rivkin cũng cho rằng, mặt tích cực khi Việt Nam tham gia TPP, trước hết là cải thiện được môi trường đầu tư và như nhận định của một nhóm chuyên gia kinh tế độc lập, khi tham gia TPP, trong 10 năm tới, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể lên đến 30%.

Ông Charles H. Rivkin phân tích, trong số 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP, Mỹ là thị trường đơn lẻ lớn nhất thế giới với hơn 28.000 DN nhỏ và vừa (SME), chiếm 98% tổng số DN của Mỹ nhưng chỉ chiếm 1% trong tổng giá trị xuất khẩu 19.000 tỷ USD. Đối với các SME, việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan có ảnh hưởng nhất định với họ.

Tương tự ở Việt Nam, SME là xương sống của nền kinh tế. TPP sẽ tạo điều kiện cho các DN này xuất khẩu lần đầu tiên những sản phẩm của họ, tạo thêm nhiều công ăn việc làm hơn, góp phần xây dựng cộng đồng.

Song, quan trọng hơn là TPP nâng cao chuẩn mực trên toàn thế giới, ngoài những lợi ích kinh tế nó còn là liên minh chiến lược góp phần đưa các thành viên đến gần nhau hơn.

>TPP là gì, tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam?

>TPP: Để không lặp lại bài học cũ từ WTO

>TPP: Cuộc mặc cả của những nước lớn

>Rào cản cuối cùng trong đàm phán TPP

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tham gia TPP: GDP Việt Nam có thể tăng đến 30%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO