Số hóa hướng đến mạng 5G

CAO ĐỨC PHÁT - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương| 03/12/2018 08:26

Vấn đề xây dựng và hoàn thiện hạ tầng số hiện nay đối với Việt Nam là cuộc chạy đua nước rút. Điều này quyết định đến sự thành công mục tiêu thực thi chính phủ điện tử, xây dựng nền kinh tế số.

Số hóa hướng đến mạng 5G

Đề án quốc gia về "Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam" dự kiến hoàn thành vào quý IV năm nay. Ngày 4/5/2017, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nhiều giải pháp quan trọng về phát triển hạ tầng CNTT, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Đến nay, đa số các dịch vụ công đã chuyển sang trực tuyến (88%). Việt Nam đã cơ bản phủ sóng 4G với hơn 4.000 trạm phát sóng và hơn 95% dân số được phủ sóng; khoảng 52 triệu người dùng internet, chiếm 54% dân số, và khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh. Đây là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam nắm bắt nhanh chóng những thành tựu công nghệ mới.

Thực tế cho thấy, nếu công nghệ thông tin được xem là hạ tầng của hạ tầng, thì mạng 5G chính là xương sống của kết nối hạ tầng ấy trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mạng 5G tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ lẫn sự ổn định cho thiết bị di động, xóa khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, những ứng dụng chưa từng có, có thể kết nối mọi lúc, mọi nơi, kết nối vạn vật.

Với 5G, các nhà khai thác viễn thông sẽ cung cấp các dịch vụ mạng chuyên biệt cho lĩnh vực ô tô, đường sắt, năng lượng, sức khỏe... Để đảm bảo những chiếc xe được kết nối 5G sẽ phản ứng trong ít hơn 1 mili giây và tránh va chạm hay tai nạn xảy ra, hay đảm bảo các dịch vụ y tế thông minh "telemedicine" chăm sóc sức khỏe từ xa, có thể cứu sống người bệnh nguy kịch...

Link bài viết

Khi nói về tầm quan trọng của 5G, Chủ tịch tập đoàn công nghiệp không dây CTIA, Attwell Baker, cảnh báo: "Mỹ không có cơ hội thứ hai để thắng cuộc đua 5G toàn cầu" và "kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nếu bị Trung Quốc và Hàn Quốc bỏ lại". Không chỉ có vậy, báo cáo của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã đánh giá: Nếu Trung Quốc thống trị thị trường mạng viễn thông, quốc gia này sẽ "thắng cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự".

Còn Loger Entner - nhà sáng lập Recon Analytics, thừa nhận, không phải vấn đề lớn nếu Mỹ giới thiệu 5G vài tháng sau Trung Quốc nhưng nếu Trung Quốc nhanh hơn Mỹ khoảng một vài năm, nó sẽ hủy hoại năng lực cạnh tranh của Mỹ trên thị trường công nghệ thế giới.

Điều này cho thấy công nghệ 5G đang được các quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới nhìn nhận như là xương sống của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phương tiện để chiếm lĩnh vị thế trung tâm công nghệ của thế giới và giành được ưu thế trong kinh tế thế giới ở thế kỷ XXI.

Theo ước tính của các chuyên gia trong ngành, công nghệ 5G có sức tác động khoảng 4,6% ở mọi lĩnh vực của đời sống, giúp tạo ra nền kinh tế số, mở rộng môi trường hoạt động của các ngành công nghiệp dựa trên hạ tầng mạng băng rộng. Đến năm 2035, mạng 5G có thể góp phần vào ngành kinh tế số trị giá 12.000 tỷ USD. Hiện nay, tại Mỹ, Trung Quốc hay các quốc gia khác vẫn diễn ra cuộc đua giành vị trí tiên phong, trở thành người xác lập, kiểm soát mô hình, tạo dựng kiến trúc và thiết kế nền tảng hoạt động của mạng di động 5G.

Đơn cử, Trung Quốc đã có lộ trình chi tới 400 tỷ USD tới năm 2020 để phát trển hạ tầng 5G và chính phủ nước này đưa ra quyết định phân bổ tần số vô tuyến cho các nhà mạng. Trung Quốc đang tạo ra "cơn sóng thần 5G", đe doạ vị trí dẫn đầu của Mỹ.

Việt Nam sẽ ở đâu trong cuộc đua 5G này? Lựa chọn của Việt Nam là gì?

Một loạt vấn đề được đặt ra giữa lúc Bộ Thông tin - Truyền thông đang khuyến khích phát triển hạ tầng băng thông rộng và hạ tầng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện mạng di động 4G, nghiên cứu triển khai 5G đáp ứng yêu cầu internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất. Nhưng để làm chủ được công nghệ của tương lai, phải thực hiện các bước chuẩn bị ngay từ hôm nay.

Bởi công nghệ 5G phức tạp hơn rất nhiều so với các thế hệ trước, đòi hỏi những nút thắt bền chặt không chỉ theo chiều ngang trong nội bộ ngành hạ tầng viễn thông, mà còn theo chiều dọc với các lĩnh vực khác từ thực tế ảo, thành phố thông tin hay xe không người lái. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ là nền tảng căn bản và vững chắc để đảm bảo nước ta hiện thực hóa những cơ hội trong cách mạng công nghiệp 4.0. 

NGUYỄN HOÀNG ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Số hóa hướng đến mạng 5G
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO