Siết tín dụng bất động sản: Ý kiến của doanh nghiệp TP.HCM

25/02/2016 09:56

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đồng tình với việc siết vốn tín dụng vào bất động sản, nhưng vấn đề là phải siết đúng chỗ thì thị trường bất động sản mới không “đóng băng”.

Siết tín dụng bất động sản: Ý kiến của doanh nghiệp TP.HCM

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đồng tình với việc siết vốn tín dụng vào bất động sản, nhưng vấn đề là phải siết đúng chỗ thì thị trường bất động sản mới không “đóng băng”.  

HoREA kêu nới lỏng

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã cấp tốc gửi công văn gửi tới Ngân hàng Nhà nước xem xét lại việc sẽ giảm tín dụng đổ vào bất động sản trong thời gian tới như dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 9/2015 dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chiếm 8,05% tổng dư nợ tín dụng, tương ứng là 358.377 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản tập trung lớn nhất vào phân khúc xây dựng, sửa chữa, mua nhà, xây dựng đô thị chiếm trên 60%.

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung hạn, dài hạn toàn hệ thống là 31%, trong đó, tỷ lệ này tại các ngân hàng thương mại Nhà nước là 33%, tại ngân hàng thương mại cổ phần gần 37%, thấp hơn rất nhiều so với trần cho phép 60% theo Thông tư 36. Tuy nhiên, nếu so với trần 40% trong dự thảo sửa đổi Thông tư 36 thì đã gần sát.

Theo HoREA, việc gia tăng tín dụng vào thị trường bất động sản trong thời gian qua cũng là điều bình thường do thị trường bất động sản mới vừa phục hồi từ cuối năm 2013 cho đến nay, sau một thời kỳ bị khủng hoảng đóng băng kéo dài.

Bên cạnh nguồn cung tín dụng, còn có nguồn kiều hối về thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 khoảng 5,5 tỷ USD, trong đó có khoảng 23% chuyển vào thị trường bất động sản.

Hơn nữa, trong năm 2015 các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trên thị trường bất động sản thành phố chiếm khoảng 15%, chủ yếu trong phân khúc bất động sản loại khá hoặc cao cấp. So với thời điểm "bong bóng" bất động sản năm 2007 thì nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp chiếm đến khoảng 70%.

HoREA cho rằng, việc siết tín dụng vào bất động sản trong thời gian tới có thể sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản mới vừa phục hồi hơn 2 năm qua từ đáy sâu khủng hoảng, chẳng những tác động rất mạnh đến các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (mua đi bán lại), các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản, có thể làm sụt giảm nguồn cung, làm tăng dự án dở dang, sản phẩm dở dang…

Doanh nghiệp nói nên siết

Theo ông Ngô Quang Phúc - Phó tổng giám đốc Him Lam Land, kiềm chế tín dụng vào bất động sản cũng là việc hạn chế đầu cơ quá nhiều, vì thị trường đã tạo thanh khoản ảo khi có những dự án mở bán 2.000 căn đã công bố bán hết trong vòng 2 tháng.

Tuy nhiên, việc giới hạn dòng tiền vào bất động sản cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến toàn bộ thị trường bất động sản. Thị trường mới ấm lên, Nhà nước không nên chặn lại mà có giải pháp để thị trường phát triển tập trung vào đa số nhu cầu của người dân.

Him Lam Land cũng dựa trên những nhu cầu thực của thị trường mà tập trung vào phân khúc căn hộ giá 1 - 1,5 tỷ đồng/căn, tập trung vào người mua nhà để ở vì tỷ lệ khách hàng đóng tiền mua nhà rất cao.

Nếu Ngân hàng Nhà nước có những biện pháp kiểm soát dòng tiền chảy vào bất động sản tốt thì dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ không tác động nhiều đến phân khúc khách hàng mua nhà để ở.

Còn theo ông Đặng Chính Thắng - Phó tổng giám đốc CTCP Địa ốc Đất Xanh Miền Nam, nếu siết vốn tín dụng vào bất động sản gây ra cả hai hiệu ứng tích cực và tiêu cực.

Về mặt tích cực sẽ thanh lọc lại thị trường bất động sản, loại bỏ được những dự án không hiệu quả, sẽ có hiện tượng hàng loạt dự án tiếp tục “chết” khi không được đổ vốn là điều không tránh khỏi.

Để tránh lãng phí đất, Nhà nước phải có phương án giải quyết những dự án đã “chết” bằng cách thành lập một quỹ đầu tư lớn, có tiềm lực vốn mạnh đi gom những dự án “chết” này lại, tái cơ cấu nó phù hợp với nhu cầu thị trường từng giai đoạn.

Về mặt tiêu cực của việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của ngân hàng cũng sẽ tạo cho ngân hàng cửa quyền, gây khó cho doanh nghiệp bất động sản vì quota vốn cho vay đã hết, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát việc này.

Siết vốn nhưng thị trường bất động sản không đóng băng vì hiện nay dự án “chết” tại TP.HCM rất nhiều. Nhà nước nên khuyến khích phát triển những dự án phục vụ cho đa số nhu cầu người dân, đánh giá tính khả thi của dự án một cách thực chất, mở rộng vốn cho vay những dự án này và nên có ưu đãi lãi suất…

Là một nhà cung cấp và phát triển bất động sản lớn trên địa bàn TP.HCM, đại diện Tập đoàn Novaland, ông Phan Thành Huy - Tổng Giám đốc cho biết, với những tín hiệu từ Ngân hàng Nhà nước trong việc hạn chế và kiểm soát tín dụng để đảm bảo tính thanh khoản và đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường một cách bền vững, Novaland dự kiến mục tiêu sản lượng năm 2016 là khoảng 5.000 sản phẩm.

“Chúng tôi sẽ tập trung phát triển và hoàn thành dự án đã công bố, hạn chế mua thêm dự án mới để kiểm soát tín dụng, không tăng dư nợ, đảm bảo thanh khoản, đảm bảo chất lượng sản phẩm, góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản cũng như của Tập đoàn Novaland”, ông Huy nói.

>HoRea: Siết tín dụng bất động sản sẽ gây tác động tiêu cực

>Chứng khoán “mệt” với siết tín dụng

>Tín dụng bất động sản: Chưa đáng ngại

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Siết tín dụng bất động sản: Ý kiến của doanh nghiệp TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO