Siêu thị nói không với tăng giá!

MINH HÀO| 04/10/2012 05:47

Hầu hết các siêu thị và nhà phân phối đều đang phải “tuyên chiến” với những nhà cung cấp nhăm nhe tăng giá bán.

Siêu thị nói không với tăng giá!

Hầu hết các siêu thị và nhà phân phối đều đang phải “tuyên chiến” với những nhà cung cấp nhăm nhe tăng giá bán.

Đọc E-paper

Siêu thị không đồng ý tăng giá của nhà sản xuất

Từ giữa tháng 9 đến nay, nhiều mặt hàng thực phẩm, rau củ, quả, hóa mỹ phẩm... bán tại chợ đã được tiểu thương áp dụng giá mới. Nhiều tiểu thương cho biết, từ đầu năm đến nay, việc buôn bán rất ế ẩm nên cũng không muốn tăng giá bán.

Thế nhưng, vì chi phí vận chuyển tăng mạnh buộc phải tăng giá theo. Còn tại các siêu thị, hàng hóa hiện vẫn giữ giá cũ, tuy nhiên, nhiều siêu thị cho biết đã nhận được thông báo điều chỉnh giá của các nhà cung cấp, bắt đầu từ tháng 10.

Trong đó, hệ thống siêu thị Co.opmart nhận được đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp hàng may mặc, hàng tiêu dùng nhựa, hóa mỹ phẩm, với mức tăng từ 4-10%. Hệ thống siêu thị Citimart nhận được đề nghị tăng giá của gần 100 nhà cung cấp các ngành hàng thực phẩm chế biến, gia dụng, hóa mỹ phẩm... với mức tăng 10-15%.

Maximark được yêu cầu điều chỉnh giá bán các mặt hàng gia dụng, thực phẩm... thêm 5%. Cũng như thế, hệ thống siêu thị Big C đã nhận được thông báo tăng giá của các nhà cung cấp nhưng không ồ ạt.

Thống kê của siêu thị này cho thấy, có 10/140 nhà cung cấp ngành hàng hóa mỹ phẩm yêu cầu được được điều chỉnh giá. Lý do chung mà các nhà cung cấp đề nghị tăng giá là giá xăng dầu, giá nguyên liệu, chi phí nhân công tăng đã làm cho chi phí vận chuyển, giá thành sản phẩm tăng lên theo.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất hàng thực phẩm khá lớn tại TP.HCM cho biết, việc tăng giá là trong thế chẳng đừng vì sức mua hiện nay quá thấp. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn.

Trong đó, xăng đã 5 lần điều chỉnh; điện, nước đã áp giá mới; gas, bao bì chế biến cũng đã thay đổi và quan trọng hơn, chi phí nhân công đã được điều chỉnh cao hơn trước rất nhiều. Theo vị này, từ đầu năm đến nay, công ty đã 3 lần điều chỉnh lương cho công nhân.

“Sức mua trong thời gian qua rất chậm vì người dân thắt chặt chi tiêu. Tăng giá lúc này đồng nghĩa với việc sức mua sẽ tiếp tục giảm nhưng nếu không tăng giá thì công ty sẽ lỗ nặng”, vị này nói.

Trước áp lực của nhà cung cấp, tất cả các nhà kinh doanh siêu thị đều không đồng ý tăng giá vì tăng giá trong lúc này đồng nghĩa với việc không bán được hàng. Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Co.opmart cho biết, đơn vị này đang xem xét các đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp một cách cẩn trọng.

“Nếu các đề nghị tăng giá được đánh giá là không hợp lý thì đương nhiên sẽ không được Co.opmart chấp nhận. Nếu các đề nghị tăng giá được đánh giá là hợp lý thì Co.opmart sẽ tiếp tục xem xét đàm phán, thuyết phục nhà cung cấp có chính sách chia sẻ với người tiêu dùng, đồng thời áp dụng tăng giá theo lộ trình, nhằm đảm bảo luôn bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu theo chủ trương của Thành phố. Riêng các nhóm hàng tham gia bình ổn tại hệ thống Co.opmart cam kết ổn định giá và giá rẻ hơn thị trường từ 5-10%”, ông Nhân cho biết.

Cũng như thế, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Citimart, cho biết đang cân nhắc và lựa chọn những nhà cung cấp mới thay thế cho những mặt hàng tăng giá mạnh trong thời gian tới.

Riêng hệ thống Big C sẽ từ chối những đề xuất điều chỉnh giá không hợp lý. Những mặt hàng đề nghị tăng giá cao, không có lý do chính đáng sẽ bị siêu thị hủy bỏ và tìm những mặt hàng thay thế hoặc các nhà cung cấp mới.

Với những mặt hàng buộc phải tăng giá, siêu thị sẽ thương lượng để điều chỉnh giá thấp nhất và thời gian chậm nhất có thể. Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại của Big C, khẳng định: “Sẽ không có bất kỳ đợt tăng giá nào trong tháng 10 này tại Big C”.

Những công bố của các siêu thị về việc kiểm soát chặt giá bán, theo nhiều chuyên gia, chắc chắn sẽ thực hiện được. Vì đã có nhiều trường hợp tăng giá bất hợp lý, không chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng đã bị siêu thị loại.

Còn nhớ năm 2009, Co.opmart từng từ chối yêu cầu tăng giá của một nhà cung cấp sữa bột. Ngay sau đó, siêu thị đã làm việc với nhiều nhà cung cấp mặt hàng sữa khác và cam kết tham gia bình ổn giá sữa, thậm chí, có hãng sữa cam kết mạnh mẽ không tăng giá đến hết năm.

Trong tháng 4/2011, một số quầy hàng thực phẩm tại Big C Miền Đông đã để trống. Tại đây, nhà phân phối ghi bảng thông báo về tình trạng thiếu hàng và đề nghị khách hàng thông cảm với lý do: “Siêu thị từ chối các yêu cầu tăng giá không hợp lý từ nhà cung cấp, nên một số nhà cung cấp đã ngưng giao hàng, dẫn đến việc thiếu hàng trong siêu thị...”. Và dĩ nhiên, đấy là giải pháp tạm thời và sau đó Big C đã tìm nhà cung cấp khác thay thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Siêu thị nói không với tăng giá!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO