Sinh viên khởi nghiệp và hội nhập: Bắt đầu từ những điều đơn giản nhất

BÍCH TRÂM - Ảnh: QUÝ HÒA| 26/04/2016 07:41

Trong bối cảnh hội nhập, đôi khi, chính những thứ rất đơn giản và thường xuyên bị bỏ qua lại khiến người ta để vuột mất cơ hội.

Sinh viên khởi nghiệp và hội nhập: Bắt đầu từ những điều đơn giản nhất

Khởi nghiệp trong bối cảnh hội nhập, điều mà sinh viên nói riêng và người trẻ nói chung cần phải bắt đầu bổ sung, trau dồi thường xuyên không phải là điều gì quá to tát. Đôi khi, chính những thứ rất đơn giản và thường xuyên bị bỏ qua lại khiến người ta để vuột mất cơ hội.

Đọc E-paper

Đó là quan điểm chung của các diễn giả - doanh nhân khi chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cùng hàng trăm sinh viên ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) tại buổi giao lưu Doanh nhân - Sinh viên với chủ đề "Hành trang hội nhập", nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2016 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.

Trang bị từ "phần mềm" đến "phần cứng" để hội nhập

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận biết đúng lợi thế cạnh tranh của cá nhân cũng như của quốc gia, bà Bùi Nguyệt Anh - Giám đốc Genecode Việt Nam chia sẻ, để hội nhập tốt hơn, người trẻ phải biết yêu đất nước hơn bằng cách tìm hiểu xem đất nước có gì hay, có gì đẹp để thêm tự hào và đóng góp công sức phát huy những thế mạnh đó. Đây chính là một trong những yếu tố quyết định thành công trên con đường hội nhập và lập nghiệp.

Bà Ngô Ánh Thái - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hải Lộc khẳng định: "Cơ hội chỉ đưa đến tay người có thái độ đúng. Hội nhập quốc tế đồng nghĩa với việc đưa quốc gia mình lên vị trí ngang hàng với những quốc gia khác, vì vậy, nếu không yêu nước thì khó thể thành công được. Người Việt Nam vốn ham học hỏi, do đó, người trẻ hãy học từ những điều nhỏ nhất đến những kiến thức uyên bác từ những người đi trước lẫn bạn bè quốc tế, hãy nâng những giá trị còn đang tiềm ẩn như lòng tự hào dân tộc, đạo đức kinh doanh lên một tầm cao mới".

TS. Hoàng Công Gia Khánh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật tại buổi giao lưu

Bên cạnh cách tiếp cận mang tầm vĩ mô, khái niệm hội nhập còn cần được tiếp cận ở mức độ vi mô, từ những điều đơn giản nhất. Chẳng hạn, bà Ánh Thái khuyên sinh viên nên giảm bớt thời gian lướt mạng xã hội để tiếp thu thêm thật nhiều kiến thức hữu ích.

Còn để giải đáp thắc mắc của một sinh viên về vấn đề "Mỗi ngày nên ngủ bao nhiêu tiếng thì hợp lý?", bà Nguyệt Anh cũng chia sẻ thêm: "Ngoài việc ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, người trẻ cũng nên chú trọng đến chất lượng giấc ngủ vì yếu tố này đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe, giúp chúng ta có đầu óc minh mẫn, làm việc hay học tập đều hiệu quả hơn. Vì vậy, hãy bắt đầu học cách quản lý thời gian, quản lý sức khỏe ngay từ bây giờ".

Bà Ngô Ánh Thái - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hải Lộc

Cơ hội hội nhập đôi khi lại bị bỏ qua bởi những điều tưởng chừng như hết sức đơn giản. Ông Trần Hải Linh - Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ kể đã từng chứng kiến trường hợp một nhân viên phải bỏ lỡ cơ hội ra nước ngoài làm việc chỉ vì... chưa có hộ chiếu. Thông qua ví dụ này, ông Hải Linh muốn nói với các sinh viên rằng, bên cạnh việc chuẩn bị "phần mềm" là thái độ học hỏi, thái độ làm việc tốt, tinh thần tự hào dân tộc, đảm bảo sức khỏe, người trẻ cũng nên lưu ý chuẩn bị sẵn sàng những "phần cứng", như tấm hộ chiếu chẳng hạn, để khi có cơ hội là có thể nắm bắt ngay.

Đồng tình với quan điểm này, thậm chí còn muốn nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của loại giấy tờ này, bà Nguyệt Anh ví von, việc không có hộ chiếu chẳng khác nào không có chứng minh thư, vì hộ chiếu chính là thứ giúp một người khẳng định sự tồn tại của họ với thế giới.

Ông Trần Hải Linh - Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ

Khởi nghiệp: Khi nào và như thế nào?

Thắc mắc về thời điểm hợp lý để khởi nghiệp và những khó khăn cần phải vượt qua của sinh viên Ngọc Anh (khoa Kinh tế đối ngoại của ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) được bà Ánh Thái giải đáp tận tình.

Bà đặt vấn đề: "Điều quan trọng ở đây là người trẻ hiểu khái niệm khởi nghiệp như thế nào. Nếu khởi nghiệp là phát triển nghề nghiệp, xây dựng sự nghiệp thì người trẻ có thể khởi nghiệp bất cứ lúc nào và dưới mọi hình thức. Còn nếu hiểu khởi nghiệp là tạo ra sản nghiệp bằng cách mở một doanh nghiệp để kinh doanh thì cần có thời gian để chuẩn bị rất nhiều yếu tố cần thiết".

Theo bà, những yếu tố cần thiết đó là: có kiến thức về lĩnh vực, ngành nghề muốn đầu tư; tìm hiểu về luật pháp, nhu cầu của thị trường để tránh đi theo trào lưu; tìm ra con đường riêng chứ không giẫm lên chân những người đi trước; chuẩn bị tâm thế đối diện với áp lực chi phí lớn; có tinh thần thép để gánh vác những trách nhiệm lớn hơn nhiều so với việc làm công ăn lương đơn thuần; có tâm huyết với doanh nghiệp mình tạo ra; trau dồi những kỹ năng cần thiết như kỹ năng truyền đạt, lãnh đạo...

Bà Bùi Nguyệt Anh - Giám đốc Genecode Việt Nam

Ở một khía cạnh thực tế hơn, ông Hải Linh nêu quan điểm: "Khi nào người trẻ biết trân trọng tiền bạc, đủ tự tin tiêu đồng tiền của chính mình thì hãy khởi nghiệp". Bởi theo ông, nếu người khởi nghiệp có xu hướng thích xin hoặc vay tiền thoải mái từ gia đình, người thân, bạn bè thì sẽ dẫn đến rủi ro thất bại rất cao.

Sinh viên giao lưu với các diễn giả
Sinh viên ĐH Kinh tế - Luật cùng đại diện Trường, đại diện BTC và các diễn giả - doanh nhân

Đứng trước thực tế đó, ông Hải Linh gợi ý, việc tham gia GTTNLVC sẽ giúp các sinh viên nhận biết được áp lực điều hành doanh nghiệp và tự đánh giá xem mình có phù hợp với việc khởi nghiệp bằng cách mở doanh nghiệp hay không, và hơn hết là có cơ hội tìm hiểu xem bản thân còn cần phải trau dồi thêm những kiến thức, kỹ năng gì để khởi nghiệp thành công trong bối cảnh hội nhập ngày nay.

>Sinh viên Kinh tế - Luật tìm hiểu con đường khởi nghiệp

>Những kỹ năng cần có để hội nhập

> Hào hứng với những kỹ năng không có ở nhà trường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sinh viên khởi nghiệp và hội nhập: Bắt đầu từ những điều đơn giản nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO