Tăng tín dụng cho ai?

Chuyên gia tài chính BÙI KIẾN THÀNH - TRÌNH TIÊU ghi| 26/07/2014 03:44

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp đưa ra những con số về tăng trưởng tín dụng. Theo Vụ Chính sách tiền tệ, tính tới ngày 25/6, tăng trưởng tín dụng đạt 2,3%, nhưng tại Hội nghị sơ kết 6 tháng, NHNN lại công bố, đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng đạt 3,52% so với cuối năm 2013.

Tăng tín dụng cho ai?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp đưa ra những con số về tăng trưởng tín dụng. Theo Vụ Chính sách tiền tệ, tính tới ngày 25/6, tăng trưởng tín dụng đạt 2,3%, nhưng tại Hội nghị sơ kết 6 tháng, NHNN lại công bố, đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng đạt 3,52% so với cuối năm 2013.

Đọc E-paper

Hiện chưa có thông tin về phân bổ tín dụng nên khó bàn sâu, nhưng tại sao trong 5 tháng không tăng được tín dụng mà lại tăng được khá nhanh chỉ trong 5 ngày, tăng thêm 1,22%, gần bằng với mức tăng tín dụng cả 5 tháng đầu năm cộng lại (tăng trưởng tín dụng đến ngày 23/5 là 1,31%)?

Cũng chưa biết con số tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm có liên quan đến việc Thống đốc NHNN đã ba lần bị Thủ tướng nhắc nhở về tăng trưởng tín dụng đạt thấp như báo chí nêu hay không, nhưng tín dụng tăng như vậy là bất bình thường.

Nhiều câu hỏi đặt ra, không biết mục tiêu tăng trưởng tín dụng lần này là gì, đi vào lĩnh vực nào và cho ai vay? Trước tiên, chúng ta phải xem 5 ngày cuối tháng 6, những ngân hàng (NH) nào tăng trưởng tín dụng, tăng tín dụng cho ai và vay để làm gì? Tín dụng không phải là cho Nhà nước vay mà là cho doanh nghiệp (DN) vay, nhưng ở đây, DN nào được vay, DN nhà nước hay DN tư nhân?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tuần trước đã ký vay trên 338 triệu USD từ NH Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và NH Tokyo Mitsubishi để làm Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Nhưng số tiền này chỉ mới là một phần bởi tổng mức đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 lên đến trên 1,7 tỷ USD.

EVN chưa biết đáp ứng nguồn vốn cho dự án bằng cách nào. Các NH Việt Nam có thể đổ tiền vào đó để có được mức tăng trưởng tín dụng như mong muốn, song cần suy nghĩ xem đó có phải là cách tăng trưởng tín dụng tốt cho nền kinh tế và cho chính hệ thống NH hay không?

Một vấn đề nữa, nhu cầu vốn trong 5 tháng đọng lại không giải quyết, bây giờ giải quyết trong 5 ngày, quản lý rủi ro tín dụng sẽ như thế nào? Đột ngột đẩy tín dụng ra như thế, mục đích là gì, chất lượng tín dụng tới đâu, bao nhiêu phần trăm biến thành nợ xấu, bao nhiêu tín dụng đi vào đầu cơ bất động sản, chứng khoán...?

Tín dụng không đơn thuần là con số. Việc bỏ qua chất lượng tín dụng khiến nền kinh tế không hấp thụ được vốn, DN không phát triển được sản xuất, kinh doanh.

Chúng ta vẫn đang trong vòng luẩn quẩn. Trường hợp lần này, NH đang có một đống nợ cũ không giải quyết được, trong 5 ngày cho vay để đảo nợ là có thể, còn cho vay để phát triển sản xuất là không thể. Ngay cả khi NHNN nói đã cho vay được, thì cũng chỉ là phê duyệt hạn mức tín dụng, chưa có giải ngân.

Nếu NH Thương mại cho vay nghiêm túc thì phải dựa trên những dự án khả thi, có khả năng trả cả vốn và lãi, mà như vậy, không thể trong 5 ngày quyết định mấy chục nghìn tỷ đồng, việc mà mấy tháng trước không xem xét. Tính ra, 1,2% là khoảng 30 nghìn tỷ đồng, giải ngân con số này trong 5 ngày là không đơn giản.

Tăng trưởng tín dụng liên quan đến quản lý hệ thống NH, đến phục hồi sản xuất kinh doanh của DN, đến vấn đề mang lại hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế của chính hệ thống NH.

Trong đó, quản lý nhà nước có trách nhiệm cao nhất là tạo công ăn việc làm. Bà Fed Janet Yellen - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), mới đây đã phát biểu: "Có thể sẽ tăng lãi suất cơ bản sớm hơn dự kiến nếu thị trường lao động duy trì đà tăng trưởng ổn định".

Điều đó có nghĩa quản lý nhà nước về kinh tế là phải tạo công ăn việc làm cho nhân dân và đấy là tài sản lớn nhất. Một giờ lao động đi qua không khi nào trở lại, cho nên phải xem việc phát tín dụng ra đem lại cái gì cho nền kinh tế.

Vấn đề vốn cho DN sản xuất, kinh doanh diễn ra đã mấy năm nhưng không thấy giải quyết. DN cần tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý, nhưng Nhà nước không đáp ứng được nhu cầu đó. Chính phủ chưa quản lý được vai trò chính sách tiền tệ để nguồn tín dụng đến với DN với lãi suất hợp lý, thậm chí còn cạnh tranh với DN về nguồn tín dụng này, bằng việc vay qua trái phiếu chính phủ.

Một lần nữa nền kinh tế, DN bị nhấn chìm sâu hơn trong vòng luẩn quẩn. Nhu cầu tài chính của DN hiện nay rất lớn, các NH cần kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, phải xem xét tính khả thi của từng dự án. Đừng đi vào vết xe cũ, phải làm sao để mỗi đồng tiền tín dụng đi ra là đóng góp cho phục hồi, phát triển các DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng tín dụng cho ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO